Giáo dục

Có nên bỏ chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm?

Đại diện các trường đại học đề xuất nên bỏ chính sách miễn học phí cho sinh viên ngành sư phạm, thoát khỏi vòng luẩn quẩn của cơ chế "xin - cho" để nâng cao chất lượng đào tạo.

Hội thảo Tác động của chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm đến chất lượng tuyển sinh và đào tạo giáo viên diễn ra sáng 13/12 tại TP.HCM, nhận được nhiều ý kiến tranh luận về việc có nên duy trì chính sách miễn học phí cho sinh viên ngành sư phạm.

'Phải bỏ ngay'

Ông Đỗ Văn Dũng - hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM - thẳng thắn đề nghị: "Phải bỏ ngay lập tức chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm".

Lý giải về đề xuất này, ông Dũng cho biết việc cấp bù quá ít khiến các trường đào tạo sư phạm rất khó khăn, không đủ nguồn lực để đào tạo "ra ngô, ra khoai". Từ đó dẫn đến sự bất công khi trường phải lấy học phí của những sinh viên không học sư phạm để "nuôi" những sinh viên theo học sư phạm.

Mặt khác, theo hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của người dân Việt Nam đã khá hơn. Với các gia đình ở nông thôn, vấn đề họ lo lắng là việc làm sau khi ra trường, không phải học phí.

Ông Dũng dẫn ngay trường hợp của ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM. Trường đang đào tạo 13 ngành, trong đó có một ngành sư phạm ngôn ngữ Anh, còn lại là sư phạm kỹ thuật. Mỗi năm trường nhận được 5-8 tỷ đồng cấp bù sư phạm, vì không đủ nên thực tế phải bù lỗ đến 30 tỷ đồng.

Không dễ để bỏ ngay

Đồng ý với đề xuất bỏ chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm của ông Dũng, nhưng nhiều đại biểu cho rằng bỏ ngay rất khó, phải có lộ trình cụ thể và chính sách khác đi kèm.

PGS.TS Lê Văn Tiến - hiệu trưởng Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP.HCM - cho rằng để tiến tới việc bỏ chính sách miễn học phí cho sinh viên ngành sư phạm, cần có lộ trình thích hợp và phải nghiên cứu trên bức tranh toàn thể.

PGS.TS Lê Văn Tiến đồng tình với ý kiến bỏ chính sách miễn học phí đối với sinh viên sư phạm.


Theo ông Tiến, việc bỏ chính sách trên cần các điều kiện như đổi mới cơ chế tuyển dụng, chính sách lương bổng, mới hy vọng thu hút được người giỏi học sư phạm.

"Tôi cam đoan trong số 100 giáo viên chỉ có vài ba người tâm huyết, sẵn sàng hy sinh vì nghề. Bản thân tôi từng là người tâm huyết, có một thời say mê với nghề, nhưng tôi không thể sống với đồng lương tiến sĩ chỉ 4-5 triệu đồng mỗi tháng" - ông Tiến nói.

PGS.TS Nguyễn Thám (Đại học Sư phạm, Đại học Huế) cũng đề nghị xem lại chính sách cấp bù sư phạm trong bối cảnh ngày nay.

"Nếu nhìn bức tranh sinh viên sư phạm ra trường khó xin việc, thậm chí thất nghiệp và nguồn ngân sách đầu tư cho việc cấp bù sư phạm thì chúng ta không khỏi băn khoăn về sự lãng phí này", ông Thám cho biết.

Ngược lại, PGS.TS Nguyễn Kim Hồng - nguyên hiệu trưởng ĐH Sư phạm TP.HCM - bày tỏ băn khoăn với đề xuất bỏ chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm.

Ông Hồng cho biết hiện nay, tỷ lệ sinh viên khu vực nông thôn vào trường sư phạm vấn chiếm tỷ lệ cao. Nhưng học phí vẫn là một phần nhỏ so với những chi phí khác sinh viên phải bỏ ra hàng năm khi theo học.

"Vì vậy, học phí không phải vấn đề quyết định sinh viên có vào sư phạm hay không mà phải là chính sách khác nữa", ông Hồng nói.

Ảnh: M.T

Tác giả: Minh Nhật

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok