Bùi Thị Hoài đang học khoa văn chất lượng cao Trường ĐH Hồng Đức |
Biết mình đậu ĐH, Bùi Thị Hoài (K25, ĐH Sư phạm văn chất lượng cao - Trường ĐH Hồng Đức, Thanh Hóa) òa khóc, mừng rỡ cầm trên tay hơn 10 triệu đồng tích góp sau thời gian làm thêm, chuẩn bị cho hành trình sinh viên phía trước.
Làm công nhân, tích góp tiền đi học
Tuần thứ 3 theo học ở môi trường mới, Hoài đã bắt nhịp với cách dạy của thầy cô giáo. "Em chủ động đọc tài liệu trước khi lên lớp, tăng trao đổi với các bạn nên mọi thứ tạm ổn" - cô chia sẻ.
Để tiết kiệm chi phí, nữ sinh dân tộc Mường xin ở ký túc xá của trường. Hoài nhẩm tính, với hơn 10 triệu đồng tích góp được khi tranh thủ làm công nhân dịp hè vừa qua, cô dành trang trải cho việc học, ăn ở đầu năm học. Những tháng tiếp theo, cô vẫn phải nhờ vào sự hỗ trợ của gia đình, sau đó sẽ kiếm việc làm thêm để bớt gánh nặng cho mẹ.
Bùi Thị Hoài là chị cả trong gia đình có hai chị em ở thôn Thắng Lộc, xã Bình Lương, huyện miền núi Như Xuân (Thanh Hóa). Ở độ tuổi đẹp nhất nhưng trông Hoài đầy suy tư vì trải qua tuổi thơ không mấy êm đềm, bởi từ lúc sinh ra đến nay cô chưa từng được gọi tên người cha.
Bị bạn bè trêu chọc nhưng điều đó không khiến Hoài bật khóc. Chỉ có cái đói, cái nghèo mới trở thành nỗi ám ảnh đối với cô. Năm lớp 2, khi tham gia một chương trình thiện nguyện, Hoài không có chiếc áo nào đẹp để chụp hình cho đẹp. "Lúc đó, em cảm nhận rõ được hoàn cảnh của mình, tủi thân và thua thiệt so với các bạn" - nữ sinh bộc bạch.
Ngôi nhà tranh nơi che mưa, tránh nắng cũng là nỗi ám ảnh về cảnh nghèo khó của ba mẹ con Hoài. Vào mùa mưa bão, nước ngập lênh láng khắp sàn nhà, cột nhà bị mối mọt có nguy cơ đổ sập. Mẹ con Hoài phải khăn gói sang nhà bà ngoại tránh trú.
Trận mưa bão năm 2016 đã làm ngôi nhà đổ sập, mẹ con Hoài lâm vào cảnh màn trời, chiếu đất. Được sự hỗ trợ của Nhà nước và các tổ chức từ thiện, chính quyền địa phương đã xây dựng ngôi nhà mới cho mẹ con Hoài. Tuy chưa đủ rộng rãi, nhưng ngôi nhà mới kiên cố đủ để mẹ con Hoài yên tâm tránh trú mỗi khi mùa mưa bão về.
Càng vất vả, càng có động lực
Bà Bùi Thị Thu - mẹ của Hoài - làm phụ hồ để lo cho hai con ăn học - Ảnh: NVCC |
Vốn liếng duy nhất của mẹ con Hoài hiện giờ chỉ duy nhất một con bò sinh sản. Mỗi năm, bà Bùi Thị Thu (43 tuổi) dùng số tiền tích góp được từ trồng trọt, chăn nuôi để lo cho hai con ăn học.
Do ít ruộng cấy lúa, bà tranh thủ đi làm thuê cho người dân địa phương như nhổ cỏ mía, bóc vỏ keo. Thời gian gần đây, bà đi phụ hồ và nấu ăn cho công trình xây dựng tại tỉnh Vĩnh Phúc. Thu nhập có cải thiện, nhưng công việc vất vả lại xa nhà khiến bà lo lắng cho con gái.
