Nhà máy nước sạch Triệu Sơn tại xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, công suất 9.800 m3/ngày/đêm của Công ty cổ phần dịch vụ nước sạch Triệu Sơn. |
Nhiều người dân sống trên địa bàn các huyện như Triệu Sơn, Đông Sơn, Nông Cống (Thanh Hóa) đã phản ánh về việc Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng cấp thoát nước Thắng Thịnh Phát (từ đây gọi tắt Công ty Thắng Thịnh Phát) tự ý thu tiền đồng hồ nước của các hộ dân với giá từ 3 – 5,5 triệu đồng khi chưa có sự đồng ý, ủy quyền bằng văn bản từ phía công ty nhà máy nước Triệu Sơn.
Hơn nữa, việc thu tiền này có nhiều hợp đồng không xuất hóa đơn GTGT theo đúng quy định của nhà nước.
Từ những thông tin phản ánh trên, phóng viên đã tiếp cận trực tiếp nhiều nguồn tin, ghi nhận lại sự việc một cách khách quan.
Công ty Thắng Thịnh Phát được thành lập từ năm 2010, có địa chỉ tại số 117 Mật Sơn, phường Đông Vệ, Thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa, người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Huy Linh – Cháu ruột của ông Nguyễn Huy Nhắn (Nguyên Giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ nước sạch Triệu Sơn).
Công ty Thắng Thịnh Phát đã thu của nhiều hộ dân với nhiều mức tiền khác nhau, nhiều hợp đồng chỉ có phiếu thu, không xuất hóa đơn theo quy định. |
Cũng như thông tin phóng viên có được, việc thu tiền đồng hồ nước có nhiều mức giá khác nhau từ 3 - 5,5 triệu đồng và được thu dưới nhiều hình thức như: thôn đứng ra thu, nhân viên nhà máy nước đứng ra thu… tất cả số tiền thu được đều nộp về công ty Thắng Thịnh Phát.
Về phần nhà máy nước sạch Triệu Sơn từ trước đến nay không thu được bất kỳ đồng tiền nào từ các hộ dân ngoài tiền giá nước hàng tháng. Điều này được thể hiện tại báo cáo của Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ nước sạch Triệu Sơn gửi toàn thể cán bộ, nhân viên công ty đầu thang 12/2023.
Hơn nữa, rất nhiều hợp đồng người dân chỉ nhận được phiếu thu, không kèm theo hóa đơn GTGT. Việc công ty này không thực hiện lập hóa đơn theo quy định đã đặt ra nghi vấn trốn thuế, gây thất thu ngân sách nhà nước.
Chị Nguyễn Thị Thúy (tên nhân vật đã được thay đổi) một người dân ở xã Đông Ninh, huyện Đông Sơn cho biết, gia đình chị vừa có nhu cầu lắp đặt đồng hồ nước với giá là 5 triệu đồng. “5 triệu là giá quá cao, bố mẹ tôi ở xã khác lắp có 1,5 triệu. Ngoài một bộ hợp đồng dịch vụ cấp nước gia đình tôi không nhận được bất cứ giấy tờ nào khác, kể cả hóa đơn. Tôi nghĩ có sai ở đâu đó nên mới không dám viết hóa đơn, vì theo quy định là công ty họ phải đưa hóa đơn cho bên mua…”.
Hợp đồng giao nhận khoán thi công giữa công ty Thắng Thịnh Phát với ông Lê Tuấn Anh. Ông Lê Tuấn Anh đã có thông báo yêu cầu thanh toán từ phía công ty Thắng Thịnh Phát. |
Với khoảng 12.000 khách hàng như hiện nay của công ty nước sạch Triệu Sơn, mỗi khách hàng phải đóng từ 3,5 – 5,5 triệu đồng/1 hợp đồng cung cấp nước, tổng số tiền thu về giao động từ 42 – 72 tỷ đồng. Hơn nữa, toàn bộ số tiền này do Công ty Thắng Thịnh Phát đứng ra thu của người dân, trong khi đó phần lớn hợp đồng khách hàng không nhận được hóa đơn GTGT theo quy định của nhà nước.
Việc không thực hiện lập hóa đơn theo quy định đã đặt ra nghi vấn trốn thuế, gây thất thu ngân sách nhà nước, rất mong Thanh tra ngành thuế vào cuộc xác minh, làm rõ.
“Theo khoản 1, Điều 4, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/7/2022 đã quy định rõ nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ. Cụ thể: Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua (bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất); xuất hàng hóa dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hóa) và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 10 Nghị định này, trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử thì phải theo định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế theo quy định tại Điều 12 Nghị định này.” – Trích khoản 1, Điều 4, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP. |
Tác giả: Hoàng Nhung
Nguồn tin: taichinhdoanhnghiep.net.vn