Ảnh minh họa |
Năm 2022, kết quả đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa mới chỉ hoàn thành 40% kế hoạch. Trong năm đã thực hiện đấu giá 223 dự án với tổng diện tích đất 89,5 ha; tổng số tiền trúng đấu giá 6.794,4 tỷ đồng.
MỖI NGÀY HƠN 2 CUỘC ĐẤU GIÁ ĐẤT
Năm 2023, trên cơ sở tổng hợp, rà soát báo cáo của UBND các huyện, thị xã, thành phố và Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất UBND tỉnh xem xét, phê duyệt Danh mục dự án đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh với 957 dự án (MBQH) (gồm dự án chuyển tiếp và dự án mới); tổng diện tích đất dự kiến đấu giá 1.042,2 ha; tổng số tiền sử dụng đất dự kiến thu được 25.040,5 tỷ đồng, trong đó tiền sử dụng đất thu được (sau khi trừ chi phí GPMB, đầu tư hạ tầng kỹ thuật) là 16.000 tỷ đồng.
Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định phê duyệt danh mục dự án đấu giá quyền sử dụng đất năm 2023 trên địa bàn tỉnh (đợt 1), cụ thể có 766 dự án, với tổng diện tích đất theo quy hoạch là hơn 1.852 ha; tổng diện tích đất dự kiến đấu giá gần 820 ha; tổng số tiền sử dụng đất dự kiến thu là hơn 19.500 tỷ đồng; số tiền sử dụng đất thu được sau khi trừ các chi phí giải phóng mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật là hơn 12.486 tỷ đồng.
Như vậy, tính trung bình, mỗi ngày tại Thanh Hóa có hơn 2 cuộc đấu giá đất được tổ chức ở khắp các địa phương trong tỉnh.
Trong khi phân khúc nhà phố, đất thổ cư, đất nền tại các dự án đang gần như “đóng băng” thì các cuộc đấu giá đất vẫn diễn ra tương đối sôi động. Ưu điểm của đất đấu giá là mặt bằng sạch đã hoàn chỉnh, có thể đưa vào sử dụng ngay và nhà đầu tư sau khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính sẽ được văn phòng đăng kí đất đai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vì thế, những người có nhu cầu mua đất để ở, các nhà đầu tư “ăn chắc mặc bền” đặc biệt quan tâm.
Những năm trước, các cuộc đấu giá đất ở Thanh Hóa đặc biệt nóng. Mỗi xã, phường khi tổ chức đấu giá đất có hàng ngàn người đăng kí mua hồ sơ, xe ô tô đỗ kín vòng quanh vòng ngoài.
Tại một xã nông thôn của huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa), đầu tháng 4/2021, chính quyền tổ chức đấu giá 23 lô đất, mỗi lô từ 125 đến 150m2 nhưng có đến hơn 1.000 bộ hồ sơ tham gia. Chưa bao giờ cuộc đấu giá đất ở một vùng quê mà thu hút hàng nghìn người dân địa phương và nhiều cá nhân, tổ chức môi giới và kinh doanh bất động sản từ khắp nơi đổ về tham dự như vậy.
Hàng dài xe ô tô đến tham gia đấu giá 23 lô đất tại một xã vùng nông thôn huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa vào đầu tháng 4/2021. |
Từ giá khởi điểm là 250 triệu đồng/lô đã được đấu lên tiền tỷ (từ 1 - 1,3 tỷ đồng/lô). Đặc biệt, có hơn 1.000 hồ sơ tham gia đấu giá 23 lô đất nhưng chỉ có 4 người trúng đấu giá. Nhiều người tham dự đã sửng sốt khi nghe đơn vị đấu giá công bố kết quả trúng đấu giá của 23 lô đất này.
Thời hoàng kim, tại Thanh Hóa, nhiều nhà đầu tư cá nhân tổ chức thành các “đội”, “nhóm” tham gia hầu hết các cuộc đấu giá đất. Nhiều “cò” đất chỉ cần đấu giá trúng sau khi ra khỏi hội trường đã có thể “sang tay” mảnh đất thu lời hàng chục, hàng trăm triệu đồng. Khi đó nhiều người đã phất lên nhanh chóng với nghề “đấu giá đất”.
Đấu giá đất trở thành “đặc sản’’ trong thị trường bất động sản tại Thanh Hóa.
CƠ HỘI CHO NGƯỜI DÂN CÓ NHU CẦU MUA ĐẤT Ở
Tại thời điểm này, cũng như các địa phương khác trong cả nước, sau giai đoạn sốt đất, thị trường bất động sản Thanh Hóa đang cạn kiệt nguồn thanh khoản. Tuy nhiên, theo khảo sát của VnEconomy, nhiều cuộc đấu giá đất tại các địa phương vẫn tổ chức thành công. Đặc biệt đất mặt bằng tại những nơi có hạ tầng tốt, kết nối giao thông sẵn sàng được người dân địa phương và các nhà đầu tư cá nhân đặc biệt quan tâm.
Hiện tượng thổi giá, bỏ cọc về cơ bản đã không còn. Theo nhận định của chuyên gia bất động sản thì các cuộc đấu giá đất hiện nay là “cơ hội vàng” cho những người có nhu cầu thực mua đất để ở.
So với đất thổ cư tại các làng xã, hạ tầng tại các mặt bằng “đấu giá” được cho là “ăn đứt” khi đường sá được quy hoạch rộng rãi, đồng bộ. Trong khi đó, việc chỉ cần đóng đủ tiền người trúng đấu giá được cấp sổ và có thể xây dựng ngay trở thành lợi thế của các mặt bằng đấu giá so với các dự án do các doanh nghiệp đầu tư.
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay đất trúng đấu giá đã trở về giá trị thực. Ví dụ tại xã An Nông, huyện Triệu Sơn, các mảnh đất ở đây được đặt giá khởi điểm từ 500-700 triệu cho các lô đất từ 100 đến 125m2. Với mặt bằng giá khởi điểm phù hợp, những người dân địa phương có nhu cầu đã có thể tự tin tham gia đấu giá thành công. Tại một số mặt bằng khác ở các huyện Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Thọ Xuân… giá khởi điểm của các lô đất và giá đấu thành công đã ở mức giá được cho là phù hợp với nhu cầu mua để ở và đầu tư lâu dài. Phổ biến mức giá giá đấu thành công đối với các mặt bằng đất ở nông thôn hiện dao động từ 6-8 triệu/m2.
Bên cạnh các mặt bằng chuẩn bị đấu giá, thị trường đất nền đã đấu giá thành công trước đó vẫn xuất hiện các giao dịch thành công. Có thể nói, phân khúc đất đấu giá chính là điểm sáng hiếm hoi trên thị trường bất động sản Thanh Hóa hiện nay.
Tác giả: Thiên Anh
Nguồn tin: vneconomy.vn