Thủ tướng Israel đã tới thăm Nga liên tiếp trong vài tháng qua. |
Công thức hợp tác chung Mỹ-Nga-Israel được soạn thảo trong các cuộc thảo luận nhiều tuần qua về mặt trận miền Nam Syria dường như đã không đạt sự đồng thuận chung giữa các bên.
Điều này càng trở nên rõ ràng trong các cuộc điện đàm hôm 20/7 giữa Thủ tướng Binyamin Netanyahu và Tổng thống Vladimir Putin, cùng với lãnh đạo quốc phòng hai nước.
Các cuộc thảo luận của Tel Aviv và Moscow nói trên đã không mang đến một sự thấu hiểu lẫn nhau giữa đôi bên, bao gồm cả sự đảm bảo của Nga về việc loại bỏ sự hiện diện của các lực lượng dân quân Iran và Hezbollah gần biên giới Golan của Israel.
Sự sụp đổ bắt nguồn từ một bước ngoặt không ngờ khi các nhà ngoại giao Nga tuyên bố rằng Moscow không bao giờ đồng ý gây áp lực khiến lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn và Hezbollah bị đẩy lùi khỏi biên giới Israel hoặc ra khỏi Syria lãnh thổ nói chung.
Theo các nguồn tin quân sự của DEBKAfile, Thủ tướng Israel Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Lieberman tuyên bố Tel Aviv sẽ tự do càn quét mọi mục tiêu hoặc cứ điểm quân sự của các lực lượng ủng hộ Iran và Hezbollah được cho là đang thiết lập sự hiện diện ở Daraa và Quneitra.
Các cuộc tấn công sẽ tiếp tục được tiến hành trước khi Israel triển khai thêm các chiến dịch khác ở phần lãnh thổ còn lại của Syria.
DEBKAfile cho hay, chỉ có hai vấn đề được nhất trí sau cuộc điện đàm giữa nhà lãnh đạo Nga-Israel hôm 20/7. Trong đó có cơ chế phối hợp quân sự của Nga-IDF tại Syria sẽ tiếp tục hoạt động để ngăn chặn các cuộc đụng độ vô tình giữa hai nước và quân đội Nga sẽ không can thiệp vào các hoạt động quân sự của Israel tại Syria.
Sự thay đổi lập trường đột ngột của Moscow được đưa ra chỉ 4 ngày sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố rằng Mỹ, Nga và Israel đang nỗ lực hợp tác cùng với nhau trong cuộc chiến ở Syria.
“Cả hai chúng tôi đã nói chuyện với Thủ tướng Netanyahu. Nga muốn tiến tới một số hành động ở Syria để đáp ứng mối quan tâm của Israel. Chúng tôi hoàn toàn muốn giúp Israel…”, Tổng thống Mỹ nói tại hội nghị thượng đỉnh với người đồng cấp Nga hôm 16/7.
Tuy nhiên, khi điện đàm với Tổng thống Putin vài ngày sau đó, Thủ tướng Netanyahu lại nhận ra rằng nhà lãnh đạo Nga dường như không có hứng thú làm điều gì đó “vì sự an toàn của Israel” giống như cách mà ông Trump tuyên bố.
DEBKAfile nhận định, quan hệ về mặt cá nhân giữa Thủ tướng Israel và Tổng thống Nga có thể vẫn còn đó, nhưng mối quan hệ an ninh ở cấp độ chiến lược giữa hai nước có thể sẽ bị tổn thương và suy giảm.
Tác giả: Quốc Vinh
Nguồn tin: Báo Người đưa tin