Trong tỉnh

Cựu Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa thừa nhận hưởng lợi 3 tỷ đồng do 'tạo điều kiện' mà có

Chiều 15/8, phiên tòa xét xử 12 bị cáo trong vụ án 'Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng' xảy ra tại Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa bước vào phần xét hỏi.

Trả lời HĐXX, bị cáo Phạm Thị Hằng, cựu Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết, cáo trạng truy tố hoàn toàn đúng. Theo bị cáo Phạm Thị Hằng, khi triển khai gói thầu số 1 thì các nhà thầu có đến đặt vấn đề, trong đó có Công ty CP Sách và Thiết bị trường học Thanh Hóa.

Bị cáo Phạm Thị Hằng

Đơn vị này trước là một phòng thuộc Sở GD&ĐT Thanh Hóa, sau đó cổ phần hóa, nên có quan hệ với bị cáo và một số cán bộ của sở.

“Công ty đến đặt vấn đề với bị cáo thì bị cáo có đồng ý về mặt chủ trương, nhưng bị cáo vẫn yêu cầu các cơ quan tham mưu, đơn vị cấp dưới phải chấp hành đúng pháp luật, cạnh tranh lành mạnh với nhau. Khi đó, bị cáo luôn luôn nhắc nhở anh em cấp dưới thực hiện đúng quy định. Tuy nhiên, do thiếu hiểu biết về đấu thầu và tin tưởng anh em cấp dưới, nên không xem xét, kiểm tra kỹ, nên đã ký thông qua các hồ sơ, văn bản. Khi đó, bị cáo hỏi anh em thì anh em nói luôn làm đúng quy định của pháp luật, không có gì sai”, bị cáo Hằng khai tại tòa.

Cựu Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cũng thừa nhận, nhà thầu có chuyển chút kinh phí và đưa cho Nguyễn Văn Phụng, sau đó Nguyễn Văn Phụng có chuyển lại cho bị cáo. “Bị cáo nhận 2,8 tỷ đồng từ anh Phụng và 200 triệu đồng chúc Tết từ Lê Thế Sơn, Giám đốc Công ty CP Sách và Thiết bị trường học Thanh Hóa sau khi 2 gói thầu kết thúc. Khi đưa tiền, anh Phụng nói với bị cáo, kết thúc thì nhà thầu cảm ơn nhà đầu tư một chút kinh phí”, bị cáo Hằng thừa nhận.

Cựu Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa thừa nhận hưởng lợi 3 tỉ do "tạo điều kiện" mà có

Bị cáo Phạm Thị Hằng cũng cho biết thêm, việc thanh quyết toán gói thầu thứ 2 là do giám đốc mới, lúc này bị cáo đã chuyển sang Ban Tuyên giáo. Đơn vị trúng thầu cảm ơn nhưng bị cáo không nhận trực tiếp mà nhận qua bị cáo Nguyễn Văn Phụng.

Cựu Giám đốc Sở GD&ĐT cũng thừa nhận việc do “tạo điều kiện” mà có. Khi chủ tọa phiên tòa hỏi về hành vi vi phạm của bị cáo Phạm Thị Hằng đã gây hậu quả như thế nào cho ngành giáo dục tỉnh Thanh Hóa thì bị cáo Phạm Thị Hằng đã bật khóc và nói: "Đây là vụ án diễn ra lần đầu tiên, rất đáng tiếc, rất đau xót". Tại tòa, bị cáo Hằng cũng đề nghị hủy bỏ lệnh phong tỏa xe, nhà đất…

Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, giai đoạn từ năm 2019 - 2021, Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện 2 gói thầu mua sắm thiết bị giáo dục, trường học cho các trường trên địa bàn. Trong quá trình thực hiện các gói thầu, các bị cáo công tác tại Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa đã thông đồng với các bị cáo còn lại nâng khống giá trị các gói thầu, gây thiệt hại cho Nhà nước tổng số tiền hơn 20,8 tỉ đồng.

Cụ thể, gói thầu số 1 Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện với số tiền hơn 32,6 tỉ đồng, nhưng trong quá trình điều tra, Hội đồng thẩm định giá thẩm định lại thì giá trị thực chỉ có hơn 24,9 tỉ đồng.

Gói thầu số 2 mà Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện với giá trị hơn 86,9 tỉ đồng, nhưng khi thẩm định lại chỉ có giá trị hơn 73,7 tỉ đồng.

Bản cáo trạng cáo buộc, sau khi trúng đấu giá để thực hiện các gói thầu, Lê Thế Sơn, Giám đốc Công ty CP Sách và Thiết bị trường học Thanh Hóa đã đưa cho Nguyễn Văn Phụng (nguyên Phó phòng Kế hoạch tài chính Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa) 6 tỉ đồng.

Sau khi cầm tiền, Phụng đưa cho bà Phạm Thị Hằng 3 tỉ đồng. Số còn lại, Phụng giữ cho mình 700 triệu đồng sau khi chia cho Trịnh Hữu Nghĩa 1,65 tỉ đồng, Lê Văn Cương 250 triệu đồng, Bùi Trí Thức 300 triệu đồng và 300 triệu đồng cho phòng Kế hoạch tài chính Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa.

Tác giả: Hà Anh

Nguồn tin: congluan.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok