Abd-al-Rahman III (891-961), vương công của Cordoba (nay thuộc Tây Ban Nha) là một trong những người quyền lực nhất thế kỷ 10. Không chỉ sở hữu đội quân hùng mạnh, ông còn cho xây dựng nhiều cung điện, sưu tập vô số sách và có đến hai hậu cung. Tuy nhiên, Abd-al-Rahman III vẫn không thấy đủ. Ông hoàng quyết định đếm số ngày bản thân thấy hạnh phúc và con số này dừng lại ở 14.
Vương công Abd-al-Rahman III giàu có vô cùng, song tự nhận hạnh phúc chỉ có 14 ngày. Ảnh: civilization-v-customisation. |
Nhà thơ Brazil Vinicius de Moraes mô tả hạnh phúc giống như "cọng lông trong không khí. Nó bay nhẹ nhàng, nhưng chẳng được bao lâu". Hạnh phúc là một khái niệm do con người tạo nên, một ý tưởng trừu tượng không giống với bất cứ trải nghiệm thực tế nào.
Thực tế, con người không sinh ra để hạnh phúc, thậm chí là hài lòng.
Thay vào đó, chúng ta được thiết kế để sống sót và sinh sản, giống như mọi sinh vật khác trong thế giới tự nhiên. Trạng thái hoàn toàn thỏa mãn không phù hợp với quy luật tự nhiên vì nó khiến ta mất cảnh giác trước các mối đe dọa. Hơn nữa, hạnh phúc không có cơ sở thần kinh, trong khi mọi vùng não đều liên quan đến một chức năng nhất định. Quá trình tiến hóa cũng ưu tiên phát triển thùy trán (dùng để điều hành và phân tích) chứ không phải cảm xúc hạnh phúc.
Nhà soạn kịch George Bernard Shaw nói: "Chúng ta không có quyền hưởng thụ hạnh phúc nếu không tạo hạnh phúc, cũng như không có quyền hưởng thụ của cải nếu không tạo ra của cải".
Những cuốn sách, video và bài giảng về hạnh phúc thường chịu ảnh hưởng từ tôn giáo, khiến chúng ta tin rằng mọi bất hạnh mình trải qua đều xuất phát từ lỗi lầm của bản thân, ví dụ thiếu sót về mặt đạo đức, ích kỷ hay chủ nghĩa vật chất. Như thế, thông qua việc từ bỏ hoặc kìm hãm ham muốn, con người có thể đạt tới trạng thái hạnh phúc.
Những chiến lược suy nghĩ trên chỉ là thuốc chữa tạm thời cho bản chất không thể tận hưởng cuộc sống một cách nhất quán của con người. Chúng ta nên chấp nhận rằng bất hạnh không phải lỗi của mình mà do bản chất tự nhiên. Hạnh phúc, theo George Bernard Shaw, không tự dưng xuất hiện mà phải cố gắng mới đạt được.
Cảm xúc của chúng ta bị pha trộn, mâu thuẫn như mọi thứ khác trong cuộc sống. Bộ não luôn luôn tồn tại đồng thời cả cảm xúc tiêu cực lẫn cảm xúc tích cực. Cụ thể, bán cầu não phải xử lý các cảm xúc tiêu cực trong khi bán cầu não trái giải quyết cảm xúc tích cực.
Sống sót và sinh sản là những nhiệm vụ khó khăn, khiến chúng ta vật lộn và chiến đấu. Bởi thế, mô hình tranh đấu cảm xúc trên phù hợp với thực tế loài người hơn những gì các cuốn sách, video và bài giảng về hạnh phúc truyền tải. Chẳng có nỗi đau nào là bất thường. Những cảm xúc khó chịu không phải thất bại của cá nhân. Nếu bạn không hạnh phúc, đừng vội vàng sửa chữa bản thân ngay lập tức. Đó chỉ là dấu hiệu cho thấy bạn cũng là một con người.
Tác giả: Minh Trang
Nguồn tin: Báo VnExpress