Ngày 20/12, TAND thành phố Hà Nội tiếp tục mở phiên tòa xét xử hai cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông (Bộ TTTT) Nguyễn Bắc Son và ông Trương Minh Tuấn cùng 12 đồng phạm về các tội "vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng" và "nhận hối lộ".
Cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son bị đề nghị mức án tử hình |
Kết thúc phần xét hỏi, chuyển sang phần tranh luận. Trước khi bước vào nội dung này, vị đại diện VKS đã đưa ra quan điểm luận tội cùng mức án đề nghị đối với các bị cáo.
Căn cứ vào quá trình xét xử công khai tại phiên tòa cùng các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, VKS xác định: Bị cáo Nguyễn Bắc Son là người chủ mưu, chỉ đạo trong thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG. Tại cơ quan điều tra, bị cáo đã thừa nhận hành vi phạm tội, song tại phiên tòa bị cáo lại phủ nhận mọi tội trạng, sau lại thừa nhận, cho thấy bị cáo chưa thực sự ăn năn về hành vi phạm tội của mình.
Về số tiền 3 triệu USD nhận hối lộ từ Phạm Nhật Vũ, bị cáo Son chưa nộp lại.
Mặc dù bị cáo có nhiều thành tích, đóng góp trong quá trình công tác, nhân thân tốt, song với hành vi đặc biệt nghiêm trọng, VKS xét thấy không có căn cứ giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Cần thiết phải áp dụng hình phạt nghiêm khắc mới đủ sức răn đe, giáo dục tội phạm.
Do vậy, VKS đề nghị HĐXX xử phạt bị cáo Nguyễn Bắc Son mức án từ 16 – 18 năm tù về tội “vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng" và tử hình về tội "nhận hối lộ". Tổng hợp hình phạt chung cho cả hai tội danh bị cáo Son là tử hình.
Tiếp đến, đối với bị cáo Trương Minh Tuấn được xác định là người ký quyết định thực hiện theo chỉ đạo của Nguyễn Bắc Son; việc ký của bị cáo Tuấn là thụ động, bắt buộc.
Cựu Bộ trưởng Trương Minh Tuấn bị đề nghị mức án từ 14 – 16 năm tù. |
Trong quá trình điều tra, bị cáo là người chủ động, tích cực trong việc khắc phục hậu quả, đây là cơ sở xem xét giảm nhẹ hình phạt đáng kể đối với bị cáo.
Trong vụ án, bị cáo là người nhận tiền ít nhất, có đơn tự thú, tác động gia đình khắc phục hậu quả, có nhiều thành tích trong công tác, Ban lãnh đạo có đơn xin giảm nhự hình phạt cho bị cáo. Do vậy, VKS đề nghị HĐXX giảm nhẹ đáng kể hình phạt cho bị cáo ở cả 2 tội danh.
Vì các lý do trên, VKS đề nghị HĐXX áp dụng mức án từ 6 – 7 năm tù về tội “vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng" và 8 – 9 năm tù về tội "nhận hối lộ". Tổng hợp hình phạt bị cáo Tuấn phải chấp hành từ 14 – 16 năm tù.
Đối với bị cáo Phạm Nhật Vũ, VKS xét thấy bị cáo Vũ đã tích cực phối hợp cung cấp tài liệu để cơ quan điều tra làm rõ hành của các bị can vi phạm về đầu tư công, cũng như hậu quả của vụ án.
Trong quá trình điều tra vụ án đưa và nhận hối lộ, Phạm Nhật Vũ đã có đơn tự nguyện khai báo và đầu thú về hành vi phạm tội, nhận thức rõ và ăn năn hối lỗi về hành vi phạm tội; tích cực khai báo và hợp tác với cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân tối cao để làm rõ hành vi phạm tội của các bị can nhận hối lộ, giúp cho cơ quan tố tụng sớm kết thúc điều tra vụ án.
Ngoài ra, bị can Phạm Nhật Vũ có nhiều hoạt động từ thiện và đóng góp cho hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội, tỉnh Hà Giang, tỉnh Tuyên Quang, tỉnh Hà Tĩnh, tỉnh Hưng Yên, tỉnh Cao Bằng có đơn đề nghị xem xét cho Phạm Nhật Vũ được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật.
Do đó, với những tình tiết giảm nhẹ đáng kể như trên, VKS xét thấy cần áp dụng đầy đủ, triệt để các quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 3; khoản 1, 2 Điều 51 và các quy định khác của BLHS năm 2015 để xem xét giảm nhẹ hình phạt đáng kể cho Phạm Nhật Vũ.
Do vậy, VKS đề nghị HĐXX xử phạt bị cáo mức án từ 3 – 4 năm tù đối với bị cáo Phạm Nhật Vũ.
Các bị cáo còn lại cũng được VKS đề nghị áp dụng những mức án khoan hồng do có nhiều tình tiết giảm nhẹ.
Tác giả: Tư Viễn
Nguồn tin: Báo Người đưa tin