Trong tỉnh

Công bố tình huống khẩn cấp sạt lở, sụt lún đồi đất tại huyện Như Thanh

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở, sụt lún đồi đất tại thôn Đồng Phông, xã Phượng Nghi, huyện Như Thanh.

Khu vực chân đồi phía dưới vết nứt đã được chính quyền địa phương đặt biển cấm đường qua khu vực chân đồi phía dưới vết nứt. Ảnh: Lực lượng chức năng

Ngày 31/10, UBND tỉnh Thanh Hoá đã ban hành Quyết đinh 4314/QĐ-UBND, công bố tình huống khẩn cấp sạt lở, sụt lún đồi đất tại thôn Đồng Phông, xã Phượng Nghi, huyện Như Thanh.

Theo báo cáo của UBND huyện Như Thanh và kết quả kiểm tra thực tế, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, số 4 năm 2024 và mưa lũ sau bão, trên địa bàn huyện Như Thanh xảy ra mưa lớn.

Tại khu vực đồi đất thôn Đồng Phông, xã Phượng Nghi xuất hiện nhiều vết nứt kéo dài. Hiện tại, vết nứt nằm ở sườn đồi có chiều dài khoảng 50m, chiều rộng lớn nhất khoảng 40cm, một số đoạn bị sạt lở, sụt lún từ 1-1,2m.

Khu vực xảy ra sạt lở, sụt lún đất có độ cao so với tuyến đường liên huyện ở phía dưới khoảng 30m, đỉnh đồi đất có chiều cao khoảng 50m, phía dưới chân đồi xuất hiện nhiều vết nứt, sườn đồi có độ dốc đứng; có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, tài sản của 5 hộ/22 khẩu và người, phương tiện khi tham gia giao thông trên tuyến đường liên huyện (từ xã Phượng Nghi, huyện Như Thanh đi xã Thượng Ninh, huyện Như Xuân).

Diễn biến sạt lở, sụt lún đất tại khu vực nêu trên có nguy cơ tiếp tục phát triển với chiều hướng phức tạp, khó lường, đặc biệt là khi có mưa lớn xảy ra.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Như Thanh tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Công văn số 15339/UBND-NN ngày 18/10/2024, trong đó triển khai ngay các biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn cho người, tài sản của các hộ dân sinh sống trong khu vực ảnh hưởng của sạt lở, sụt lún đất; tổ chức sơ tán/di dời các hộ dân nêu trên đến nơi an toàn, tuyệt đối không để người dân ở lại khu vực nguy hiểm; lập rào chắn cố định đoạn đường liên huyện có nguy cơ bị ảnh hưởng; cắm mốc, biển cảnh báo trong phạm vi nguy hiểm; làm đường tạm cho người và phương tiện đi qua, cử người canh gác khu vực nguy hiểm và hướng dẫn, điều tiết giao thông đảm bảo an toàn, thông suốt.

Tổ chức thường trực, theo dõi chặt chẽ, quan trắc diễn biến của sạt lở, sụt lún đất và báo cáo kịp thời khi có diễn biến tình huống nguy hiểm xảy ra; thông tin, tuyên truyền cho các hộ dân, đơn vị trong khu vực biết để chủ động phòng tránh; tuyệt đối không cho người, phương tiện, vật nuôi đi vào khu vực nguy hiểm, nhất là khi xảy ra mưa lớn.

Khẩn trương xây dựng, phê duyệt và triển khai trên thực tế phương án ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ” nhằm hạn chế sự phát triển của sạt lở, sụt lún đất và đảm bảo an toàn cho tính mạng và tài sản của Nhà nước và Nhân dân.

Giao các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giao thông Vận tải và các đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp, hướng dẫn UBND huyện Như Thanh tổ chức thực hiện đảm bảo theo quy định.

Các cơ quan truyền thông: Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa, Báo Thanh Hóa thông tin, cảnh báo về tình huống khẩn cấp nêu trên để Nhân dân biết, chủ động phòng tránh.

Về các biện pháp khắc phục, đảm bảo an toàn lâu dài, Chủ tịch UBND tỉnh giao UBND huyện Như Thanh tổ chức khảo sát, đánh giá cụ thể về phạm vi, quy mô, mức độ sạt lở, sụt lún đất và đề xuất giải pháp xử lý phù hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, đảm bảo ổn định lâu dài theo quy định của pháp luật.

Giao các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Nông nghiệp và PTNT, Giao thông vận tải và các đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn có trách nhiệm chủ động giải quyết các công việc có liên quan đến lĩnh vực được giao quản lý, đồng thời hướng dẫn UBND huyện Như Thanh tổ chức thực hiện đảm bảo theo quy định.

Tác giả: Hương Trà

Nguồn tin: thanhtra.com.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok