Kinh tế

Cú sốc ập đến với ngân hàng vừa và nhỏ?

Đợt giảm lãi suất huy động vừa qua được đánh giá là một cú sốc với các ngân hàng trung bình và nhỏ. Sau khi các ngân hàng quốc doanh đồng loạt hạ lãi suất, cho dù các ngân hàng này muốn giảm lãi suất huy động cũng rất khó vì áp lực cạnh tranh với các ngân hàng khác trong việc giữ chân khách hàng.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước bất ngờ thông báo từ ngày 26/9, các ngân hàng thương mại nhà nước đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động VNĐ ở các kỳ hạn dưới 1 năm với mức giảm từ 0,3% đến 0,5%/năm. Theo cơ quan quản lý, động thái điều chỉnh giảm lãi suất đầu vào là giải pháp góp phần tiết giảm chi phí để phấn đấu cắt giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Những tháng cuối năm, nhu cầu vay thường tăng cao, minh chứng là tín dụng thường tăng mạnh rõ rệt. Vậy tại sao lần này, các ngân hàng lớn lại rủ nhau cùng giảm lãi suất, đi ngược với xu hướng mọi năm?

Theo lãnh đạo ngân hàng Vietcombank, mức độ giảm lãi suất là không lớn và chủ yếu tập trung vào các kỳ hạn ngắn bởi vốn ngắn hạn đang dồi dào.

Hiện tượng dư thừa thanh khoản là có thật và mức dư thừa này đang tăng lên thể hiện lãi suất liên ngân hàng và lãi suất của kênh tín phiếu kỳ hạn 14 ngày đang thấp kỷ lục. Trong khi đó, khối lượng huy động TPCP đã đạt 98,96% so với kế hoạch đề ra. Như vậy là áp lực phát hành TPCP không còn lớn, cho thấy khả năng nguồn vốn dư thừa nằm ở các ngân hàng thương mại bị hút về qua kênh này là không cao.

Ngoài ra, dù đã đến mùa gia tăng sản xuất phục vụ cho lễ tết cuối năm nhưng khoảng cách giữa huy động vốn và cho vay vẫn lớn. Nếu trừ đi các khoản đầu tư tài chính của không ít doanh nghiệp thì lượng tín dụng đổ vào sản xuất kinh doanh vẫn ở mức rất nhỏ.

Thêm một yếu tố nữa, lượng tiền kiều hối cuối năm đổ về nhiều cũng là một nguồn vốn bổ sung cho nguồn vốn huy động của NHTM. Cho nên có thể khẳng định nguồn vốn sẽ tiếp tục dồi dào đáp ứng nhu cầu tăng lên của tín dụng phục vụ cho sản xuất kinh doanh.

Luồng vốn sẽ dịch chuyển sang các ngân hàng nhỏ?

Những tháng gần đây, hàng loạt ngân hàng cổ phần còn chạy đua tăng lãi suất đầu vào bởi các tổ chức này cho rằng dư thừa thanh khoản là tạm thời, nhưng nhu cầu vốn vay từ hệ thống ngân hàng, kể cả vốn vay trung và dài hạn đã khiến các TCTD vẫn cạnh tranh nguồn vốn huy động ngoài ra còn là vấn đề lòng tin của thị trường bị ảnh hưởng trước một số thông tin bất lợi đến hoạt động ngân hàng.

Sau hai ngày khi các ngân hàng quốc doanh công bố giảm lãi suất huy động, khảo sát tại các ngân hàng cổ phần cấp trung và nhỏ của chúng tôi cho thấy biểu lãi suất huy động của nhiều ngân hàng hầu như giữ nguyên theo đúng dự đoán bước đầu của nhiều chuyên gia là khó tạo ra làn sóng cho cả hệ thống.

Vậy thì, khi các ngân hàng lớn giảm lãi suất liệu rằng có sự dịch chuyển về nguồn vốn sang các ngân hàng top dưới hay không?

Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần quy mô nhỏ có trụ sở tại TP HCM chia sẻ: "Lãi suất huy động ở ngân hàng tôi hiện khá ổn định và chưa có dấu hiệu giảm. Chúng tôi muốn giảm lãi suất huy động cũng rất khó vì áp lực cạnh tranh với các ngân hàng khác trong việc giữ chân khách hàng".

Trao đổi thêm với chúng tôi, lãnh đạo một ngân hàng quốc doanh cho biết, việc các ngân hàng lớn phải gia tăng lãi suất huy động vốn ngắn hạn trước đây chỉ là giải pháp tình thế nhằm ngăn chặn sự dịch chuyển của luồng vốn ngắn hạn rời khỏi ngân hàng mình chứ không phải vì lý do thiếu hụt vốn. Vì vậy đã làm cho lãi suất huy động bình quân của hệ thống ngân hàng tăng. Nay nếu có sự đồng thuận cùng giảm lãi suất thì sự dịch chuyển vốn từ ngân hàng này sang ngân hàng khác khó mà xảy ra.

Còn theo một chuyên gia tài chính nhận định rằng, các ngân hàng nhỏ và trung bình do mạng lưới nhỏ hẹp rất khó đáp ứng nhu cầu thanh toán của các doanh nghiệp nên dù có lãi suất tiền gửi ngắn hạn có cao thì vẫn khó huy động được nhiều nguồn vốn ngắn hạn này.

"Đợt giảm lãi suất vừa qua thật sự là một cú sốc với các ngân hàng trung bình và nhỏ; nếu cứ giữ lãi suất huy động cao, chi phí huy động vốn không thể giảm, khó có lãi suất cho vay hợp lý được số đông khách hàng chấp nhận. Trong khi chi phí hoạt động khó giảm thêm, chi phí trích lập dự phòng rủi ro khá lớn lại đối diện với sức ép cổ tức của cổ đông thì sớm hay muộn các ngân hàng này cũng phải giảm lãi suất huy động, nhưng mức giảm không thể bằng 4 ngân hàng quốc doanh được", vị chuyên gia bày tỏ quan điểm.

Áp lực càng đè lên các ngân hàng cỡ nhỏ và vừa. Họ giảm biểu lãi suất cũng khó mà tăng lãi suất thì sẽ "ăn mòn" vào lợi nhuận trong khi bài toán lãi suất cho vay, tìm khách hàng để đẩy nguồn vốn ra lại là một câu hỏi hóc búa khác.

Thực tế với mức lãi suất như hiện nay, các nhân viên ngân hàng tìm kiếm khách hàng tốt để cho vay trong thời buổi cạnh tranh này rất khó khăn, đỏ mắt tìm khách hàng để đẩy nguồn tiền ra sản xuất. Nhóm khách hàng có sức khỏe tài chính ổn định, uy tín thì nhân viên các ngân hàng phải cạnh tranh, chăm sóc khách hàng với lãi suất ưu đãi. Còn nhóm khách hàng kinh doanh không mấy khả quan, không có tài sản thế chấp thì hầu hết các ngân hàng e ngại, sợ rủi ro, nợ xấu.

Tác giả bài viết: Kim Tiền

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok