Trình độ và chuẩn giáo viên là điều được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận trong phiên góp ý về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV chiều 11/6.
Đại biểu Y Nhàn (đoàn Kon Tum) đánh giá dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung theo hướng chuẩn hóa trình độ bằng cấp của các bậc giáo dục theo yêu cầu ngày càng cao đó là việc cần thiết. Tuy nhiên, quy định giáo viên tiểu học có bằng tốt nghiệp ĐH sư phạm là cao.
Đại biểu Y Nhàn (đoàn Kon Tum) |
“Giáo viên có bằng cấp, tri thức là quan trọng nhưng để chuyển tải tri thức cho người học tiếp nhận được cũng là một yếu tố không kém phần quan trọng, điều đó phụ thuộc vào nghiệp vụ, kỹ năng, phương pháp của mỗi nhà giáo. Thực tế cho thấy có những nhà giáo trình độ, tri thức cao và sâu nhưng khi giảng dạy thì người học khó hiểu và khó tiếp thu”.
Bởi vậy, bà đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo luật những quy định cụ thể cũng như nội dung của việc bồi dưỡng rèn luyện nghiệp vụ, kỹ năng, phương pháp giảng dạy.
Đại biểu Ngô Thị Kim Yến (đoàn TP Đà Nẵng) |
Đại biểu Ngô Thị Kim Yến (đoàn TP Đà Nẵng) cho hay, dự thảo luật theo hướng nâng cao chuẩn đào tạo của nhà giáo đối với giáo viên tiểu học từ có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm lên có bằng tốt nghiệp ĐH sư phạm, nội dung này đã được đề cập trong Nghị quyết 29 năm 2013. Tuy nhiên, đến nay sau 5 năm theo báo cáo của Bộ GD-ĐT thì hiện vẫn còn khoảng 160.000 giáo viên tiểu học (chiếm trên 40% tổng số giáo viên tiểu học) có trình độ CĐ trở xuống cần được bồi dưỡng đào tạo nâng chuẩn.
“Vậy liệu rằng chúng ta có thời gian và điều kiện, cơ sở đào tạo để hoàn thành việc này không. Vấn đề này sẽ tác động rất lớn về mặt xã hội, làm thiếu hụt số lượng giáo viên, hơn nữa hiện nay các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa đang thiếu giáo viên. Đặc biệt trong bối cảnh sắp đến triển khai chương trình, SGK mới thì nhu cầu với đội ngũ giáo viên càng lớn hơn. Trong đó giáo dục các môn học như mỹ thuật, âm nhạc cũng yêu cầu có bằng tốt nghiệp ĐH sư phạm, liệu rằng có phù hợp không?”
Đại biểu Cao Thị Giang (đoàn Quảng Bình) |
Đại biểu Cao Thị Giang (đoàn Quảng Bình) góp ý cần quy định rõ thời hạn áp dụng bắt đầu từ năm nào để các giáo viên chưa đạt chuẩn có thời gian hoàn thiện bằng cấp đáp ứng yêu cầu.
Cũng theo dự thảo luật quy định có bằng tốt nghiệp ĐH sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp ĐH và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với giáo viên THCS.
"Tôi đề nghị sửa đổi theo hướng chỉ nên quy định có bằng tốt nghiệp ĐH sư phạm đối với giáo viên THCS. Bởi những học sinh từ đầu đã không chọn ngành sư phạm nghĩa là không thích công việc này, họ sẽ không yêu nghề, để tránh tình trạng hiện nay một bộ phận giáo viên có thái độ, hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của học sinh. Hơn nữa, hiện nay các trường đại học sư phạm đào tạo đáp ứng đủ, thậm chí còn thừa”, bà Giang nói.
Đại biểu Triệu Thanh Dung (đoàn Cao Bằng) băn khoăn cách thức thực hiện quy định này.
Đại biểu Triệu Thanh Dung (đoàn Cao Bằng) |
“Theo thông tin của Bộ GD-ĐT hiện nay còn khoảng 238.908 giáo viên cần được đào tạo, đây là một con số không nhỏ. Khi luật được ban hành thì hàng loạt giáo viên phải đi học để nâng chuẩn, trong đó có rất nhiều giáo viên vùng sâu, vùng xa riêng việc di chuyển đi lại để học tập đã rất tốn kém. Hơn nữa, việc đi học hàng loạt như vậy có đảm bảo chất lượng thực sự hay không hay chỉ học hình thức và chạy theo bằng cấp. Mặt khác hiện nay cả nước có 49 trường cao đẳng sư phạm, 41 trường trung cấp sư phạm với quy mô đào tạo khoảng trên 57.000 sinh viên. Theo quy định của luật sẽ không tuyển thêm giáo viên có trình độ cao đẳng trở xuống. Như vậy, các sinh viên đang học tại các trường này, trừ các sinh viên học khoa mầm non, dù chưa tốt nghiệp đã đương nhiên thất nghiệp hoặc không xin được việc làm đúng nghề nếu không tiếp tục học lên ĐH”.
Về lộ trình thực hiện nâng chuẩn, Bộ có thông tin là đối với những giáo viên chưa đạt chuẩn còn thời gian công tác từ 5 năm trở lên thì phải đào tạo để nâng chuẩn. Theo bà Dung, thời gian quy định như vậy là hơi ngắn.
“Ví dụ những người có thời gian công tác còn lại là 6 năm vẫn phải đi học mất khoảng 2-3 năm để có bằng ĐH. Nhưng sau khi học xong thì chỉ còn thời gian công tác khoảng 2-3 năm nữa, như vậy việc đi học tốn kém mà không đem lại nhiều hiệu quả. Vì vậy, tôi đề nghị nâng thời gian công tác từ 8-10 năm trở lên thì mới phải đào tạo để nâng chuẩn”.
Ảnh: Minh Đạt
Tác giả: Thanh Hùng
Nguồn tin: Báo VietNamNet