"Giờ Hoài vào đại học, tôi vừa mừng vừa lo. Chỉ mong sao có sức khỏe để làm thuê lo cho hai con ăn học, rồi tích góp thêm để trả nợ ngân hàng. Hiện gia đình vẫn còn nợ khoảng 70 triệu đồng, tôi vẫn chưa xoay xở trả được" - bà Bùi Thị Thu cho biết.
Thương mẹ vất vả, Hoài luôn nỗ lực, cố gắng học tập tốt. 12 năm đến trường là hành trình vượt dốc của cô bé miền núi. Đặc biệt, suốt ba năm theo học tại Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hóa, Hoài luôn là học sinh khá, giỏi. Hoài còn mang về cho mình giải ba môn địa lý cấp tỉnh năm học lớp 12 và đạt 28 điểm ở tổ hợp C20 (chưa cộng điểm ưu tiên) tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.
Em Bùi Thị Hoài bên căn nhà của gia đình - Ảnh: NVCC |
Dịp nghỉ hè đợi kết quả xét tuyển ĐH, Hoài tranh thủ đi làm thêm tích góp tiền trang trải cho việc học hành. Hôm biết điểm thi, cô đang làm công nhân cho một công ty điện tử tại tỉnh Hà Nam.
"Hôm Trường ĐH Hồng Đức báo điểm trúng tuyển, em vừa tan ca làm công nhân ở Hà Nam, chỉ kịp òa khóc và nhớ đến mẹ, với lòng biết ơn mẹ đã vất vả suốt những năm tháng qua để em có kết quả xét tuyển ĐH năm nay.
Thời gian tới, em sẽ đăng ký đi làm gia sư để có thêm thu nhập trang trải việc học hành và dành thời gian cho các hoạt động ngoại khóa, vì cộng đồng. Trải qua những tháng ngày vất vả, em càng có thêm động lực để học tập tốt hơn trong giảng đường ĐH" - Hoài tâm sự.
Cô Nguyễn Thị Nhạn - giáo viên chủ nhiệm của Hoài khi học tại Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hóa - cho biết Hoài là học trò chăm ngoan, lễ phép. Mặc dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, bản thân hay ốm đau, nhưng Hoài rất nỗ lực trong học tập. Cô tích cực tham gia các hoạt động của lớp. Kết quả trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, Hoài cũng nằm trong tốp đầu của lớp.
Ông Lê Khắc Đông - bí thư chi bộ, trưởng thôn Thắng Lộc, xã Bình Lương, huyện Như Xuân - cho biết gia đình Hoài thuộc diện hộ nghèo, gia cảnh rất khó khăn. Mẹ của Hoài một mình nuôi hai con ăn học.
"Cách đây vài năm, Nhà nước và các tổ chức từ thiện chung tay xây cho mẹ con Hoài ngôi nhà nhỏ để che mưa, tránh nắng. Chúng tôi mong các nhà hảo tâm giúp đỡ để hai chị em Hoài tiếp tục được đi học" - ông Đông chia sẻ.
71 suất học bổng cho tân sinh viên Bắc Trung Bộ Sáng nay (12-11), tại Thanh Hóa, báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng các tỉnh đoàn Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình sẽ trao học bổng "Tiếp sức đến trường" cho 71 tân sinh viên khó khăn khu vực Bắc Trung Bộ. Tổng kinh phí chương trình hơn 1,05 tỉ đồng do Quỹ "Đồng hành cùng nhà nông" - Công ty cổ phần phân bón Bình Điền tài trợ. Mỗi suất học bổng trị giá 15 triệu đồng. Công ty TNHH Nestlé Việt Nam tài trợ quà tặng, Quỹ khuyến học Vinacam (Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam) tặng ba laptop cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn thiếu thiết bị học tập. Đây là điểm trao thứ tư trong chương trình "Tiếp sức đến trường" năm 2022 của báo Tuổi Trẻ. Dự kiến chương trình học bổng năm nay dành cho hơn 1.000 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn cả nước với tổng kinh phí trên 15 tỉ đồng từ sự đóng góp của rất nhiều cá nhân, đơn vị và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ. |
|
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Tác giả: N. TOÁN
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