Giới đầu tư đổ về Nghi Trường (Nghi Lộc) săn đất. Ảnh: CTV |
Theo ghi nhận của Nhadautu.vn, ở những xã vùng ven TP.Vinh, cơn sốt đất nền đã diễn ra từ cuối quý I/2021 và thực sự bùng phát từ cuối quý IV/2021, đầu quý I/2022 khi dịch COVID-19 cơ bản được không chế và mọi hoạt động trở lại trong trạng thái bình thường mới.
Tại các xã vùng ven TP.Vinh như Nghi Đức, Nghi Ân, Nghi Phong, Nghi Thái, Nghi Trường, Hưng Lộc, Hưng Đông… giá sang tên, chuyển nhượng đất nền cũng tăng từ 100% đến 300% chỉ trong một thời gian ngắn. Nhiều lô đất tước đó có giá có giá khoảng 6-9 triệu đồng/m2 thì nay có giá giao động từ 10-20 triệu đồng/m2 tùy vào vị trí.
Thậm chí, có những lô đất ở các xã như Nghi Phong, Nghi Nghi Đức, Nghi Ân (TP.Vinh) hay các xã Nghi Xuân, Nghi Trường (Nghi Lộc), cơn sốt đất diễn ra đầu quý I/2022 đã giúp không ít người kiếm được vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng chỉ trong vài ngày lướt sóng.
Việc nhiều người giàu lên nhanh chóng từ những thương vụ lướt sóng các giao dịch BĐS, kết hợp với những chiêu trò thổi giá của giới cò đất theo hiệu ứng đám đông đã kéo rất nhiều nhà đầu tư thử vận may. Nhiều người sẵn sàng cầm cố tài sản để đầu tư. Tuy nhiên, khi thị trường bất động sản có dấu hiệu chững lại, không ít nhà đầu tư bị "kẹp hàng", hoặc phải chấp nhận bỏ cọc.
Nhiều nhà đầu tư đã bỏ cọc để tránh rủi ro khi các giao dịch đất nền có xu hướng chững lại |
Bỏ cọc, tránh rủi ro
Hiện tại đã không còn cảnh mua đi bán lại tấp nập như thời điểm cách đây vài tháng. Đất tại các vùng như Nghi Thái có giá giao động từ 10-13 triệu đồng/m2, Nghi Phong 12-20 triệu đồng/m2, Nghi Trường 6-10 triệu đồng/m2… nhưng giao dịch thật rất ít, và hiện tượng bỏ cọc bắt đầu xuất hiện.
Anh Phan Nam, một nhà đầu tư đến từ phường Hà Huy Tập (TP.Vinh) cho hay: "Giữa tháng 3/2022, tôi có đặt cọc một lô đất có diện tích 200m2 tại xã Nghi Xuân với giá 8,2 triệu đồng/m2, số tiền đặt cọc là 100 triệu đồng và một lô tại Nghi Phong với số tiền đặt cọc tương tự. Thời hạn đặt cọc là 15 ngày, gia hạn thêm 5 ngày. Nếu như vào thời điểm này năm trước, với 2 lô đất đó, tôi có thể thu về số tiền không dưới 500 triệu đồng. Tuy nhiên vừa qua, tôi chấp nhận mất 200 triệu đồng tiền đặt cọc vì sau gần 1 tháng đăng tải không thấy khách hàng nào hỏi mua’.
Theo anh Nam, trong cơn sốt đền nền, có những người giàu lên nhanh chóng nhưng cũng không ít người tiêu tan tài sản.
Anh Nguyễn Hồng Quân, một môi giới BĐS tại Nghi Ân, TP.Vinh chia sẻ nhiều nhà đầu tư lướt sóng chịu thiệt hại thời gian qua. "Bản thân tôi dù đã có thâm niên hơn 2 năm bước vào lĩnh vực này nhưng vừa qua cũng đã thua lỗ 150 triệu đồng do bỏ cọc lô đất 200m2 ở Nghi Ân sau khi không có người mua", anh Quân nói.
Một sàn giao dịch tại xã Nghi Phong - nơi từng là tâm điểm trong cơn sốt trên đường 72 đóng cửa im lìm |
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, việc hệ thống hạ tầng kỹ thuật, giao thông, đô thị được đầu tư, phát triển nhanh giúp đẩy tăng giá trị của đất đai, đấy là nguyên lý của thị trường. Thế nhưng, mức tăng giá đất hiện nay đang không tương xứng với mức độ tăng đầu tư. Tức là giá trị BĐS sẽ tỷ lệ thuận với việc đầu tư, nhưng trong trường hợp đầu tư tăng 1 mà giá tăng 3 - 4 lần là bất hợp lý. Sự tăng giá mạnh của nhà đất trong thời gian ngắn là không đúng với giá trị thật và tiềm ẩn nguy cơ bong bóng.
Nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này là nguồn cung các dự án khan hiếm trong khi lực cầu thị trường mạnh. Song không ít cầu "ảo" đến từ đầu cơ, không hẳn là cầu thật với nhu cầu ở thực, được đưa vào sử dụng, kinh doanh lâu dài. Các dòng vốn đang chảy vào BĐS hiện tại chủ yếu vẫn mang tính chất đầu tư tài chính ngắn hạn lấy lãi, đầu tư "lướt sóng".
"Người đầu tư thật ít tham gia mà phần lớn là cò đất bán đi bán lại qua tay, tạo ra hiện tượng nóng, sốt đất, nhưng người mua thật không nhiều. Các nhà đầu tư cũng nghe ngóng và rút kinh nghiệm từ đợt sốt đất đầu năm 2021, khi nhiều người chạy theo phong trào và đã chịu lỗ", ông Nguyễn Văn Đính chia sẻ.
Tác giả: Sỹ Tân
Nguồn tin: nhadautu.vn