Khi đi dạo trên bến cầu cảng của Bãi Làng Cù Lao Chàm, du khách có thể dễ dàng bắt gặp người dân đang bày bán những con cua có màu sắc kỳ lạ. Mai và các chi của chúng màu nâu tím, phần bụng dưới lại ngả vàng ươm. Đây là cua đá – đặc sản riêng có của Quảng Nam.
Cua đá có con lớn bằng nắm tay. Loài này sống trong các hang đá trên núi cao, chỉ xuống biển đẻ trứng vào mùa sinh sản. Thức ăn của cua đá là cỏ cây, lá rừng nên thịt chúng rất chắc và ngọt thanh, không có vị tanh, hương thơm thì đặc biệt kỳ lạ.
Nhiều người dân truyền tai nhau, càng lên vùng núi cao, thịt cua đá càng dai và ngọt đậm, tạo nên sức hấp dẫn rất riêng. Khác với cua biển và ghẹ, gạch của cua đá nhiều và béo ngậy, nhất là hai càng cua to, dầy thịt, bọc trong lớp vỏ cứng. Thông thường 100% cua cái đều có gạch.
Thời điểm thích hợp để đi bắt cua đá là vào ban đêm – lúc cua rời hang đi kiếm ăn. Ban ngày, chúng rất khôn và tinh, chỉ cần nghe một tiếng động nhẹ là đã nhanh chóng lẩn vào các hốc đá, không tài nào bắt được.
Người đi bắt chỉ cần cầm theo đèn pin, rọi thẳng vào cua là chúng sẽ như bị thôi miên. Lúc này, người ta nhanh tay chộp cua bỏ vào giỏ. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng khi bắt cũng cần hết sức cẩn thận vì cua đá sở hữu cặp càng to khỏe. Chỉ một chút sơ sẩy là người bắt cũng có thể “dính đòn”, bị cua kẹp khó lòng gỡ nổi.
Cua đá khi bắt mang về được người dân chế biến thành nhiều món khác nhau như nướng, kho, rang muối, nấu bún riêu… Nhưng đơn giản và thường thấy nhất là món canh cua đá nấu với các loại rau rừng.
Lựa những con cua cỡ vừa, đem về rửa sạch thân ngoài, lấy gạch rồi giã cho cua giập sơ. Cua đá rất hợp với các loại rau rừng như rau sắng, rau dớn, rau lủi, chùm bao hoặc rau mồng tơi, cải cúc... Khi chín, vị thơm của thịt cua kết hợp với vị ngọt của rau rừng sẽ làm ấm lòng người thưởng thức.
Một món ngon đơn giản nữa là cua đá hấp sả. Chỉ cần hấp cách thủy trong nửa giờ, toàn bộ thân cua sẽ chuyển sang màu đỏ hồng, vỏ bóng loáng. Thực khách thường ăn kèm cua hấp với rau húng, rau răm chấm muối tiêu chanh. Vị đậm đà, ngon ngọt của cua đá quyện với mùi thơm của rau cứ ngấm dần và lưu lại mãi nơi cuống họng.
Cuối cùng, cua đá rang muối cũng được thực khách rất ưa chuộng. Đầu bếp chỉ cần khéo léo chế biến sao cho muối và các loại gia vị bám đều vào càng cua, thấm đẫm trong từng thớ thịt là món ăn đã đạt “chuẩn”.
Cua đá là đặc sản quý mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất Quảng Nam. Có đến tận nơi, nhâm nhi một ít rượu nồng, ăn miếng cua đá ngọt lịm mới thấm thía hơn cái thú ẩm thực của người vùng cao, giản dị mà không kém phần tinh tế.
Tuy nhiên, để đảm bảo vệ sinh và an toàn, thực khách cũng nên lưu ý không ăn cua chưa được chế biến kỹ hoặc đã chế biến nhưng để ở ngoài quá lâu. Trong quá trình lựa chọn, cần tránh những con bị chết hoặc có mùi.
Tác giả: Hoàng Ngọc (Tổng hợp)
Nguồn tin: Báo Dân trí