Còn gần 1 tuần nữa, học sinh ở TPHCM mới chính thức quay lại trường học sau kỳ nghỉ Tết dài ngày. Thời gian nghỉ Tết dài, trẻ vui chơi thỏa thích, nhiều phụ huynh đã sớm lo việc quay lại trường học của con sẽ gặp không ít khó khăn. Rất nhiều đứa trẻ trở nên "khó tính" hơn với việc đến trường sau kỳ nghỉ. Ở bậc mầm non, tiểu học nghe đến việc "sắp phải đi học", nhiều trẻ khóc nhè, học trò ở bậc lớn hơn cũng uể oải không kém.
Chị Trần Lệ Thủy, nhà ở Q.7, TPHCM cho biết, trong những ngày Tết, sinh hoạt gia đình bị đảo lộn, không ổn định được như ngày thường. Việc đi chúc tết, đi chùa, vui chơi, du lịch... làm nề nếp hàng ngày của các thành viên loạn cả lên... rất khó để vào khuôn khổ. Tuy vậy, để chuẩn bị tinh thần cho con hết tết sẽ quay lại trường, chị vẫn hay nhắc con, chơi một hai hôm nữa là sẽ đi học lại.
"Ban đầu, các cháu không để ý đến lời mình. Nhưng nay thấy việc đi chơi bắt đầu thưa lại, mẹ nhắc đến việc đi học nhiều hơn là... có chuyện. Cô chị gái nhắc xem bài vở là vùng vằng không chịu, còn cậu em chưa đến 3 tuổi ôm mẹ vừa ăn vạ, vừa nói như van nài: "Bi không đi học! Bi ở nhà đi chơi thôi!", chị kể.
Chị Thủy nói thêm, cô chị thì chị không lo nhiều vì cháu còn bạn bè ở lớp, đến lớp 1 - 2 hôm là đâu vào đó. Nhưng cậu em, mỗi lần trải qua kỳ nghỉ, không dễ để cháu quay lại trường. Như đợt giữa năm vừa rồi, gia đình chị đưa cháu về Bắc chưa đến một tuần mà vô mất hơn từng đó thời gian để cháu ổn định lại. Đưa đến lớp là cháu khóc, vùng vằng, đánh bạn, không chịu ăn..., về nhà thì quấy vô cùng, cực cả mẹ lẫn cô giáo.
Rút kinh nghiệm lần trước, giờ chị nhắc con suốt để con hình dung phần nào sắp trở lại lớp nhưng thấy tình hình chưa hề khả quan.
Kỳ nghỉ dài, ngày Tết đi chơi nhiều, sinh hoạt đảo lộn..., trẻ sẽ trở nên "khó tính" hơn khi quay lại lớp (ảnh minh họa)
"Mẹ ơi, mình không đi học nữa đâu nhỉ?", bất chấp mọi nỗ lực của bố mẹ, cô con gái học lớp Chồi của chị Lê Mai Phương, ở Tân Bình ngày nào cũng nhắc câu "thần chú" trên. Vẫn để con vui chơi thoải mái, nhưng chị Phương vẫn không quên nhắc đến Runi, Bống, Nấm... những người bạn thân ớ lớp của con, rồi nhắc cô giáo để con không quên "không gian" lớp học. Rồi chị cũng hay soạn ba lô, đồng phục ở lớp cho con xem... mà cháu vẫn không mấy hứng thú, rất sợ mẹ nhắc đến việc đi học.
Chị thở dài: "Mới đêm qua đây thôi, khi đã ngủ rồi, đột nhiên cháu đưa hai tay ôm má mẹ, nói: "Không đi học" rồi lại ngủ tiếp".
Chị Phương dự tính, trước ngày đến trường khoảng 2 - 3 hôm, chị sẽ xếp lịch sinh hoạt trong nhà giống lịch ngày thường. Ngoài ra, chị cũng chuẩn bị cho con một vài món quà xinh xinh để khi đến lớp con "mừng tuổi" cô giáo và bạn bè hy vọng cháu sẽ phấn chấn hơn.
Nỗi lo con quấy khi quay lại lớp của gia đình anh Bùi Xuân Hồng, ở Phú Nhuận phần nào được giải tỏa khi có kế hoạch khá phù hợp. Do vợ chồng đi làm trước lịch con quay lại lớp nên trừ trước kỳ nghỉ, anh chị đã gửi cô giáo trông cháu trong những ngày này. Tiếp xúc với cô trước khi quay lại trước, họ cũng mong việc quay lại lớp của con sau Tết sẽ nhẹ nhàng hơn.
Về phía trường học, sau Tết đều có những chương trình, hoạt động đón học sinh quay lại lớp, giúp các em thích nghi sau kỳ nghỉ dài. Nhiều trường có các hoạt động vui chơi, văn nghệ, lì xì đầu năm cho học sinh để các em "bắt nhịp" lại không khí cùng thầy cô, bè bạn.
Theo ghi nhận các năm trước, những ngày đầu quay lại trường sau Tết, ít nhiều sĩ số học sinh đều vắng. Tuy nhiên, các trường cũng chưa quá "cứng" trong việc điểm danh sĩ số do hiểu hoàn cảnh sau tết nhiều học sinh về quê, đi du lịch chưa kịp về, hoặc về muộn đang nghỉ ngơi lấy sức hay trẻ nhỏ thì chưa chịu đến lớp.
Đối với các trường mầm non, sau Tết, đội ngũ giáo viên chắc chắc sẽ vất vả, áp lực hơn rất nhiều khi nhiều trẻ sẽ quấy khóc khi "bắt đầu lại". Chưa kể sau Tết cũng là thời điểm nhiều gia đình sẽ gửi con đi học, lớp sẽ có thêm nhiều học trò lần đầu đến lớp. Trong giai đoạn này, giáo viên rất cần sự hợp tác tích cực từ gia đình để cùng giúp trẻ thích nghi với lớp học.
Cô Nguyễn Lan Hương, giáo viên một trường tiểu học ở Gò Vấp chia sẻ, không chỉ sau Tết mà ngày thường, rất nhiều phụ huynh than thở con mình không thích đi học, được nghỉ học là hò reo ăn mừng. Theo cô Hương, trẻ không thích đi học là bình thường, hầu như đứa nào cũng vậy, bố mẹ không nên quá căng thẳng với con.
Thời điểm này, cha mẹ nên cố gắng tạo cho con nề nếp trong sinh hoạt, ăn ngủ đúng giờ, đừng thức quá khuya. Ngoài ra, bố mẹ có thể sắp xếp lại bàn học của con, khuyến khích con đọc sách, kể chuyện trường lớp cho con nghe... Như vậy trẻ sẽ giảm "sốc" hơn là việc vào nề nếp đột ngột khi đến ngày đi học.
Cô Hương cũng nói thêm, cũng như người lớn, Tết xong đi làm cũng uể oải, cũng sao nhãng chút đỉnh nhưng rồi đâu cũng vào đó, vài ba hôm là trẻ sẽ lấy lại tinh thần. Phụ huynh và cả giáo viên đừng quá chạy theo chương trình, giáo án, khuôn khổ mà gây áp lực với trẻ.
Cô giáo trẻ thẳng thắn: "Tôi thì vẫn quan niệm việc học là việc cả đời, không phải việc ngày một, ngày hai nên không phải gấp gáp. Trẻ lười một chút, chểnh mảng một chút cũng không nên quá nặng nề. Có chăng là các em cuối cấp như lớp 9, lớp 12 sẽ cần tập trung hơn cho bài vở để chuẩn bị cho các kỳ thi sắp tới".
Theo kế hoạch thời gian năm học 2017-2018 của TPHCM, học sinh các bậc học ở thành phố sẽ nghỉ Tết đến hết ngày 23/2/2018 (tức mùng 8 tháng Giêng). Tuy nhiên, ngày đi học lại vào mùng 9 sẽ trùng vàp ngày cuối tuần nên bắt đầu từ thứ 2 (ngày 11 tháng Giêng) học sinh mới chính thức quay lại lớp. Thời gian nghỉ Tết của học sinh kéo dài 16 ngày.
Tác giả: Hoài Nam
Nguồn tin: Báo Dân trí