Giáo dục

Cộng điểm xét tuyển cho học sinh biết bơi: Không gì là không thể!

Trường THCS Hồ Xuân Hương (Quỳnh Lưu, Nghệ An) đã đưa ra một quy định gây nhiều tranh cãi về việc tuyển sinh lớp 6: Cộng 2,5 điểm cho học sinh bơi được 21m.

Trường cấp 2 rút quy định cộng điểm cho con Bà mẹ Việt Nam anh hùng
Một trường rút quy định cộng điểm cho học sinh biết bơi
Cộng điểm khi xét tuyển lớp 6 cho học sinh biết bơi: Nhiều ý kiến trái chiều
Nghệ An: Cộng 2,5 điểm nếu… biết bơi khi xét tuyển vào lớp 6


"Cuộc đua” tuyển sinh đầu cấp đang được khởi động trên khắp cả nước. Hòa trong cuộc đua đầy căng thẳng, kịch tính đó, trường THCS Hồ Xuân Hương (Quỳnh Lưu, Nghệ An) đã đưa ra một quy định khá mới lạ về việc tuyển sinh lớp 6: Cộng 2,5 điểm cho học sinh bơi được 21m.

Ngay lập tức quy định “bơi cộng điểm” đã thổi bùng lên một cuộc tranh luận sôi nổi trong dư luận. Và đương nhiên, sôi nổi hơn cả là các phụ huynh có con em muốn dự tuyển vào trường THCS Hồ Xuân Hương. Người chê, người khen, người ủng hộ, người bài xích... đó là chuyện thường tình khi có bất cứ một cái gì “mới, lạ” xuất hiện.

Mặc dù nhà trường đã lên tiếng khẳng định về tính khả thi và sự thiết thực, ý nghĩa của phương thức xét tuyển cộng điểm ưu tiên này nhưng nó cũng không tránh khỏi việc phải hứng chịu không ít sức ép, “gạch đá” từ dư luận.

Và ba chữ: “không công bằng” chính là mũi giáo sắc nhọn nhất để gây sức ép buộc quy định mới này phải “chết yểu”. Tuy nhiên yêu cầu mà nhà trường đưa ra khá đơn giản. Học sinh chỉ cần bơi được một khoảng cách nhất định (21m) mà không cần lượng tính về thời gian. Quan trọng hơn đó là thời điểm diễn ra buổi sát hạch còn tận 2 tháng, quá đủ (thậm chí là thừa) để bất kì cô,cậu bé nào vừa tốt nghiệp tiểu học tập bơi.
cong 25 diem neu biet boi khi xet tuyen vao lop 6 2 1465180412
Học sinh biết bơi sẽ được cộng 2,5 điểm. Ảnh minh họa: Internet.

Có lẽ nguyên nhân sâu xa để khai sinh một quy định mới lạ trong công tác tuyển sinh này đó là thực trạng đáng báo động về việc việc đảm bảo an toàn sông nước cho trẻ. Theo thống kê gần đây nhất, trung bình mỗi ngày có 10 trẻ đuối nước. Có nhiều nguyên nhân (môi trường không an toàn, sự quan tâm và giám sát của người lớn lỏng lẻo,...) nhưng đáng lưu tâm hơn cả là do trẻ không biết bơi, không biết tự bảo vệ mình khi có những sự cố sông nước ngoài ý muốn.

Nhà nhà phê phán lối dạy học nặng về tính lí thuyết, hàn lâm, bỏ ngỏ giáo dục kĩ năng sống. Người người kiến nghị phổ cập bơi lội cho học sinh thay vì suốt ngày ê a mớ lí thuyết rỗng tuếch. Thế nhưng, khi có một đơn vị mạnh dạn đổi mới công tác tuyển sinh, chú trọng kĩ năng sống và cụ thể hóa bằng quy định học bơi thì lại vấp phải sự phản ứng gay gắt của các bậc phụ huynh. Vậy chẳng phải mâu thuẫn và vô lý lắm sao?

Thế đó, các bậc phụ huynh đừng ngồi đấy mà mơ ước về những dự án phổ cập bơi lội trong cộng đồng hay đẩy trách nhiệm bảo vệ sự an toàn cho con trẻ về phía nhà trường. Bởi nước ta còn cần một khoảng thời gian khá dài để chuẩn bị mọi thứ về kinh phí, cơ sở vật chất, nhân lực...

Mà chúng ta hãy “tự thân vận động” bằng cách cho trẻ tập bơi, vừa để chiếm trọn 2,5 điểm của hội đồng xét tuyển, vừa trang bị cho con kĩ năng cần thiết để phòng tránh tai nạn không đáng có. Chẳng phải như vậy là “một mũi tên trúng hai đích”, “lợi cả đôi đường” cho trẻ hay sao?


* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Tác giả bài viết: Thanh Ny

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok