Con thèm những tháng ngày xưa, khi bố như một người bạn rất gần gũi của con. Ảnh minh họa |
Trước đây, bố rất thân thiết, chiều chuộng con. Con luôn cảm thấy tự hào với bạn bè vì có người bố có thể làm bạn của con thực sự. Bố còn nhớ những tháng ngày xưa ấy, bố cùng con chơi cờ tướng, đánh bida, cõng con đi chơi, dù con không còn bé nhưng bố vẫn cặm cụi, tỉ mẩn bấm móng tay cho con.
Thế nhưng, giờ chuyện ấy đã trở thành hồi ức. Lẽ ra, lớn lên, tình yêu của bố dành cho con gái sẽ thân thiết hơn bởi con lớn lên thì 2 bố con sẽ có nhiều chuyện để nói cùng nhau. Trong tưởng tượng của con, vào các sáng cuối tuần, sẽ được bố rủ đi uống cà phê “chém gió”, hay thỉnh thoảng cùng bố đi uống bia để nói đủ thứ chuyện trên đời. Vậy mà, những việc đơn giản ấy đã không trở thành sự thật.
Mà thực tế thì giờ đây bố trở thành ông bố xa lạ, nghiêm khắc và đòi hỏi ở con rất nhiều. Đi đâu, với ai, làm gì, bao giờ về, sao đi hoài, suốt ngày ăn chơi đàn đúm… là những từ được bố nói nhiều nhất khi nhìn thấy con. Con ước một lần được nghe bố nói: Thỉnh thoảng đi chơi với các bạn cũng được, chứ suốt ngày học thì căng thẳng lắm đấy!
Với mẹ thì con không hy vọng nhiều. Bởi, trước đây, con và mẹ đã không hợp nhau. Trong trí nhớ của con, con và mẹ còn không thể có cuộc trò chuyện nào với nhau quá lâu. Con không thể dốc bầu tâm sự với mẹ dù ở tuổi của con, đầy những tâm tư, ức chế, buồn bã về bạn bè, về trường lớp, thầy cô. Mẹ và con không hợp, không phải do 2 tính cách trái chiều nhau mà con nghĩ do mẹ đã không muốn tìm hiểu và lắng nghe con.
Con càng lớn, bố mẹ càng nghiêm khắc và đòi hỏi con nhiều hơn. Ảnh minh họa |
Bố mẹ biết rất rõ rằng, khi con càng lớn, con càng phải đối mặt với nhiều áp lực, mệt mỏi. Thế nhưng, thay vì hiểu con, động viên con, bố mẹ lại càng làm cho áp lực lên con nhiều hơn. Con nhiều khi không hiểu, cuộc sống của mình có những gì ngoài việc học. Suốt ngày học ở trường, buổi tối lại quay cuồng với đi học thêm, không còn cả có thời gian để…thở nữa. Vậy mà lúc nào bố mẹ cũng đòi hỏi con phải học nhiều, nhiều nữa. Áp lực từ bố mẹ khiến con phải ganh đua từng điểm, phải nhìn ánh mắt của thầy cô mà phát huy năng lực. Con thực sự cảm thấy mệt mỏi và nặng nề, bố mẹ à.
Ở tuổi của con có đủ mọi thứ chuyện, đau đầu nhất vẫn là các mối quan hệ bạn bè. Nhiều lúc chán nản, bất lực, con muốn buông xuôi mọi thứ. Những lúc chênh vênh ấy, con thèm được trở về nhà, vừa ăn cơm vừa khóc và kể cho bố mẹ nghe những uất ức của mình. Thế nhưng, thực tế thì bữa cơm 3 người vô cùng lạnh lẽo, chẳng ai nói với ai câu nào. Nếu có thì là những càm ràm của bố mẹ vì con bị điểm kém, học hành sa sút. Sao bố mẹ không một lần quan sát nét mặt, thái độ của con để đặt câu hỏi: Hôm nay con có chuyện gì buồn à? Hay bố mẹ nghĩ, ở tuổi của con thì chỉ có việc học hành thôi, cơm nước đã có bố mẹ lo hết rồi, chả có chuyện gì mà phải buồn cả? Bố mẹ có biết, những hôm xích mích, mâu thuẫn với bạn bè, con không thiết đến trường, lòng cũng không hướng về nhà. Con cảm thấy cô đơn, trống trải vô cùng. Không có ai bên cạnh để con trải lòng. Thực sự, con chỉ có một mong muốn là bố mẹ hãy hiểu con, tôn trọng con, đặt mình vào vị trí của con để biết con không phải là đứa trẻ chỉ có 1 quan tâm duy nhất là học. Con thực sự thèm được bố mẹ yêu thương đúng cách, mong bức tường ngăn cách giữa bố mẹ và con sẽ không bao giờ tồn tại nữa.
Tác giả: Đan Linh
Nguồn tin: Báo Phụ nữ Việt Nam