Trong tỉnh

Đa Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa: Nỗi lo rừng chắn sóng ven biển biến mất

Thời gian qua, tại xã Đa Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa), những cánh rừng chắn sóng với vai trò cơ yếu trong bảo vệ đất liền, chống sạt lở, bảo vệ người dân trước bão gió đang bị “bức tử” bởi chính con người...

Rừng chắn sóng được UBND tỉnh Thanh Hóa đưa vào quy hoạch, gọi là rừng phòng hộ, rừng chắn sóng, nghiêm cấm khai thác. Ảnh: Gia Hân

Rừng chắn sóng ven biển bị "bức tử"

Trong khoảng 400ha rừng phòng hộ ngập mặn ven biển với chức năng chắn sóng, chắn gió bảo vệ đê biển, bảo vệ người dân thôn Đông Tân (xã Đa Lộc) thì có tới khoảng 100ha rừng đang lâm cảnh bị "bóp nghẹt" sự sống bởi rác thải khiến cây chậm phát triển, gãy đổ và chết dần. Theo người dân địa phương, chính con người đang trực tiếp phá bỏ những thảng rừng chắn sóng này.

Một hộ dân cho biết: "Chúng tôi thực sự xót xa khi những thảng rừng chắn sóng rộng lớn bị chặt phá. Hiện tại, cánh rừng chắn sóng thuộc thôn Đông Tân là rừng đã được UBND tỉnh Thanh Hóa đưa vào quy hoạch và gọi là rừng phòng hộ, rừng chắn sóng, nghiêm cấm khai thác. Tuy nhiên, thời gian qua nhiều hộ dân trong thôn, xã đã tự ý đốn chặt, khai thác một cách vô tội vạ, thiếu ý thức. Họ khai thác cả nghìn mét vuông chỉ bởi mục đích làm ván, cốt pha trong xây dựng. Sự việc này diễn ra nhiều năm nhưng không bị ngăn chặn".

Cùng chung tâm trạng lo lắng, một hộ dân khác chia sẻ: "Lâu nay cánh rừng này là "lá phổi xanh", lá chắn sóng cho cả thôn, xã. Mỗi khi mưa gió, bão bùng ập đến, người dân cũng yên tâm khi có rừng chắn sóng bảo vệ. Tuy nhiên, không hiểu lý do gì mà người ta lại tự ý đốn chặt tràn lan. Nhìn cánh rừng nham nhở, lỗ chỗ do bị chặt phá vô tội vạ, chúng tôi không khỏi xót xa và lo lắng mỗi khi mùa bão đến. Những năm qua, tình hình thiên tai diễn biến thất thường, biển đã lấn sâu vào đất liền, nguy cơ mất đất, nỗi lo bị sóng biển xâm lấn ngày càng tăng lên".

Mục thị cánh rừng nơi bị người dân chặt phá, hiển hiện trước mắt chúng tôi là hàng trăm gốc cây đã bị đốn hạ nằm trơ trọi, ngổn ngang.

Tìm hiểu từ phía các hộ dân đã trực tiếp đốn hạ cánh rừng thì họ giải thích rằng không cố tình vi phạm luật bảo vệ rừng. Khu vực mà người dân đã đốn chặt cây là khu đất được UBND xã Đa Lộc cho họ thuê từ 20 năm trước (thời gian từ năm 1994 đến 2014). Trong thời gian thuê đất, người dân đã trồng trọt, sản xuất tại đây. Đến khi hết hạn giao đất năm 2014, chính quyền đã ra quyết định thu hồi đất, cho tới nay đã gần 6 năm mà vẫn chưa được kiểm kê, giải quyết hỗ trợ đền bù?

Loay hoay tìm hướng giải quyết

Nhiều hiểm nguy khi hàng chục hecta rừng chắn sóng bị chặt hạ.

Hiện dư luận đặt câu hỏi: Vai trò của chính quyền sở tại ở đâu khi những cánh rừng bị đốn hạ? Vì sao chính quyền địa phương, cơ quan chức năng không có biện pháp ngăn chặn nào? Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, ông Vũ Văn Đỉnh - Chủ tịch UBND xã Đa Lộc thừa nhận việc rác thải từ ngoài biển tràn vào cánh rừng chắn sóng đang gây ra nhiều khó khăn cho chính quyền trong việc bảo vệ cánh rừng chắn sóng. Bên cạnh đó, ông Đỉnh cũng cho biết việc người dân tự ý chặt cây ở rừng phòng hộ là có thật.

"Người dân khai thác cây trên diện tích họ đã trồng. Họ khai thác vào ban đêm. Sau khi phát hiện, chúng tôi đã lập biên bản yêu cầu dừng khai thác và báo cáo các ngành chức năng để có hướng xử lý tiếp theo", ông Đỉnh nói.

Cũng theo ông Đỉnh, thời điểm hiện tại, chưa xác định được đất của dân khu vực thôn Đông Tân được Nhà nước đưa vào vùng quy hoạch rừng phòng hộ từ khi nào, bởi khi kiểm tra lại hồ sơ, sổ sách thì không có văn bản. "Đây là khu vực rừng có chức năng chắn sóng, chắn cát và gió... ngoài ra còn có tiềm năng lớn để phát triển du lịch sinh thái. Còn về vấn đề hỗ trợ đền bù thì ngoài khả năng tài chính của UBND xã, hiện chúng tôi đã đề nghị UBND huyện Hậu Lộc, các ngành chức năng liên quan hỗ trợ người dân thông qua các kênh như hội, họp, tiếp xúc cử tri... nhưng đến nay vẫn chưa có hướng dẫn giải quyết cụ thể. Hiện tại, đất rừng phòng hộ dọc triền đê thôn Đông Tân được chúng tôi giao lại cho chính các hộ dân đã thuê trước đó trông coi, bảo vệ và chăm sóc. Sắp tới, UBND xã Đa Lộc sẽ thu hồi toàn bộ diện tích đất đã cho thuê để quản lý theo thẩm quyền", ông Đỉnh chia sẻ.

Tác giả: Gia Hân

Nguồn tin: giadinh.net

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok