Kinh tế

Cựu chiến binh Hồ Quốc Việt nặng lòng với nghề truyền thống

Với mong muốn khôi phục lại nghề truyền thống của cha ông và đóng góp vào sự phát triển của quê hương, cựu chiến binh Hồ Quốc Việt – thôn 4, xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu đã năng động, mạnh dạn đầu tư vào nghề sản xuất hương trầm. Không chỉ nâng cao thu nhập gia đình mà ông còn góp phần tạo công ăn việc làm có thu nhập ổn định cho hàng chục lao động ở địa phương.

CCB Hồ Quốc Việt (áo trắng) là Ban giám khảo chương trình Quê mình xứ nghệ tổ chức tại địa phương


Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất làng Quỳnh – một vùng quê khoa bảng và giàu truyền thống cách mạng nên Hồ Quốc Việt rất đỗi tự hào và luôn đau đáu nỗi niềm làm sao có thể đóng góp công sức nhỏ bé của mình vào sự phát triển của quê hương. Sau 6 năm tham gia kháng chiến ở đơn vị bộ đội đặc công quân khu 4, ông tiếp tục theo học ngành thủy sản và về công tác tại Trại cá giống huyện Quỳnh Lưu. Năm 1994 ông nghỉ hưu và tham gia phát triển kinh tế gia đình, đầu tư sản xuất hương trầm. Lúc đầu ông chỉ làm hương chủ yếu phục vụ nhu cầu gia đình và anh em, họ hàng. Nhưng càng về sau, thấy chất lượng hương được nhiều người khen ngợi và cũng mong muốn quảng bá sản phẩm hương trầm làng Quỳnh ra thị trường nên ông đã mạnh dạn đầu tư vốn mua máy móc, xây dựng nhà xưởng sản xuất và thuê công nhân làm việc.

Cơ sở của ông Việt tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động


Theo cựu chiến binh Hồ Quốc Việt thì làm hương phải xuất phát từ tâm và phải đặc biệt chú trọng về chất lượng, do vậy đòi hỏi phải thật cẩn thận, tỉ mỉ trong các khâu làm. Với tâm niệm, đã là nghề của nhiều đời cha ông truyền lại thì phải có trách nhiệm bảo tồn và phát huy. Bởi lẽ đó, ông đã dành nhiều thời gian, tâm huyết cho việc nghiên cứu, bổ sung thêm nguyên liệu để mùi hương ngày càng thêm dịu ngọt. Cựu chiến binh Hồ Quốc Việt chia sẻ thêm:“Mình cũng xác định mình là một cựu chiến binh, cả hai vợ chồng đều từ quân đội trở về địa phương, cũng muốn làm một điều gì đó cho có ý nghĩa. Thứ nhất là phát triển kinh tế gia đình mình, thứ hai là có thêm phần đóng góp vào sự phát triển của quê hương xã hội. Thứ ba nữa là giữ được nghề truyền thống của cha ông để lại, mình cũng muốn giữ lấy nghề đáng trân trọng của cha ông.”

Công nhân của Cơ sở Hồ Quốc Việt đóng gói sản phẩm


Đã hơn 20 năm gắn bó với nghề, cựu chiến binh Hồ Quốc Việt luôn mong muốn sản phẩm hương trầm làng Quỳnh được nhiều người biết đến và thực tế hiện nay hương trầm làng Quỳnh đã có mặt trong cả nước vào mỗi dịp tết đến xuân về. Hương trầm được sản xuất chủ yếu trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến giữa tháng 12 âm lịch nhưng nguồn nguyên liệu thì đã được ông chuẩn bị thu mua từ những tháng đầu năm. Hương trầm được làm từ 16 vị thuốc nam như bột mía, rễ cây nhang bài, đinh hương, thảo quả, quế chi… trong đó rễ cây hương bài là nguyên liệu chính. Những nguyên liệu này được lựa chọn thu mua, rửa sạch, phơi khô, tán thành bột nhỏ, sau đó lại tiếp tục được phơi khô một lần nữa. Sau khi được chế biến thì nguyên liệu được bảo quản khô ráo, tránh ẩm mốc và lúc pha chế thì phải tuân theo tỷ lệ. Riêng phần chu hương phải là loại cật nứa của vùng núi Quế Phong, Quỳ Châu. Do đó hương trầm làng Quỳnh do cơ sở của ông Việt sản xuất luôn có vị thơm dịu ngọt, lôi cuốn. Nhờ đức tính cần cù cộng thêm sự sáng tạo nên trầm của gia đình ông làm ra rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Với lượng tiêu thụ lớn như vậy nên mỗi năm cơ sở của ông sản xuất được từ 75 – 85 ngàn búp hương, với tổng doanh thu 500 triệu đồng. Đồng thời, tạo việc làm ổn định cho 12 lao động, có thu nhập bình quân từ 3 - 3,5 triệu đồng/lao động/tháng. Đại tá Lê Văn Điền – chủ tịch hội cựu chiến binh huyện Quỳnh Lưu nhận xét:“Đây là một mô hình làm kinh tế có hiệu quả, lao động chủ yếu là con em cựu chiến binh và lao động nhàn rỗi trong xã. Đây là một mô hình tiêu biểu trong phát triển kinh tế của cựu chiến binh cần được nhân rộng để phát triển ở các địa phương khác góp phần xóa đói giảm nghèo nâng cao đời sống hội viên và xây dựng địa phương ngày càng phát triển.”

Sản phẩm hương trầm xứ Quỳnh xuất bán ra thị trường


Toàn xã Quỳnh Đôi có khoảng 20 cơ sở chuyên sản xuất hương trầm. Mỗi năm, làng hương trầm Quỳnh Đôi sản xuất khoảng 4 triệu que với doanh thu đạt gần 3 tỷ đồng. Hiện hương trầm làng Quỳnh đã có mặt ở các thị trường lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Tây Nguyên… Tết đến xuân về, những nén hương trầm làng Quỳnh đã góp thêm hương sắc, mùi vị cho ngày tết thêm phần linh thiêng, ấm cúng. Có được điều đó là nhờ một phần công sức cống hiến của những người tâm huyết với nghề truyền thống của cha ông như cựu chiến binh Hồ Quốc Việt./.

Tác giả bài viết: Lê Nhung (Đài TT – TH Quỳnh Lưu)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok