Thế giới

'Cỗ máy chiến tranh' khổng lồ của Mỹ ở gần Triều Tiên

Quân đội Mỹ hiện diện hùng hậu khắp Đông Bắc Á và Thái Bình Dương, đặc biệt là ở Nhật và Hàn Quốc. Trong bối cảnh Triều Tiên đe dọa sẽ tấn công tên lửa lãnh thổ của Mỹ ở Thái Bình Dương là Guam, cùng xem Mỹ duy trì bao nhiêu quân sát Bình Nhưỡng.

Nhật

Theo Guardian, số lượng quân nhân Mỹ có mặt ở Nhật nhiều hơn bất kể quốc gia nào khác. Theo dữ liệu Bộ Quốc phòng Mỹ, hiện có 39.354 quân nhân nước này đang đóng ở khắp 112 căn cứ có từ thời Thế chiến II khi quân Mỹ chiếm đóng Nhật.

Máy bay Mỹ tại căn cứ ở Okinawa, Nhật (Ảnh:EPA)

Hồi tháng 4, không quân Mỹ đã dàn hàng nhiều trực thăng, chiến đấu cơ chiến lược và máy bay trinh sát trên đường băng tại căn cứ không quân Kadena ở Nhật nhằm biểu dương sức mạnh trước Triều Tiên.

Tuần trước, Nhật đã diễn tập trên không với hai máy bay có khả năng mang bom hạt nhân B-1B Lancer của Mỹ ở gần Bán đảo Triều Tiên.

Đa phần quân Mỹ ở Nhật là đóng ở đảo Okinawa, cách phần còn lại của Nhật 640km.

Hạm đội 7

Đặt trụ sở chính ở Nhật, hạm đội 7 là đơn vị lớn nhất của hải quân Mỹ được điều động. Hạm đội 7 có 50-70 tàu, tàu ngầm và 140 máy bay, xấp xỉ 20.000 thủy thủ làm nhiệm vụ ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Hiện, siêu tàu sân bay chạy bằng hạt nhân USS Ronald Reagan đang được triển khai thường trực tại Yokosuka, Nhật. Tàu này giữ nhiệm vụ là tàu chỉ huy của hạm đội.

Trực thuộc hạm đội 7 còn có tới 14 tàu khu trục và tuần dương có thể làm nhiệm vụ bất cứ lúc nào.

Một số tàu được trang bị các lá chắn tên lửa đạn đạo, tên lửa tấn công tầm xa Tomahawk và tên lửa chống hạm. Ngoài ra, còn có 12 tàu ngầm chạy bằng hạt nhân cũng đang sẵn sàng làm nhiệm vụ.

Hàn Quốc

Sau Nhật, Đức với 34.805 quân Mỹ, Hàn Quốc là quốc gia thứ ba có nhiều quân Mỹ hiện diện, với 23.468 binh sĩ đang làm nhiệm vụ ở 83 điểm.

Mỹ cũng duy trì hơn 300 xe tăng, gồm cả loại siêu mạnh là M1 Abrams và nhiều xe bọc sắt tại Hàn Quốc.

Được lập ra vào năm 1957 như một bức tường chắn với Triều Tiên, Lực lượng Mỹ Hàn Quốc (USFK) cho hay, nhiệm vụ của họ là ngăn chặn xâm lược và trong trường hợp cần thiết là bảo vệ Hàn Quốc.

Tháng 4 vừa qua, Mỹ đã lắp đặt hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc với mục đích dùng các tên lửa đánh chặn tiêu diệt các tên lửa đang lao tới khi nó mới bay được nửa hành trình.

Guam

Hiện, mọi chú ý đều đổ dồn về Guam, lãnh thổ của Mỹ ở tây Thái Bình Dương. Hòn đảo rộng 544 km vuông với 162.000 dân tính đến 2015, nằm cách Bình Nhưỡng 3.379km. Trên đảo Guam hiện có 3.831 quân nhân và đa phần đảo này do lực lượng vũ trang kiểm soát.

Theo AP, hiện có hai căn cứ quân sự lớn của Mỹ trên đảo Guam. Đó là căn cứ không quân Andersen ở phía bắc và căn cứ hải quân Guam ở phía nam.

Căn cứ hải quân Guam là cảng nhà của 4 tàu ngầm tấn công siêu nhanh chạy bằng hạt nhân và hai tàu ngầm thường.

Tại căn cứ không quân Andersen lại có một phi đội trực thăng của hải quân và một số máy bay ném bom thường được luân chuyển giữa Guam với đất liền của Mỹ.

Ở căn cứ Andersen, có hai đường băng dài 3 km cho máy bay và một kho nhiên liệu, vũ khí lớn. Ngoài ra, có 7.000 quân nhân thường xuyên có mặt ở Guam.

Thái Lan, Philippines và Singapore

Mỹ duy trì một lượng quân nhỏ hơn ở khắp các nước Đông Nam Á, gồm cả 5 căn cứ ở Philippines. Hải quân Mỹ cũng có kế hoạch vận hành 4 tàu chiến ở Singapore. Thái Lan cũng cho phép Mỹ sử dụng đường băng sân bay ở nước này.

Hawaii

Có gần 40.000 quân nhân Mỹ đang đóng ở Hawaii, bang gần Bán đảo Triều Tiên nhất.

Hawaii cũng là nơi có trụ sở chính của Bộ chỉ huy Thái Bình Dương, vốn chịu trách nhiệm về khoảng 1/2 bề mặt trái đất, gồm cả toàn bộ khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ở Hawaii, hiện có 375.000 binh sĩ và nhân viên quân sự, 200 tàu và hơn 1.000 máy bay.

Tác giả: Hoài Linh

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok