Đặc phái viên Tống Đào (phải) gặp ông Ri Su-yong - người từng là Ngoại trưởng Triều Tiên. |
Đặc phái viên Tống Đào của Trung Quốc đã kết thúc chuyến thăm kéo dài bốn ngày đến Triều Tiên vào ngày 20/11. Tuy nhiên, không có thông tin nào về việc nhân vật này gặp gỡ với nhà lãnh đạo Kim Jong-un để thảo luận vấn đề hạt nhân.
Theo báo cáo của hãng tin Tân Hoa Xã, đặc phái viên Tống Đào đã thảo luận với các quan chức tại Bình Nhưỡng về quan hệ giữa hai nước và tình hình trên bán đảo Triều Tiên.
Ông Tống cũng thông báo tóm tắt về thành công của Đại hội toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng trước.
Hai bên cam kết sẽ “tăng cường giao tiếp giữa đảng cầm quyền hai nước để thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ” giữa Trung Quốc và Triều Tiên, nguồn tin cho biết.
Sau khi đến Bình Nhưỡng thứ Sáu tuần trước, ông Tống hội đàm với ông Choe Ryong-hae - Phó Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên và là trợ lý thân tín của ông Kim Jong-un.
Ngoài ra, đặc phái viên của Trung Quốc cũng gặp ông Ri Su-yong, quan chức cấp cao phụ trách đối ngoại của Bình Nhưỡng, nhưng không có báo cáo nào nói về cuộc gặp với ông Kim.
Ông Tống Đào đến Bình Nhưỡng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi Trung Quốc cần gây áp lực mạnh mẽ hơn để kiềm chế tham vọng hạt nhân của Triều Tiên.
Wang Sheng, Giáo sư về vấn đề Triều Tiên tại đại học Cát Lâm, cho biết sự bất đồng giữa hai nước đã hiển hiện khi không có báo cáo nào nói về cuộc gặp giữa ông Tống với ông Kim Jong-un.
“Rõ ràng, sự đồng thuận về cách ứng phó xung quanh vấn đề vũ khí hạt nhân đã không đạt được giữa Trung Quốc và Triều Tiên”, ông Wang nói. “Trung Quốc đã đáp ứng Mỹ trong việc xử phạt Triều Tiên nhưng hy vọng các cuộc đàm phán sẽ diễn ra hòa bình. Nhưng Kim có thể không chấp nhận đề nghị này ... Bình Nhưỡng có một cái tôi khá lớn”.
Tuy nhiên, chuyên gia Wang lưu ý, quan hệ Trung-Triều sẽ không thể rạn vỡ chỉ vì một cuộc họp không diễn ra.
Trên thực tế đây là chuyến thăm trên danh nghĩa thông báo giữa hai đảng cầm quyền về hoạt động của nhau. Ông Tống Đào đến Bình Nhưỡng để thông báo về một số tư tưởng, định hướng mới của Đảng cộng sản Trung Quốc và thành công của đại hội Đảng vừa qua. Kèm theo đó là một số cuộc thảo luận về các vấn đề nóng khác nếu điều kiện cho phép.
“Giao thức ngoại giao giữa Trung Quốc và Triều Tiên là loại không xác định - không có ranh giới rõ ràng về những gì hai bên trao đổi với nhau”.
Tong Zhao, thành viên Trung tâm Chính sách toàn cầu Carnegie-Tsinghua tại Bắc Kinh, cho biết cuộc họp của ông Tống với cán bộ chủ chốt ở Bình Nhưỡng trong “chuyến viếng thăm tương đối dài”, là lời đề nghị Triều Tiên duy trì mối quan hệ ổn định và tích cực với Trung Quốc.
Tuy nhiên, nếu việc ông Tống không gặp mặt ông Kim Jong-un là sự thật, điều này có thể suy đoán rằng Triều Tiên không muốn phải đối mặt với nhiều áp lực từ Trung Quốc
“Từ điều này, chúng ta có thể nhận định ảnh hưởng trực tiếp của Trung Quốc vào Triều Tiên đã bị hạn chế”, Tong Zhao đánh giá.
Tổng thống Trump siết chặt trừng phạt với Triều Tiên
Tổng thống Trump vừa tái chỉ định Triều Tiên là quốc gia tài trợ khủng bố. |
Được biết, Tổng thống Mỹ Donald vừa chính thức đưa Triều Tiên trở lại cái gọi là “danh sách các nước tài trợ khủng bố”.
Đi kèm với quyết định này là các biện pháp trừng phạt khắt khe hơn do Bộ Tài chính Mỹ đưa ra đối với Bình Nhưỡng. Triều Tiên từng được Tổng thống George W. Bush xóa tên khỏi danh sách này vào năm 2008.
Giới quan sát nhận định, bước đi lần này của Washington chỉ là muốn siết chặt hơn nữa đối với chương trình tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng và cáo buộc tài trợ khủng bố chỉ là cái cớ.
Động thái mới từ phía Washington đã nhận được sự hoan nghênh từ phía Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy nhiên, phía Liên Hợp Quốc thể hiện sự trung lập khi không ủng hộ cũng không bác bỏ tuyên bố của Mỹ.
Phát ngôn viên Liên Hợp Quốc Farhan Haq cho biết, Liên Hợp Quốc "không có gì để nói" về việc Mỹ chỉ định Triều Tiên là một quốc gia tài trợ chủ nghĩa khủng bố. "Đó không phải là danh sách của chúng tôi", phát ngôn viên Haq nói.
Theo Mintaro Oba - một cựu nhân viên bộ Ngoại giao Hàn Quốc – việc đưa Triều Tiên trở lại danh sách có phần mơ hồ của Mỹ sẽ không mang lại tiến bộ đáng kể trong chiến dịch gây áp lực lên quốc gia châu Á.
"Tái chỉ định Triều Tiên như một Nhà nước tài trợ khủng bố không mang thêm nhiều áp lực đáng kể. Ngược lại, nó còn khiến cho con đường hướng tới phi hạt nhân hóa gian nan hơn", Oba nói với CNN. "Bình Nhưỡng sẽ càng mất niềm tin khi thấy Mỹ có vẻ như không nghiêm túc trong việc đàm phán.
Trước khi đưa Triều Tiên trở lại danh sách, chỉ có ba quốc gia - Iran, Sudan và Syria – bị Mỹ dán nhãn là các quốc gia tài trợ khủng bố.
Mặc định như vậy sẽ cho phép Washington nâng cao các biện pháp trừng phạt bao gồm cắt đứt viện trợ nước ngoài, cấm nhập khẩu vũ khí, buôn bán. Nó cũng cho phép Mỹ trừng phạt với các bên thứ ba có quan hệ giao dịch với nước có trong danh sách.
Gần 10 năm trước, cựu Tổng thống Bush quyết định loại Triều Tiên khỏi danh sách như một phần nỗ lực cứu vãn thỏa thuận hạt nhân với Bình Nhưỡng.
Tác giả: Quốc Vinh
Nguồn tin: Báo Người đưa tin