Những phụ nữ Triều Tiên ở thị trấn Triều Dương, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Ảnh: AP |
Đã 11 năm kể từ ngày bà bị dụ dỗ vượt biên với lời hứa hẹn sẽ có một công việc ổn định, nhưng thay vào đó là bị lừa bán và rơi vào cuộc sống đầy tủi nhục. Suốt những năm qua, bà sống chung với nỗi lo sợ rằng cảnh sát Trung Quốc sẽ bắt mình và trả về Triều Tiên, nơi bà sẽ bị ngồi tù và tra tấn. Bà phải đấu tranh với sự khinh miệt từ những người hàng xóm xem bà như một kẻ xa lạ từ nơi khác tới.
Nhưng trên hết, bà bị dày vò bởi nỗi đau đớn và hối hận về những đứa con mà mình bỏ lại ở quê nhà.
"Khi tôi đến đây lần đầu, cả ngày tôi chỉ biết uống rượu vì quá lo lắng cho những đứa con của mình ở Triều Tiên", người phụ nữ kể, hé lộ rằng mình tên là S.Y. "Tôi như mất trí".
Các chuyên gia ước tính rằng hàng nghìn, thậm chí có thể là hàng chục nghìn phụ nữ Triều Tiên bị bán sang biên giới làm vợ kể từ nạn đói làm hàng trăm nghìn người Triều Tiên thiệt mạng giữa những năm 1990. Những kẻ môi giới nói rằng họ có thể tìm được việc làm ở Trung Quốc nhưng thay vào đó lại bán họ cho đàn ông Trung Quốc, hầu hết là nông dân nghèo ở 3 tỉnh biên giới. Những người này khó lấy được vợ một phần do chính sách một con của chính quyền khiến tỷ lệ nam nữ bị chênh lệch.
Giống như S.Y, nhiều phụ nữ để lại những đứa con ở quê nhà. Phóng viên AP đã nói chuyện với 7 phụ nữ Triều Tiên bị bán và ba người chồng Trung Quốc. Vì bị lừa sang Trung Quốc nên họ sống ở đây một cách trái phép và chưa bao giờ kết hôn hợp pháp với những người đàn ông này.
Chỉ một số người Triều Tiên thích nghi được với gia đình mới và hài lòng với cuộc sống ở Trung Quốc, trong khi số khác bị chồng đánh đập hoặc bỏ mặc, bị những người thân, hàng xóm nhạo báng. Có những người mạo hiểm tìm đường sang Hàn Quốc, một lần nữa bỏ lại con cái phía sau, lần này là ở Trung Quốc.
Những người ở lại
Có hàng nghìn, thậm chí có thể là hàng chục nghìn phụ nữ Triều Tiên bị bán sang biên giới làm vợ. Ảnh: AP |
Những năm đầu trôi qua đầy khó khăn với S.Y. Là một phụ nữ góa chồng ở thành phố gần thủ đô Bình Nhưỡng, bà thậm chí không kịp chia tay hai con trai khi bỏ đi Trung Quốc vì nghĩ rằng mình sẽ sớm quay về sau khi kiếm đủ tiền. Bà bị kẻ môi giới bán cho người chồng mới với giá 14.000 tệ (hơn 2.000 USD).
Dù người phụ nữ hiện đã 53 tuổi được chồng đối xử tốt, có một cô con gái, bà chưa bao giờ quên được các con ở Triều Tiên sau lần gặp cuối cùng vào năm 2006. Một ngày nọ, quá đau buồn và tuyệt vọng, bà uống một lọ thuốc ngủ để tự tử. Khi tỉnh lại, bà nhận ra rằng cô con gái mang một nửa dòng máu Trung Quốc rất cần mình.
Bà đã bỏ qua cơ hội chạy trốn sang Hàn Quốc vì lo lắng cho con gái và người chồng bại liệt. "Tôi ở lại đây vì gia đình và vì tôi biết ơn chồng mình", S.Y nói. "Dù chuyện gì xảy ra cũng không chia rẽ được gia đình chúng tôi".
Người chồng 55 tuổi và người thân của ông đã bán lợn và ngô để thuê những kẻ môi giới kiểm tra tình hình các con của S.Y ở Triều Tiên. Họ được biết anh trai bà đang nuôi các cháu và chồng của S.Y đã gửi 15.000 tệ (hơn 2.200 USD) để hỗ trợ nuôi các con riêng của vợ.
"Tôi cảm thấy thực sự thích từ lần đầu gặp bà ấy", người đàn ông có làn da rám nắng kể. "Nhưng tôi là một người tật nguyền và tôi nghĩ điều đó thật không công bằng với bà ấy. Bà ấy nhẽ ra có thể gặp một người chồng tốt hơn".
Hai phụ nữ Triều Tiên khác được phỏng vấn ở tỉnh Liêu Ninh cho hay chồng họ đối xử rất tốt nhưng những người khác lại kể rằng họ bị bạo hành. Một phụ nữ trốn sang Hàn Quốc cho biết người chồng Trung Quốc đã trói cô vào cột suốt nhiều giờ sau khi phát hiện cô định bỏ trốn.
Những người phụ nữ sống trong nỗi lo sợ bị bắt và đưa về Triều Tiên tránh đi lại nhiều vì chính quyền những năm gần đây yêu cầu công dân trình thẻ căn cước trước khi ra khỏi khu vực. Họ nói được rất ít tiếng Trung, chỉ có vài người bạn địa phương, không được hưởng các phúc lợi y tế và xã hội như những người Trung Quốc thông thường.
Họ sống chỉ vì những đứa con mang một nửa dòng máu Trung Quốc.
"Con trai 10 tuổi của tôi biết những người mẹ Triều Tiên của bạn nó đều đã bỏ trốn nên nó rất vâng lời tôi, nó sợ tôi cũng bỏ nó đi", một phụ nữ khác ở ngôi làng gần nơi S.Y. sống, kể.
Những người bỏ trốn
Hàn Quốc là một lựa chọn hấp dẫn cho các cô dâu Triều Tiên với viễn cảnh được cấp quyền công dân, hỗ trợ tái định cư, các căn hộ gần như miễn phí và không có rào cản ngôn ngữ.
Tuy nhiên, để đến được Hàn Quốc là một hành trình dài và đầy nguy hiểm, và một lần nữa, họ đặt niềm tin vào những kẻ môi giới. Một số người nói dối chồng và hẹn quay lại sau khi kiếm được tiền ở Hàn Quốc. Một số người bỏ trốn giữa đêm, thường bỏ lại con cái.
Sau khi sống ở một ngôi làng tại tỉnh đông bắc Liêu Ninh được hai năm rưỡi, Kim Jungah không chịu đựng nổi việc để con gái nhìn thấy cô bị giới chức Trung Quốc lôi đi.
"Tôi ngủ chập chờn hằng đêm. Bất cứ khi nào nghe thấy tiếng xe, tôi lại sợ cảnh sát tới", người phụ nữ 41 tuổi nói.
Vì thế năm 2009, cô bỏ trốn, nghĩ rằng sau đó mình có thể thuyết phục chồng sang Hàn Quốc cùng con gái nếu kiếm đủ tiền. Tuy nhiên, chồng cô từ chối. Từ đầu năm 2013 đến nay, Kim không được nói chuyện với con gái vì chồng cô đổi số điện thoại sau khi phát hiện cô đã kết hôn ở Hàn Quốc.
Cô nói rằng cha đẻ của con gái thực chất là một người Triều Tiên và cô không biết mình mang thai khi bị bán cho người chồng Trung Quốc vào năm 2006 với giá 19.000 tệ (gần 3.000 USD).
Trong một lần về thăm nhà gần đây, con gái của Kim, 10 tuổi, trông rất vui vẻ và khỏe mạnh khi chạy nhảy quanh sân. Người cha Trung Quốc nói rằng ông đối xử với cô bé như con ruột và đứa trẻ đang học rất tốt.
Kim nói cô sẽ đưa chồng cũ 50.000 tệ (7.500 USD) nếu ông giao con gái cho cô và nếu ông từ chối, cô sẽ khởi kiện. Tuy nhiên, người đàn ông khẳng định sẽ không cho phép con gái đoàn tụ với Kim cho đến khi cô bé trưởng thành.
"Cô ấy đến đây, sinh một đứa con và bỏ đi", người đàn ông 50 tuổi nói và gọi mình là một nạn nhân của "trò hôn nhân lừa đảo". "Cô ấy được ăn uống, có một nơi để ở. Tôi không hiểu sao cô ấy lại bỏ đi".
Không như Kim, một số phụ nữ bỏ trốn đã được đoàn tụ với gia đình ở Hàn Quốc. Kim Sun-hee, 38 tuổi, đến Hàn Quốc năm 2008, đang sống trong một căn hộ nhỏ gần Seoul cùng người chồng 48 tuổi đã mua cô với giá 8.000 tệ (1.200 USD) khi cô mới 18 tuổi.
Ông ước rằng mình có thể quay ngược thời gian và thay vì tốn tiền cho kẻ môi giới, ông sẽ đưa số tiền đó cho gia đình vợ làm sính lễ. "Đó là một vụ buôn người", ông nói.
Bóng một phụ nữ trò chuyện với phóng viên tại ngôi nhà ở Triều Dương, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Ảnh: AP |
Nỗi đau kéo dài
S.Y. muốn nuôi lợn để kiếm tiền thuê những kẻ môi giới tìm lại hai con trai ở Triều Tiên một lần nữa. Người phụ nữ sống gần làng của S.Y. thì quá nghèo nên không có tiền thuê ai tìm con trai 12 tuổi mà bà để lại ở Triều Tiên từ năm 2007.
"Cứ nghĩ đến đứa con ở Triều Tiên, tôi lại khóc", người mẹ 46 tuổi nói.
13 trong số 15 phụ nữ Triều Tiên ở làng đã bỏ trốn, khiến những người ở lại phải chịu đựng ánh mắt ghẻ lạnh của láng giềng.
"Mọi người gọi chúng tôi là 'những con gà mái'. Họ nói chúng tôi không phải là những người mẹ thực sự vì chúng tôi đẻ trứng rồi bỏ trốn đến nơi khác", bà S.Y. kể.
Những đứa trẻ bị bỏ lại ở Trung Quốc cũng đối mặt với sự kỳ thị. Một trong những phụ nữ cho hay bạn học của con gái thường bị trêu chọc ở trường vì mẹ đã bỏ trốn từ khi cậu bé chào đời.
Những phụ nữ bỏ trốn đến Hàn Quốc thì bị giằng xé giữa cuộc sống mới và cuộc sống cũ ở Trung Quốc. Một phụ nữ tên Y kể rằng người chồng Hàn Quốc đã bỏ rơi cô và con gái khi phát hiện cô từng có chồng con ở Trung Quốc.
"Mọi người có thể nói rằng tôi là kẻ có trái tim băng giá nhưng tôi đã rời khỏi ngôi nhà đó và quyết tâm không bao giờ quay lại", cô nói trong nước mắt. "Bây giờ tôi thi thoảng vẫn muốn quay về vì lo lắng không biết con trai mình thế nào nhưng tôi không thể làm điều đó".
Tác giả: Anh Ngọc
Nguồn tin: Báo VnExpress