Bước vào thị trường tỷ dân
Năm 2019, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk (VNM) của nữ doanh nhân Mai Kiều Liên đã xuất khẩu sữa Việt Nam sang Trung Quốc. Tập đoàn TH (TH True Milk) của nữ doanh nhân Thái Hương cũng nhanh chân không kém. Tháng 10/2019, TH đã trở thành doanh nghiệp đầu tiên xuất khẩu sữa sang Trung Quốc.
Hoạt động này nhằm cụ thể hóa chủ trương hợp tác giữa Chính phủ hai nước theo "Nghị định thư về yêu cầu thú y và sức khỏe cộng đồng đối với các sản phẩm sữa của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc” được ký kết vào tháng 4/2019, đánh dấu bước ngoặt lớn trong lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam.
TH đã trở thành DN đầu tiên xuất khẩu sữa sang Trung Quốc. |
Cũng trong năm 2019, nhờ lợi thế từ những đòn thương mại của ông Donald Trump lên Trung Quốc, nữ hoàng thủy sản miền Tây Trương Thị Lệ Khanh (chủ tịch Thủy sản Vĩnh Hoàn - VHC) dồn dập tấn công vào thị trường láng giềng hơn 1,4 tỷ dân.
Nếu tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra 10 tháng năm 2019 đạt 1,64 tỷ USD, thì riêng thị trường Trung Quốc (gồm cả Hong Kong) chiếm tỷ trọng khá lớn (31,8%), áp đảo EU (12,5%) và Mỹ (14,2%).
Trong năm trước, xuất khẩu của Vĩnh Hoàn sang Mỹ có lợi thế cạnh tranh. VHC hưởng lợi lớn từ căng thẳng Mỹ - Trung. Tuy nhiên, ngành thủy sản nói chung, trong đó có VHC, bị ảnh hưởng bởi thẻ vàng IUU của Ủy ban châu Âu đối với hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp. Với gần 100% lô hàng bị kiểm tra, việc xuất khẩu thủy sản sang EU bị tác động nghiêm trọng, kéo theo đó là ảnh hưởng tới thị trường Mỹ và các thị trường tiềm năng khác.
Tập đoàn Intimex của bà Nguyễn Thị Nga (chủ tịch BRG) cũng là doanh nghiệp góp phần giúp ngành cà phê Việt Nam tăng trưởng mạnh xuất khẩu ra thế giới. Intimex chiếm khoảng một phần ba lượng xuất khẩu hạt cà phê Robusta của Việt Nam. Các DN trong nước tham vọng tăng gấp đôi giá trị xuất khẩu cà phê lên 6 tỷ USD, đồng thời đẩy mạnh cà phê hòa tan cạnh tranh với ông lớn Nestle.
Tập đoàn Intimex vừa khánh thành nhà máy cafe hoà tan hiện đại nhất nước tại Bình Dương và đang chinh phục một nấc thang mới của ngành cà phê Việt Nam.
Ông Nguyễn Duy Hưng, chủ tịch CTCK Sài Gòn (SSI), đánh giá, dù Intimex hiện xuất khẩu gần 600.000 tấn cafe nhân hàng năm, đứng đầu thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam mới làm công đoạn sản xuất nhân thô, giá trị ít nhất trong cơ cấu giá thành mà người uống cafe trả cho thứ đồ uống thông dụng này trên thế giới. Đầu tư vào chế biến sâu, Intimex kỳ vọng hiện thực hóa giấc mơ định vị cà phê Việt trên bản đồ cà phê thế giới.
Ngoài ra, một nữ doanh nhân khác đã xây dựng thương hiệu King Coffee thành công cũng như đưa thương hiệu cà phê Việt ra khắp thế giới trong vòng 20 năm qua, hiện có mặt ở hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đó là Lê Hoàng Diệp Thảo. Bà Thảo người từng là “hậu phương” của Tập cà phê Trung Nguyên, nay tách ra gầy dựng và phát triển thương hiệu riêng.
Thế mạnh Việt Nam, cơ hội toàn cầu
Theo số liệu công bố, mỗi năm Trung Quốc nhập khẩu 150 tỷ USD nông sản, trong đó riêng sản phẩm sữa Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới.
Năm 2017, Trung Quốc nhập khẩu 32,6 triệu tấn sữa nhưng mức tiêu thụ sữa trên đầu người vẫn thấp hơn nhiều so với trung bình thế giới. Với sự thay đổi thói quen tiêu dùng, sữa còn nhiều dư địa để phát triển tại Trung Quốc.
Trước cơ hội lớn đó, bà Thái Hương tâm sự, phải mất gần 7 năm với nhiều nỗ lực của cơ quan quản lý cùng quyết tâm của doanh nghiệp, các sản phẩm sữa của Việt Nam đã chính thức có được giấy thông hành vào thị trường Trung Quốc.
Bà Thái Hương đẩy mạnh xuất khẩu sữa ra thế giới. |
Việc Trung Quốc chính thức cho phép nhập khẩu sản phẩm sữa từ Việt Nam cho thấy ngành sữa của Việt Nam đang ngày càng phát triển, hội nhập với thế giới.
Vinamilk cũng đã có 10 năm nghiên cứu thị trường Trung Quốc. Năm 2018, sản phẩm của Vinamilk bắt đầu được đưa vào Hệ thống siêu thị Hợp Mã (Hema) - chuỗi "Đại siêu thị” của tập đoàn Alibaba, làm cơ sở để mở rộng độ phủ sang các chuỗi phân phối khác như Thiên Hồng, Hảo Nhuận Quế, Hối Mễ Ba, Hương Giang Bách Hóa, Dennis Department Store... ở nhiều tỉnh như Quảng Đông, Quảng Tây, Hồ Nam.
Đây là thị trường lớn tiếp theo mà Vinamilk muốn khai thác sau khi chinh phục được những thị trường khắt khe như Nhật Bản, Mỹ, Úc, New Zealand, Canada,... nhưng với thị trường 1,4 tỷ dân đầy tiềm năng, cần chuẩn bị kỹ lưỡng nhất. Chẳng hạn như việc DN chi hàng ngàn tỷ để sở hữu 75% GTNfoods, qua đó chính thức quản lý thương hiệu Sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk).
Các nữ doanh nhân Việt đóng góp lớn vào sự phát triển của nền kinh tế. |
Như vậy, với việc có GTNfoods, Vinamilk có thể sẽ biến cao nguyên Mộc Châu thành thủ phủ bò sữa phía Bắc và chủ động hơn về nguồn nguyên liệu để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu ngày càng tăng.
Còn với Thủy sản Vĩnh Hoàn của bà Lệ Khanh, việc xuất khẩu vào các thị trường chính thời gian gần đây cũng gặp khó khăn. Đối với thị trường Trung Quốc, bước đi của VHC cũng như một số DN thủy sản khác là chuyển mạnh từ xuất tiểu ngạch sang chính ngạch. Cùng với việc nâng cao chất lượng, tăng uy tín,... các DN thủy sản Việt Nam đã tăng cường phân phối qua kênh thương mại điện tử, điển hình là sản phẩm cá tra đã có mặt trên sàn Alibaba.
Rõ ràng, trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là nông nghiệp, chế biến thực phẩm, các nữ doanh nhân Việt đã có những bước tiến đột phá tại các thị trọng điểm. Tiềm năng hàng trăm tỷ USD ở thị trường này sẽ giúp các doanh nghiệp Việt ngày càng lớn mạnh, mang về nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước.
Với những nỗ lực hết mình, nhiều nữ doanh nhân Việt đã được tôn vinh trong giải Bông Hồng Vàng và không ít người được ghi danh trong top những doanh nhân xuất sắc nhất trên thế giới. Đây là những tấm gương tiêu biểu, là những điển hình tốt để thế hệ doanh nhân trẻ nối tiếp và noi theo.
Tác giả: M. Hà
Nguồn tin: Báo Vietnamnet