Cuộc sống

Cuộc sống địa ngục dù chồng không rượu bia, không gái gú

Sau khi ly dị, nhiều đêm tôi vẫn không ngủ được vì ấm ức. Tôi nghĩ mình lỡ “trót dại” có bầu với ông chồng cũ, nên mới phải cưới gấp, mà số mình cũng “nhọ”, chẳng có thời gian tìm hiểu về nhau nhiều hơn nên khi cưới mới vỡ lẽ mọi sự thật chẳng như mình nghĩ.

Không ít lần tôi cũng băn khoăn chồng cũ tôi thì lẻo mép, thấy gái là đong đưa, vậy mà chẳng bao giờ ngoại tình. Giờ mới hiểu, có lẽ chỉ vì ông ấy… quá keo kiệt mà thôi. Nghĩa là, nếu ngoại tình thì phải lấy tiền cho gái, mà ông ấy thì một xu cũng không muốn mất, đời nào gái nó theo.

Đây, tôi phải xả cho hết cái sự bức xúc này, dù nói thật giờ đã đường ai nấy đi, nhưng nghĩ lại tôi vẫn còn điên tiết lắm.

Hồi mới cưới, vì cưới gấp do có bầu đã quá lớn, nên 2 bên gia đình thống nhất cưới chạy cho xong. Quả thực là vậy, vì nhìn đội bê tráp 3 người nhà trai và vài món đồ “lèo tèo” tôi đã hơi buồn chút xíu. Tôi không phải dạng tham lam gì, nhưng nói thật có cô gái nào không mơ ước 1 đám cưới đẹp như mơ đâu. Thôi thì đành ngậm ngùi vì mình làm mình chịu, nhà trai họ nhận con cho là còn may. Rồi đến khi cưới xong, chồng, bố mẹ chồng lại bảo đưa hết tiền vàng đây để nhà họ cất cho an toàn. Lẽ nào con dâu mới lại khư khư ôm tiền làm của riêng. Đành đưa nhà chồng giữ hộ, nói giữ hộ chứ một lần tôi hùn vốn kinh doanh, có xin lại mẹ chồng nhưng tới giờ số tiền, vàng ấy vẫn “lặn không sủi tăm”.

146665354926646 chong keo kiet
Hình minh họa

Chuyện sống với nhà chồng coi như không tính tới, ai cũng “mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh”. Chỉ riêng tính lão chồng cũ là khiến tôi đủ muốn điên lên mỗi ngày.

Hồi mới cưới xong, chỉ vài tháng sau là tôi sinh em bé, khi ở cữ, mỗi ngày chồng cho 20.000 đồng tiêu vặt. Đúng 20.000 đồng các chị ạ, tôi xin thề là vậy. Số là tôi mới xin được vào công ty này, chưa đủ điều kiện để được hưởng BHXH, nên chẳng có chút tiền nào khi sinh cả.

Lúc trước có chút tiền tích trữ đi làm vài năm, thì lương thấp, cũng chẳng đáng bao nhiêu, lại cùng chồng chi cho đám cưới đã tốn kém gần hết. Tiền cưới thì không còn, lúc ấy ở nhà chỉ ôm con chẳng lấy đâu tiền tiêu. Thấy ông chồng chìa 20.000 đồng mỗi ngày thì tôi hỏi: “Sao có 20.000 đồng, lương tháng anh cũng được 9 triệu cơ mà?”.

“Phần còn lại để tiêu, phần đưa bố mẹ lo ăn uống cho cả nhà, mua sữa cho con. Em có đi đâu, tiêu gì đâu mà cần tiền?”, chồng tôi trả lời.

“Vậy đưa 600.000 đồng/tháng luôn đi, sao đưa 20.000 đồng mỗi ngày, 20.000 đồng làm được cái gì?”.

Chồng tôi tỏ mặt ngạc nhiên: “Sao 20.000 đồng không làm được gì? Nếu không làm được gì thì anh cầm luôn đấy, em tiêu hoang phí quen rồi, không biết tiết kiệm là gì à? Người nghèo cả nhà tiêu 20.000 đồng/ngày thôi đấy, đây bố mẹ lo cái ăn cho cả mẹ, cả con, em còn muốn gì?”.

