Đến nay thì không có đất để làm nữa, đi làm thuê thì ngày có việc, ngày không, với 150 triệu đồng nhận từ công ty chia đều cho 3 anh em nay cũng đã tiêu hết. “Trước đây tôi cho thuê đất là tự nguyện, nhưng nay thì thấy cuộc sống vất vả khóa khăn lắm. Phải đi làm thuê, ngày nào họ không thuê thì không có việc làm, vất vả lắm, nghỉ lại cho thuê đất rồi mới thấy ân hận” – Anh Bình chia sẻ thêm.
Khu vực khai thác quặng.
Vì lợi nhuận trước mắt, hơn 60 hộ dân thuộc xã Châu Thành đã đồng ý thỏa thuận cho thuê đất ruộng với Công ty Cổ phần Kim loại màu Nghệ Tĩnh. Theo 2 quyết định số 170 và 3402 của UBND huyện Quỳ Hợp thì các hộ dân này đã nhận số tiền đền bù qua 2 giai đoạn là 1,4 và 1,7 tỷ đồng theo mức giá 54.000 đồng/m2 với thời hạn cho thuê đất là 5 năm. Mặc dù vậy nếu tính từ đợt 1 bắt đầu vào năm 2007 thì đến nay đã quá thời hạn theo cam kết là 5 năm, nhưng hiện tại nhiều hộ dân vẫn chưa được nhận lại đất để sản xuất.
Chia sẻ về những khó khăn của người dân địa phương, bà Lô Thị Lương - Xóm trưởng xóm Trung Thành, xã Châu Thành nói: “Số đất cho thuê trước năm 2007 hiện đã hết hạn nhưng vẫn chưa bàn giao lại nên người dân không có việc làm. Thêm nữa, phần đất được nhận lại liệu có đảm bảo cho người dân sản xuất hay không cũng là một vấn đề cần phải bàn.”
Nguy cơ sạt tiếp tục sạt lở đất ảnh hưởng đến sản xuất của người dân.
Không chỉ khó khăn về kinh tế, mà người dân ở đây còn phải gánh chịu rất nhiều hệ lụy khác. Việc khai thác quặng ở đây đã làm thay đổi dòng chảy của con suối và hệ lụy của nó là sau mỗi cơn mưa tình trạng sạt lở diễn ra nhanh, nhiều và nguy hiểm hơn. Nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét lớn. Mặt khác, những tồn dư sau khai thác quặng thiếc có nguy cơ ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.
Theo chia sẻ của anh Lương Văn Hải – người dân xóm Trung Thành, xã Châu Thành, huyện Quỳ Hợp: “Đầu tiên nhà tôi ở bên kia, sau xí nghiệp về nói là đền bù xong là nói di dời sang bên này xong xí nghiệp sẽ làm cho nhanh để lấp chỗ này để gia đình có chỗ ở, dựng nhà luôn. Xong từ đó nhà em sang ở đây. dừ chỉ còn cách nhà 2,5-3m. Mưa gió ban đêm là không cho vợ con ở nhà, chắc mình ở nhà nhưng cũng sợ, không ngủ được”.
Xã Châu Thành có diện tích đất tự nhiên hơn 7.500ha, trong đó đất lúa hơn 140 ha. Từ năm 2007 đến nay, diện tích đất trồng lúa mà Công ty Cổ phần Kim loại màu Nghệ Tĩnh thuê của dân để khai thác quặng là gần 40ha, nhưng đến nay công ty này mới chỉ hoàn thổ được khoảng 10ha. Nhưng vấn đề đặt ra là đất sau khi hoàn thổ nhiều diện tích người dân không thể sản xuất được bởi đất toàn đá sỏi và thiếu nước sản xuất. Tình trạng này thực sự đang là nỗi trăn trở, lo lắng lớn của người dân cũng như chính quyền địa phương nơi đây.
Ông Lương Văn Hiền – người dân xóm Tiến Thành, xã Châu Thành cho biết: “Sau khi bàn giao đất cho phía công ty người dân không có đất sản xuất, cuộc sống khó khăn nên nhiều lao động bỏ đi làm thuê ở các địa phương khác, cuộc sống không ổn định.”
Người dân chỉ còn những khoảnh ruộng nhỏ, cằn cỗi để canh tác.
Còn bà Nguyễn Thị Thanh - Bí thư Đảng bộ xã Châu Thành lo lắng: “Hiện nay đất không thể sản xuất được là do các quy định hoàn thổ không đảm bảo. Mong muốn của địa phương là đề nghị các cấp, các ngành, đặc biệt là phía Công ty phải sớm có kế hoạch hoàn trả đúng kế hoạch và phải đảm bảo những quy định để nhân dân có thể tiếp tục sản xuất được. Hiện diện tích sản xuất của huyện rất ít."
Theo cam kết giữa Công ty Cổ phần Kim loại màu Nghệ Tĩnh với chính quyền địa phương và người dân: Quá trình khai thác sẽ không làm ảnh hưởng, gây sạt lở vào đất chủ liền kề; Đảm bảo công tác hoàn thổ, phục hồi môi trường trả lại đất cho dân sau 5 năm như nếu không thì bồi thường theo sản lượng lúa; Tổ chức thi công đảm bảo tưới tiêu theo yêu cầu về canh tác lúa nước; Nước tưới đảm bảo sạch, không ô nhiễm; Hệ thống tiêu đảm bảo vùng đất hoàn thổ không bị ngập úng trong mùa mưa; Tạo lớp đất màu khi đất đã hoàn thổ,... Tuy nhiên với những gì đã và đang diễn ra như hiện nay dường như không đúng với trách nhiệm mà phía công ty đã cam kết.
Bản cam kết của công ty với nhân dân.
Nói về những kiến nghị và hướng giải quyết, ông Vi Văn Tường - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho biết: “Cách giải quyết của phía công ty là chưa đúng. Tiếp tục đề nghị công ty có trách nhiệm cải tạo đất cho người nông dân đáp ứng đủ điều kiện sản xuất. Đối với phần diện tích còn lại công ty tiếp tục hoàn thổ sớm để người dân có đất sản xuất.”
Từ thực trạng đất sau khi hoàn thổ không sản xuất, trồng trọt được; thời gian hoàn thổ chậm so với qui định công thêm tình trạng ô nhiễm như hiện nay đã đẩy cuộc sống của người dân nơi đây vốn đã khó khăn lại càng thêm cùng cực. Bởi từ bao đời nay cuộc sống của họ chủ yếu chỉ dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp ngoài ra không có bất cứ một nghề phụ nào cho phát triển kinh tế gia đình. Để người dân có cuộc sống no đủ, không phải tha phương tìm việc, các cấp chính quyền xã Châu Thành và huyện Quỳ Hợp cần làm việc rõ ràng với Công ty Cổ phần Kim loại màu Nghệ Tĩnh buộc công ty này phải thực hiện đúng như cam kết, hoàn trả đất sạch cho nhân dân sản xuất, trồng lúa đảm bảo an ninh lương thực.
Tác giả bài viết: Bùi Thọ