Ông Patrushev (trái) ngồi cạnh Tổng thống Putin - Ảnh: AP |
Skripal từng là đại tá tình báo quân đội Nga (GRU) nhưng cũng là điệp viên hai mang của Anh, đã tố giác hàng chục điệp viên Nga cho Cục tình báo phản gián MI6 của Anh. Ông là một trong số các điệp viên bị Nga bắt và được trao đổi với điệp viên Nga bị Mỹ bắt hồi năm 2010.
Ngày 4.3.2018, Skripal và con gái Yulia bị đầu độc tại thành phố Salisbury (Anh). Anh đã buộc tội một sĩ quan GRU qua Anh thực hiện vụ đầu độc bằng chất độc thần kinh Novichok cấp quân dụng, nhưng Nga phủ nhận.
Hồi hè năm 2017, Skripal đã trả lời phỏng vấn của nhà báo Mark Urban chuyên về ngoại giao và quốc phòng của hãng tin BBC. Urban sẽ xuất bản cuốn sách “Hồ sơ Skripal: Cuộc đời và việc suýt bị giết chết của một điệp viên Nga” tại Mỹ vào ngày 2.10. Nội dung chính là hoạt động tình báo thời hậu Chiến tranh Lạnh.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn của Urban được báo New York Times trích đoạn, Skripal nói thông tin quan chức Nga cấp cao tham nhũng rất nhạy cảm, và ông dẫn việc một sĩ quan hải quân Nga đã được tìm thấy chết - có lẽ bị siết cổ - trong một bệnh viện Nga năm 2004, sau khi tình báo Nga thẩm vấn.
Sĩ quan này từng cùng Skripal hoạt động cho GRU và cũng bị phát hiện tuồn thông tin mật cho an ninh phương Tây.
Giải thích chính thức là sĩ quan này tự sát, nhưng nhiều ngón tay của ông ta bị chặt đứt, như một thông điệp cảnh cáo rõ ràng.
Tình báo Anh kết luận Skripal không chung số phận, vì khi bị Nga thẩm vấn, ông không nói ra mạng lưới tham nhũng dẫn đến đỉnh là ông Patrusshev, lúc đó là lãnh đạo Cơ quan An ninh liên bang Nga (FSB, hậu thân của Cục Tình báo Liên Xô- KGB).
Ông Patrushev đã thôi chức vụ này, vẫn là đồng minh thân cận của Tổng thống Putin, và giữ chức Chủ tịch Hội đồng An ninh liên bang Nga.
Đại tá Nga bất mãn việc Liên Xô sụp đổ
Cuộc phỏng vấn không trả lời câu hỏi tại sao GRU muốn giết Skripal, nhưng vạch ra một bức tranh đầy đủ về cuộc đời điệp viên Nga-chỉ điểm Anh của ông.
Skripal nói với nhà báo BBC: ông bất mãn việc Liên Xô sụp đổ năm 1991 và bị Tổng thống Nga Boris Yeltsin thù ghét, nên ông trốn thề trung thành với Cộng hòa liên bang Nga.
Năm 1992, ông đề nghị được gặp một vị tướng GRU để nộp đơn từ chức với lý do “không muốn phục vụ chính phủ mới”.
Nhưng GRU lúc đó rất cần sĩ quan giỏi, nên không chấp nhận đơn từ chức của Skripal, giao ông một vị trí khá tốt ở thủ đô Madrid của Tây Ban Nha.
Hè 1996, một đặc vụ MI6 tuyển dụng Skripal làm chỉ điểm. Để lấy số tiền công 3.000 USD, ông ta cung cấp chi tiết về cơ cấu chỉ huy của GRU và thỏa thuận này tiếp tục khi ông ta được gọi trở về Nga.
Không hề có cuộc gặp mặt nào giữa người tuyển dụng với Skripal, nhưng ông ta viết thông tin mật vào một cuốn sách bằng một loại mực mà mắt thường không thể nhìn thấy. Rồi Lyudmila, vợ Skripal, đem cuốn sách qua Tây Ban Nha giao cho đặc vụ MI6. Người này tặng Skripal một món quà, là mô hình một căn nhà quê kiểu Anh.
Skripal trở thành chỉ điểm của MI6, tuồn thông tin về đường dây tham nhũng ở chi nhánh GRU tại Madrid, nhờ sự kiểm soát chặt thời Liên Xô đã được nới lỏng. Skripal báo MI6 biết một số đặc vụ GRU “kê giá” mua phương tiện, lập danh mục mua sắm khống rồi chia tiền cho các sĩ quan cấp cao cũng là “bảo kê” của họ.
Anh đã dùng thông tin của Skripal để giúp tình báo Tây Ban Nha tuyển dụng sĩ quan hải quân bị siết cổ chết trong bệnh viện Nga năm 2004.
Cuốn sách của Urban còn nêu MI6 đề nghị đem Skripal ra khỏi Nga, nhưng ông quyết trở về Nga năm 2004 và hai tháng sau thì bị bắt, do bị chỉ điểm trong tình báo Tây Ban Nha báo cho Nga biết.
Trong 10 giờ trả lời phỏng vấn của Urban, Skripal nói ông chọn lối sống ẩn mình tại Anh, vì sợ thu hút sự chú ý khi được trích lời trong cuốn sách, và để con gái Yulia và cháu nội Sacha có thể từ Moscow đến thăm ông thoải mái.
Chỗ ở hiện nay của Skripal được giấu kín.Con gái ông nói sẽ có lúc trở về Nga nhưng xem ra cô chưa làm việc này.
Cựu đại tá tình báo Skripal khi bị xét xử - Ảnh: Getty Images |
Mục tiêu ám sát số 1 không phải là Skripal?
Nhà báo Urban theo mảng an ninh suốt 30 năm, không trả lời câu hỏi tại sao Skripal lại bị chọn là mục tiêu của hai sát thủ Nga.
Nhưng một giả thiết trong giới tình báo, là sát thủ Nga không thể tìm ra mục tiêu số 1 là đại tá Aleksandr Poteyev, Phó chỉ huy Cục tình báo nước ngoài của Nga và phụ trách mảng Mỹ. Năm 2010, Poteyev đã tiết lộ 10 điệp viên Nga giả làm người Mỹ và sống ẩn tại Mỹ.
Cục tình báo Mỹ (CIA) thành công trong việc đem Poteyev ra khỏi Nga hồi tháng 7.2010 - vào lúc Tổng thống Nga lúc đó là ông Dmitri Medvedev gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama ở Washington - rồi CIA tung ra thông tin một sĩ quan Nga đã tiết lộ 10 điệp viên chìm bị bắt.
Theo Times, ông Putin lúc còn trẻ là điệp viên KGB, từng hỗ trợ điệp viên chìm ở nước ngoài như Poteyev. Khi biết tin 10 điệp viên chìm bị bắt, Thủ tướng Putin nổi giận khi được hỏi về vụ phản bội, nói lớn tiếng tại một cuộc họp báo: “Con lợn đó sao có thể nhìn vào mắt con cái của hắn nữa?”.
Nhà báo Urban gợi ý rằng tình báo Nga khó thể tìm ra Poteyev (đã được Cục Điều tra liên bang FBI cấp tên giả) nên chuyển qua tìm các cựu điệp viên phản bội được cho là dễ tìm hơn, ví dụ Skripal sống công khai ở một ngôi nhà do MI6 mua ở Salisbury, sau khi ông được Nga trao đổi con tin năm 2010.
Theo báo Guardian, nhà báo Urban viết Skripal ban đầu không chịu tin chính phủ Nga toan giết ông ta. Hai cha con Skripal bị đầu độc suýt chết và sau 5 tuần hôn mê, ông tỉnh dậy và “đối mặt với sự khó khăn từ việc chỉnh sửa tâm lý”, chỉ vì ông là người đầu tiên thừa nhận mình là mục tiêu của một vụ “mưu sát” do Điện Kremlin tổ chức.
Cuốn sách còn kể Skripal từng là lính dù, ủng hộ ông Putin sáp nhập Crimea năm 2014 và gọi người Ukraine là “những con chiên đơn sơ cần người chăn chiên giỏi”, và ông không chịu tin quân Nga bí mật đến đông Ukraine để giúp quân ly khai, với phát biểu nếu Nga phải làm thế thì Nga rất dễ dàng tiến chiếm thủ đô Kiev của Ukraine.
Tác giả: Vĩnh Thụy
Nguồn tin: Báo Một thế giới