Vậy là tôi vứt trả lại cái 20.000 đồng mà anh ta bố thí cho tôi mỗi ngày. Tôi cố ki cóp chút tiền người thân tới thăm hai mẹ con làm của riêng, phòng lúc tính keo kiệt bủn xỉn của lão chồng này tăng cấp độ.

Rồi tới 1 hôm, mẹ chồng tôi gọi vợ chồng tôi ra tâm sự, bà nói rằng 1 tháng chồng tôi đưa 5 triệu cho bà gần như chẳng đủ chi tiêu. Vì trẻ con tốn lắm, bà đi mua bỉm, sữa rồi chăm bà đẻ ăn uống nên bảo vợ chồng tôi cân đối lại xem thế nào.

Chồng tôi ngồi nghe thì thốt lên: “Sữa thì trẻ con tốt nhất bú sữa mẹ, mẹ cần gì mua sữa ngoài, bỉm thì có cần thiết không, có thể thay bằng tã, bây giờ người ta cứ dùng bỉm liên tục cũng không tốt, có thể dùng lúc đi chơi thôi, ở nhà mình thì thay bằng tã rồi giặt khô”.

Tôi trợn tròn mắt: “Anh nghĩ gì mà nói thế, con bé tý thế này, dùng bỉm cho con sạch sẽ, lại cũng chỉ mất thời gian đầu tốn kém thôi, sau thì có thể chỉ dùng buổi tối hoặc lúc đi ra ngoài”.

Chồng tôi chẳng nói gì chỉ lặng thinh.

Nghe đâu đó, tháng sau, anh ta đưa cho mẹ tôi 6 triệu/tháng, còn đâu để tiêu vặt.

Tiếp đến làm lễ đầy tháng bé con, mẹ chồng tôi định làm mấy mâm cơm mời bố mẹ đẻ tôi và mấy người họ hàng. Mới nghe tới chuyện này, anh ta đã giãy nảy: “Mẹ làm gì mà phải thế, bé nó nhỏ, đã biết gì, người lớn chỉ vẽ vời cho tốn kém. Ông bà ngoại sang chơi với cháu là được rồi, ăn cơm với nhà mình cho thân mật”.

Tới khi bé con nhà tôi đủ 6 tháng, tôi đi làm, lúc này cũng có chút thu nhập dù không cao. Với mức 5 triệu/tháng, anh ta nói tôi phải đưa cho mẹ 4 triệu/tháng để chăm lo cho cả nhà. Tôi không nghe, nên đưa mẹ chồng 3 triệu/tháng, mục đích để anh ta không dựa dẫm vào số tiền lương ít ỏi của tôi. Nhưng cũng từ lúc ấy, anh ta bắt đầu lộ rõ hơn bản chất keo kiệt tới mức bủn xỉn của mình.

Mỗi lần 2 vợ chồng đi ăn, đi gặp bạn bè, anh ta đều kêu tôi trả tiền. Có lần, tiền nước 2 vợ chồng uống cũng chỉ tới 10.000 đồng, nhưng anh ta cũng bảo: “Vợ trả đi”. Trước mặt người lạ, tôi không muốn đôi co nên trả. Đi mua sắm, anh ta bảo không mang ví, vợ quẹt thẻ đi, hoặc vài lần anh ta đặt mua đồ qua mạng nhưng lại cho địa chỉ của tôi, khi người giao hàng mang đồ qua, tôi lại phải rút tiền ra trả.

Nhiều lần, tôi bực bội bảo: “Anh mua sắm gì, ăn uống gì tiền anh làm được tự tiêu đi, tôi có vài đồng bạc còn phải để nuôi con”. Nhưng anh ta tỏ thái độ: “Cô tính toán cả với chồng à?”.

Rồi tới lúc con ốm đau, con đi học, đi gặp thầy cô giáo của con… tất tần tật việc trên giời dưới đất lão chồng đều hất hàm bảo vợ: “Trả đi”. Nói như thể con tôi là do tôi đẻ ra, tôi phải có trách nhiệm với con mình.

Đỉnh điểm có lần bố mẹ chồng tôi muốn sửa lại căn nhà, bố mẹ chồng bảo đóng góp chút xíu. Tôi ấp úng định nói thì anh ta cắt lời: “Vợ chồng con có chút tiết kiệm, không nhiều nhưng bố mẹ cho chúng con đỡ bố mẹ 1 ít”.

Tôi bốc hỏa trong đầu, số tiền chỉ hơn 10 triệu là tiền tôi làm thêm, tiết kiệm, tích góp cho con vào lớp 1, ấy vậy mà không hiểu sao anh ta biết để nói với bố mẹ anh ta như vậy.

Về phòng ngủ, tôi tức điên lên, định bụng bố mẹ chồng đi ngủ mới lôi chuyện này ra nói. Anh ta vòng tay qua ôm tôi, tôi bực mình nói lại: “Ôm thì 50.000 đồng, hôn 100.000 đồng, làm tình 500.000 đồng, không có tiền đừng đụng vào tôi. Anh làm gì cũng tính toán với tôi, với con, vậy giờ tôi phải tính lại”.

Anh ta như phát rồ lên, mắt long sòng sọc nói: “Cô không khác gì con điếm, cô có thể ăn nói với chồng vậy sao, đồ mất dạy”.

Nghe anh ta lăng mạ mình, tôi cũng không vừa: “Không thích thì đi cặp với con nào đó đi, mà đây nói thật, cái loại bủn xỉn như anh, chắc chẳng dám đi cặp với con nào đâu nhỉ? Đời này không có tiền, con nào nó thèm yêu. Anh đây thậm chí 20.000 đồng cũng tiếc”.

Vậy là tôi nhận cái tát như trời giáng của anh ta. Tôi rú lên khiến cả nhà tỉnh giấc, trước mặt bố mẹ chồng anh ta không ngừng chửi tôi vô học, chẳng khác gì con điếm.

Rồi anh ta lôi cả bố mẹ tôi sang, nói bố mẹ tôi dạy dỗ lại con cái, tôi ấm ức chỉ nghe được những từ còn sót lại cứ văng vẳng trong đầu: “Con điếm”, “Con mất dạy”, “nhà vô học”…

Bố mẹ tôi thương con gái, con rể nói câu nào là lại: “Thôi bố mẹ xin các con, vợ chồng bảo nhau”. Suốt 1 hồi nói qua lại, rồi khóc lóc, rồi nghe anh ta gằn giọng quát… Tôi thấy mình không chịu đựng thêm được nữa, liền đứng phắt dậy nói trước mặt cả gia đình 2 bên: “Chúng con xin phép được thưa chuyện, vì thời gian đầu tìm hiểu nhau vội vàng, tới giờ sau 5 năm con không thể chung sống với người chồng này nữa. Bố mẹ cho chúng con ly dị, chúng con chỉ không hợp nhau, còn cháu vẫn là cháu của bố mẹ, con cũng là con của bố mẹ”.

Nói rồi mặc lời ngăn cản của bố mẹ 2 bên, tôi vẫn làm đơn ly dị. Anh chồng cũ ban đầu không chịu ký đơn vì không nghĩ lại đẩy tôi tới mức này, nhưng tôi đã quyết định: Đây cũng là cơ hội để tôi thoát khỏi cuộc sống bức bối với người chồng keo kiệt ấy, thà cuộc sống nghèo 1 chút, nhưng chồng hết lòng vì gia đình còn cảm thấy hạnh phúc. Đằng này, chồng đi làm, đưa vợ một đồng cũng đay nghiến cả ngày, xin lỗi chứ tôi thà ở vậy nuôi con, còn hơn có 1 người chồng chẳng ra hồn chồng như thế.

Tác giả bài viết: Liên (HN)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok