Ảnh minh họa/internet |
Cần một chính sách đồng bộ
TS Tôn Quang Cường nhấn mạnh điều này và khẳng định: Trước hết là học phí và lương nhà giáo! Nếu xét một cách khách quan, sư phạm cũng là một ngành trong hệ thống đào tạo nhân lực của quốc gia.
Trong một giai đoạn cụ thể, đào tạo sư phạm đã nhận được sự đầu tư ưu ái hơn một số ngành khác về mặt chính sách. Thay việc miễn học phí bằng “cho vay sư phạm” (kèm điều kiện cụ thể) sẽ là một cú huých lớn đạt được nhiều mục đích: gia tăng vị thế nghề sư phạm, khuyến khích tạo động lực cho người học, tăng cơ hội đầu tư, nâng cao chất lượng đào tạo và giải tỏa được những tâm lí xã hội không phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
Vấn đề lương nhà giáo cũng là một điểm đáng chú ý hiện nay, có tác động không nhỏ đến việc thu hút đầu vào sư phạm. Tuy nhiên, cần nhìn nhận vấn đề một cách khách quan hơn: trong một nỗ lực tổng thể về cải cách hành chính và tiền lương, chúng ta đang tiến đến một cơ hội thu nhập theo đóng góp, vị trí việc làm và cống hiến. Vì vậy bài toán lương và thu nhập của giáo viên cũng cần được cân nhắc một cách đa diện.
"Cùng với việc đổi mới cơ chế thu hút đầu vào sư phạm, việc bổ sung những chính sách “đặc thù ngành” đối với hoạt động nghề nghiệp của giáo viên (cơ chế tuyển dụng, cơ hội bồi dưỡng, phát triển nghề nghiệp…), theo tôi, cũng là những điểm hấp dẫn đối với nghề giáo viên hiện nay" - TS Tôn Quang Cường chia sẻ.
Nâng cao đầu vào là việc cần làm |
Quy chế tuyển sinh 2018 đặt ra ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào với các trường đào tạo giáo viên. Có ý kiến bày tỏ nghi ngại tình hình đã khó lại càng khó hơn đối với các trường sư phạm hiện nay. Để cải thiện tình hình này cần có một chính sách và giải pháp triển khai đồng bộ, hệ thống mang tính lâu dài bởi thực trạng “kém hấp dẫn” của nghề sư phạm có nguyên nhân từ nhiều yếu tố.
TS Tôn Quang Cường - Phó chủ nhiệm khoa phụ trách Khoa Sư phạm (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội) - khẳng định: qui định “nâng cao” trong tuyển sinh đầu vào sư phạm theo qui chế mới không phải là “cây đũa thần” để xoay chuyển thực trạng vấn đề đào tạo và phát triển đội ngũ giáo viên, nhưng là việc cần làm, khởi đầu cho lộ trình đổi mới công tác này của chúng ta.
Điểm đầu vào hay lựa chọn xét học bạ học lực giỏi ở THPT của thí sinh mới chỉ là một phần của vấn đề. Thực tế chúng ta cũng chưa có được những nghiên cứu cẩn thận về mối tương quan giữa điều kiện đầu vào với chất lượng đào tạo, chất lượng tốt nghiệp đầu ra, tỉ lệ bỏ học giữa chừng, tỉ lệ sinh viên sư phạm có việc làm sau tốt nghiệp, tỉ lệ theo đuổi nghề nghiệp trên 5 năm ... Cũng chưa có một bằng chứng khoa học nào khẳng định điểm đầu vào thấp thì chất lượng đào tạo sẽ kém về mặt tổng thể!
TS Tôn Quang Cường dẫn báo cáo của Viện chính sách Harvard năm 2015: ngay ở Hoa Kì trong số sinh viên đăng kí vào các trường giáo dục cũng chỉ có 44% là thực sự muốn trở thành giáo viên, sau năm thứ nhất con số này chỉ còn 29%! Mặt khác có đến 40% số sinh viên tốt nghiệp làm giáo viên đã chuyển nghề sau vài năm công tác! Tình hình tương tự đối với trường hợp tại Vương Quốc Anh.
Các nước OECD cũng đầu tư dày công nghiên cứu về chính sách thu hút đầu vào sư phạm, tuyển dụng, bồi dưỡng, giữ chân và đãi ngộ giáo viên từ nhiều năm nay. Báo cáo năm 2011 của OECD khuyến nghị cần thực hiện đồng bộ 7 chính sách bao gồm: tăng cường vị thế, hình ảnh nhà giáo; cải thiện điều kiện tuyển dụng và tính cạnh tranh về mức lương; mở rộng kết nối trong đội ngũ nhà giáo; cơ chế khen thưởng linh hoạt; cân đối lại chỉ tiêu sinh viên sư phạm và mức lương trung bình của nhà giáo; cơ chế điều tiết, điều động và phân bổ giáo viên.
Đa dạng hóa hình thức tuyển sinh |
TS Tôn Quang Cường cho rằng, mỗi trường tùy điền kiện cụ thể nên áp dụng ngay hình thức tuyển sinh sư phạm đa dạng, đồng bộ hơn so với những gì chúng ta đã và đang làm: điểm ngưỡng đầu vào, xét hồ sơ, tổ chức sơ tuyển, phỏng vấn, đánh giá năng lực theo chuẩn thích ứng, thư giới thiệu ... để đảm bảo rằng sẽ có những thí sinh tâm huyết với nghề.
Bên cạnh đó, các trường sư phạm cần gia tăng công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh cũng như giới thiệu các thế mạnh, cập nhật, những điểm mới trong chương trình và môi trường đào tạo của mình.
"Chúng ta đều có hệ thống các trường vệ tinh để triển khai kiến tập thực tập sư phạm cho giáo sinh hàng năm nhưng có mấy trường mời được học sinh nơi đó đến thăm cơ sở đào tạo của mình?
Có mấy khi chúng ta tổ chức các hoạt động hướng nghiệp tại ngay khuôn viên nhà trường để mời học sinh đến tham quan, trải nghiệm (làm giáo viên chẳng hạn), quan sát môi trường học tập…nhằm nuôi dưỡng niềm đam mê, hứng thú với nghề giáo.
Chúng ta có hẳn 1 ngày “quốc lễ” để tôn vinh các nhà giáo nhưng mấy trường đã khác thác tốt cơ hội này để làm công tác quảng bá hình ảnh?..." - TS Tôn Quang Cường trăn trở.
Tuy nhiên, TS Tôn Quang Cường cũng nhắc đến một điểm rất đặc thù và thách thức trong công tác tuyên truyền tuyển sinh sư phạm, đó là nhà trường khó có thể hứa đảm bảo việc làm cho sinh viên tốt nghiệp như những cơ sở đào tạo khác. Nhưng, đây cũng có thể trở thành sáng kiến hay cơ hội tuyệt vời để các trường sư phạm thể hiện năng lực cạnh tranh, thu hút đầu vào trong bối cảnh quốc tế hóa và hội nhập giáo dục hiện nay.
Tác giả: Hiếu Nguyễn
Nguồn tin: Báo Giáo dục & Thời đại