Kinh tế

Cúng chùa thiên thạch 14 tỷ tạc tượng phật: Ai được như đại gia Xuân Trường

Một khối thiên thạch được cho là có nguồn gốc từ mặt trăng rơi xuống trái đất đã được bán với giá hơn 600.000 USD tại Mỹ. Và một doanh nghiệp của Việt Nam đã trúng đấu giá khối đá mặt trăng này để mang về nước cúng chùa.

Đại gia Việt mua thiên thạch 14 tỷ ở Mỹ về nước cúng chùa

Trong phiên giao dịch ngày 19/10 tại Trung tâm đấu giá RR Auction, bang Boston (Mỹ), đại diện một doanh nghiệp của Việt Nam đã trúng đấu giá khối đá mặt trăng có trọng lượng 5,5kg. Số tiền trúng đấu giá là 612.500 USD (14,3 tỷ đồng). Đơn vị trúng đấu giá là của đại gia Xuân Trường người được biết đến với việc xây dựng khu chùa Bái Đính ở Ninh Bình.


Viên thiên thạch tại phiên đấu giá.

Viên thiên thạch tại phiên đấu giá.

Các nhà khoa học đánh giá, đây là mảnh thiên thạch nguồn gốc mặt trăng có kích thước lớn nhất từ trước đến nay. Khối đá gồm 6 phần gắn liền với nhau, phần lớn nhất có trọng lượng khoảng 2,7 kg. Khối thiên thạch được phát hiện vào năm 2017, tại Mauritania, phía tây bắc châu Phi. Mảnh thiên thạch có thể đã rơi xuống trái đất hàng nghìn năm trước.

Khối thiên thạch này sẽ được đưa về chùa Tam Chúc, tỉnh Hà Nam trưng bày. Nhà chùa sẽ mời các nhà điêu khắc nổi tiếng tạc khối thiên thạch thành tượng Phật.

Thiên thạch từ mặt trăng đặc biệt hiếm. Theo ước tính, trên trái đất hiện chỉ có khoảng vài trăm kg đá xuất xứ từ mặt trăng. Theo đồn đoán, giá một mẩu thiên thạch mặt trăng có kích cỡ bằng một hạt dẻ có thể lên tới 100.000 USD (2,3 tỷ đồng).

Do nhu cầu mua thiên thạch của giới chuyên gia và người sưu tầm tăng khiến nhiều người đổ xô săn lùng loại kho báu này.

Ly kỳ săn gỗ sưa và cuộc chiến bảo vệ gốc cây trăm tỷ

Sau khi hàng loạt những vụ ăn trộm gỗ sưa xảy ra, gỗ sưa càng trở nên khan hiếm. Giới chuyên săn loại gỗ được ví như vàng mười này đã chuyển hướng mua các ngôi nhà cũ được làm bằng gỗ sưa. Để sở hữu được 1 cái kèo, cái cột, thậm chí một thanh rui, họ đã phải bỏ ra cả năm trời. Họ sẵn sàng đổi cả một nếp nhà mới, vài trăm triệu để mua được vài ba thanh gỗ trên mái nhà cũ ấy.

Tuy vậy, nhiều người trong giới săn gỗ sưa có thể thu gom tất cả các nguồn gỗ sưa từ cũ, mới, lớn, bé nhưng luôn tối kỵ gỗ sưa ở đình chùa.

Bên cạnh việc săn gỗ sưa thì cuộc chiến bảo vệ những cây sưa cổ thụ hàng trăm năm tuổi được định giá hàng trăm tỷ đồng đang là những báu vật, “của để dành”… tại nhiều vùng quê ở Việt Nam cũng ly kỳ không kém. Ở làng Chóa (xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong, Bắc Ninh) hay ở thôn Phụ Chính (xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) hiện có một đội “tự vệ” đặc biệt do dân làng lập ra với nhiệm vụ tối thượng là ngày đêm canh giữ cây sưa hàng trăm năm tuổi.

Trong khi đó, ở thôn Làng Chanh (xã Tam Quan, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc) - 'thủ phủ' sưa đỏ miền Bắc - ông Lăng Văn Bắc (SN 1963) đang giữ cây sưa tổ. Cách đây 8 năm, đã có người trả 12 tỷ đồng để mua cây sưa đỏ này nhưng ông Bắc không bán mà quyết giữ lại làm cây “sưa tổ”.

Thú chơi 'siêu khuyển' khổng lồ của người Hà Nội

Trong vài năm gần đây, giới chơi chó ở Hà thành bắt đầu rộ lên xu hướng mới đó là nuôi chơi những chú chó có kích thước khổng lồ thuộc các dòng Barbarian Mastiff, Alabai, Great Dane... được nhập từ Ý, Nga, Đức, các vùng Trung Á.

Để sở hữu những chú chó với trọng lượng hơn 100kg, được giới chơi chó đặt cho biệt danh “chó khủng long”, “siêu khuyển” hay “chó khổng lồ”, chủ nhân ngoài khả năng tài chính dư dả còn cần có một niềm đam mê và hiểu biết thực sự.


Chú chó Alabai có trọng lượng hơn 100kg.

Chú chó Alabai có trọng lượng hơn 100kg.

Thậm chí, ở Hà Nội còn có hẳn 1 hội nuôi chó Great Dane. Những chú chó “khổng lồ” được các thành viên trong CLB Great Dane Việt Nam mang đến giao lưu tại Hà Nội ngày 21/10. Những con chó trưởng thành có giá từ 15.000-20.000 USD (466 triệu đồng)

Grab ’phong tỏa’ tiền dân, thu thập thông tin khách hàng

Từ trước đến nay, để khuyến khích khách hàng không sử dụng tiền mặt nên Grab khuyến mãi khá mạnh tay cho khách hàng. Mức giá chênh lệch giữa việc sử dụng tiền mặt và ví điện tử là khá lớn, nên nhiều khách hàng nạp số tiền lớn vào tài khoản Grabpay Credits để đi.

Từ khi Grab bắt đầu triển khai dịch vụ Grabpay Moca vào đầu tháng 10 thay cho Grabpay Credits, nhiều khách hàng phàn nàn vì Grab đã hủy bỏ cách nạp tiền thông thường từ chuyển khoản ngân hàng vào tài khoản.

Nhiều khách hàng của Grab vô cùng bất bình vì số tiền lớn trong tài khoản GrabPay bỗng dưng biến mất, và chỉ xuất hiện trở lại khi khách hàng liên kết tài khoản ngân hàng với ví điện tử Moca.

Bắt được cá chình khổng lồ, chi tiền dụ đàn cá tra về ngắm

Thị trấn Con Cuông đang xôn xao về một con cá chình (cá lệch) khủng, có chiều dài 1,5m, trọng lượng 11kg, được người dân làm nghề chài lưới trên thượng nguồn sông Lam đánh bắt được.

Con cá chình trên được một người dân làng chài ở huyện Tương Dương bắt được vào ngày 22/10. Ngay sau đó, một chủ nhà hàng ở thị trấn Con Cuông đã thu mua con cá.


Con cá Chình khủng được chủ nhà hàng tại thị trấn Con Cuông thu mua.

Con cá Chình khủng được chủ nhà hàng tại thị trấn Con Cuông thu mua.

Trong khi đó, lần đầu tiên ở ĐBSCL có một nông dân đã dụ được đàn cá tra quý hiếm trong tự nhiên với số lượng khoảng 5-6 tấn thường xuyên về ăn mồi, chỉ để ngắm.

Sau 4 năm dẫn dụ, chăm sóc, hiện theo ước tính của ông Phạm Văn Cường (64 tuổi, An Giang) trọng lượng tổng đàn cá đạt khoảng 5-6 tấn, con nhỏ nhất khoảng 0,5 kg và lớn nhất gần 10 kg. Giờ đây, mỗi ngày ông Cường tốn khoảng 300.000 – 500.000 đồng tiền thức ăn cho cá. Tuy tốn kém nhưng ông không bao giờ buồn lòng.

Phân bón giả tràn lan

Chia sẻ về tình trạng phân bón giả, kém chất lượng tại Tọa đàm trực tuyến “Hoàn thiện khung pháp lý cho ngành phân bón” vào ngày 19/10, ông Đỗ Ngọc Cảnh, Phó Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia, nhận xét, những năm qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu phân bón giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ diễn ra khá phức tạp ở hầu hết các địa bàn trên cả nước.

Theo ông Cảnh, đối tượng thường lợi dụng khe hở trong các quy định của pháp luật về tổng các chất dinh dưỡng để sản xuất phân bón giả kém chất lượng; trộn sản phẩm giá rẻ vào thực phẩm có thương hiệu được người tiêu dùng ưa chuộng để bán ra thị trường; trộn thêm tạp chất như bột đá, đất sét... để tăng khối lượng các sản phẩm phân bón...; vi phạm về nhãn hiệu, bao bì để gây nhầm lẫn, ngộ nhận, đánh lừa người tiêu dùng.

Các đối tượng thường lợi dụng những người có uy tín như trưởng thôn, chi hội trưởng chi hội nông dân, cán bộ an ninh thôn xã,... ở vùng sâu, vùng xa, khu vực miền núi,... để quảng cáo, bán phân bón đạt chất lượng. Khi bà con đã quen, tin và thường xuyên đăng ký mua mới lợi dụng để trà trộn, xen kẽ nhằm tiêu thụ một số loại phân bón giả.

Hàng tấn thịt chim cút 'bẩn' và gà chết bị 'chặn đứng' ở Sài Gòn

Đêm 17/10, lực lượng chức năng làm nhiệm vụ trên đường Võ Chí Công (phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2) thì phát hiện chiếc xe tải do ông Nguyễn Văn Tâm (32 tuổi, quê Tiền Giang) điều khiển chở lô hàng thịt chim cút không rõ nguồn gốc xuất xứ, không giấy chứng nhận kiểm dịch đi từ Lâm Đồng đến Tiền Giang tiêu thụ.

Kiểm tra phương tiện, lực lượng chức năng phát hiện chiếc xe chứa 36 thùng xốp đựng thịt chim cút làm sẵn, ướp đá với trọng lượng khoảng 1,8 tấn.

Ông Tâm khai nhận, ông thu mua chim cút từ nhiều nơi để vận chuyển về Tiền Giang. Lô hàng 1,8 tấn thịt chim cút có trị giá khoảng 90 triệu đồng. Nhưng theo một cán bộ của đoàn kiểm tra thì với giá thịt chim cút hiện nay là 80.000 đồng/kg thì lô hàng này phải có giá trị gần 150 triệu đồng.

Tác giả: Hạnh Nguyên

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok