Sáng 5/9, Đặc phái viên Chung Eui-yong, người đứng đầu Văn phòng An ninh Quốc gia của Tổng thống Hàn Quốc, đã rời sân bay Seongnam ở Seoul. Đi cùng ông còn có 4 quan chức khác, trong đó có Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia Suh Hoon và Thứ trưởng Bộ Thống nhất Chun Hae-sung.
Phái đoàn đặc biệt của Hàn Quốc lên đường sang Triều Tiên ngày 5/9. (Ảnh: Yonhap) |
Đây cũng chính là 5 quan chức đã thăm Bình Nhưỡng ngày 5-6/3 để gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên, đặt nền tảng cho cuộc Thượng đỉnh lịch sử giữa ông Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ở làng đình chiếm Panmunjom (Bàn Môn Điếm) ngày 27/4, và nối tiếp đó là cuộc gặp Thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un ở Singapore ngày 12/6.
Thượng đỉnh liên Triều lần 3
Chuyến thăm Bình Nhưỡng lần này của nhóm quan chức trên nhằm mục đích đạt được một thỏa thuận về cuộc gặp Thượng đỉnh thứ ba giữa ông Moon Jae-in và ông Kim Jong-un. Hai nhà lãnh đạo đã có cuộc gặp Thượng đỉnh thứ hai ở Panmunjom ngày 26/5 và 2 nước nhất trí sẽ tổ chức cuộc gặp Moon – Kim thứ ba vào tháng này.
“Trước hết, phái đoàn này sẽ tìm cách đặt một ngày cụ thể cho cuộc gặp Thượng đỉnh Hàn Quốc – Triều Tiên mà 2 nước đã nhất trí tổ chức ở Bình Nhưỡng trong tháng 9 này” – ông Chumg nói trong cuộc họp báo ngày 4/9. “Thứ hai, phái đoàn sẽ thảo luận biện pháp phát triển quan hệ Hàn Quốc – Triều Tiên bằng cách thực thi Tuyên bố Panmunjom”.
Các quan chức Hàn Quốc cũng được cho là sẽ tìm cách loại bỏ những bế tắc trong đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Hàn Quốc.
“Phái đoàn đặc biệt này cũng sẽ lên kế hoạch tổ chức các cuộc thảo luận về cách thức phi hạt nhân hóa hoàn toàn và thiết lập hòa bình lâu dài cho Bán đảo Triều Tiên” – ông Chung cho biết.
“Sứ giả” của Washington
Đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Triều Tiên được cho là đã đạt tới mức độ chưa từng có sau cuộc gặp Thượng đỉnh lịch sử giữa lãnh đạo 2 nước hồi tháng 6. Tuy nhiên, tiến trình đàm phán đang bế tắc sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hủy chuyến thăm Triều Tiên theo kế hoạch của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, lấy lý do là vì tiến trình phi hạt nhân hóa của Triều Tiên thiếu tiến bộ.
đặc phái viên hàn quốc đến triều tiên mang theo cả thông điệp của mỹ hình 2
Mỹ ngày càng yếu thế đàm phán hơn so với trước Thượng đỉnh Trump-Kim?
VOV.VN - Với việc Ngoại trưởng Pompeo hủy thăm Bình Nhưỡng, Mỹ đang tự đẩy mình vào thế đàm phán yếu hơn so với trước Thượng đỉnh Trump – Kim.
Ngoài việc trao một bức thư của cá nhân Tổng thống Moon cho ông Kim, Đặc phái viên Chung cho biết, ông cũng sẽ truyền đạt lập trường của Mỹ đến Triều Tiên.
“Chúng tôi vẫn luôn liên hệ chặt chẽ với Mỹ” – ông Chung nói. “Chúng tôi cũng đang chia sẻ thông tin liên quan đến chuyến thăm của phái đoàn đặc biệt đến Triều Tiên và tổ chức các cuộc thảo luận sát sao”.
Tam giác Mỹ - Hàn – Triều
Chuyến đi này của ông Chung diễn ra trong bối cảnh có những lo ngại về sự “chuệch choạc” giữa tốc độ tiến triển của quan hệ liên Triều với tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, đặt biệt là sau cuộc gặp Thượng đỉnh Moon – Kim lần 3.
Nhiều người Hàn Quốc và Mỹ tin rằng bất cứ tiến triển nào của quan hệ Hàn Quốc – Triều Tiên nhờ việc tăng cường hợp tác kinh tế liên Triều cũng có thể làm suy yếu hoặc triệt tiêu thiện chí phi hạt nhân hóa để đổi lấy đảm bảo về an ninh cũng như hỗ trợ về kinh tế từ Mỹ và các đồng minh.
Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Donald Trump tối 4/9 (theo giờ Seoul), ông Moon Jae-in nói rằng việc cải thiện quan hệ liên Triều sẽ chỉ bổ trợ cho những nỗ lực phi hạt nhân hóa Triều Tiên.
“Ông Moon khẳng định rằng việc cải thiện quan hệ Hàn Quốc – Triều Tiên và giảm căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên sẽ góp phần hoàn tất phi hạt nhân hóa bán đảo này và thiết lập hòa bình lâu dài ở đây” – người phát ngôn Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc (Cheong Wa Dea) Kim Eui-kyeom cho biết.
Đặc phái viên Chung cho biết, việc cải thiện quan hệ liên Triều thậm chí có thể cứu vãn đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Triều Tiên.
“Chúng tôi tin rằng việc cải thiện quan hệ Hàn Quốc – Triều Tiên có thể là một xung lực cho phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên,và rằng chúng tôi có thể kéo đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo này bằng những tiến triển trong quan hệ Hàn – Triều nếu cần thiết” – ông Chung nêu rõ.
Phái đoàn của Hàn Quốc sẽ trở về nước ngay trong ngày hôm nay (5/9). Hiện không rõ phái đoàn Hàn Quốc có gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên hay không./.
Tác giả: Diệu Hương
Nguồn tin: Báo VOV