Cô bé mắc bệnh lạ năm xưa đã thành thiếu nữ
4 năm trước, Báo Gia đình & Xã hội đã viết về cô bé mắc bệnh lạ Vừ Thịnh Xuân (tức Vừ Thị Xay), khi đó 13 tuổi, dân tộc Mông, ở thôn Đoàn Kết (xã Sủng Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang), sống với bà và em gái cút côi trong nghèo khó.
Bé Vừ Thịnh Xuân 4 năm trước. Ảnh: H.D |
Bé Xuân được cô giáo Nguyễn Minh Nguyệt, Giảng viên trường CĐSP Hà Giang, phát hiện hoàn cảnh đáng thương sau 4 năm mắc bệnh lạ. Quanh cổ và nách của em đầy những vết lở lói đang lan rộng, những vòng loét sâu khủng khiếp. Chính giữa hõm cổ của con là một vết sẹo như sẹo bỏng, bé bảo đó là vết lở loét đầu tiên bị từ hồi lớp 3, mấy năm sau khỏi thì thành sẹo như thế.
Từ đó, Báo Gia đình & Xã hội đã kêu gọi cộng đồng giúp đỡ bé Xuân chữa bệnh để tiếp tục được đi học. Nhóm từ thiện Thiện Tâm (TP Hà Giang) – đại diện là anh Hoàng Hải - đã trực tiếp đưa đón Xuân đi chữa bệnh, theo dõi sự tiến triển bệnh tình của Xuân.
Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi Trung ương xác định Xuân bị bệnh lao da. Từ đó em được điều trị bệnh theo đúng phác đồ. Sau gần 2 tháng khám, chữa tại Bệnh viện Quân đội 108, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Lao và bệnh phổi Trung ương, Bệnh viện Đa khoa Hà Giang, Bệnh viện Lao và bệnh phổi Hà Giang, Xuân đã ổn định sức khỏe nhưng di chứng để lại là những vết sẹo khá nhiều. Việc này khiến Xuân hay mặc cảm.
Quá trình điều trị bệnh cho Xuân đợt ấy khá tốn kém, chưa kể các khoản phụ phí khác, tiền ăn uống hàng ngày và một người đi kèm khoảng 200.000 đồng/ngày… Tất cả chi phí hoàn toàn do các nhà hảo tâm ủng hộ qua Nhóm Thiện Tâm.
Chị em Xuân mồ côi bố, mẹ đi lấy chồng. Ở vùng cao, phụ nữ đi lấy chồng khác phải để con lại và tách hẳn khỏi nhà chồng cũ, vì thế chị em Xuân côi cút bên bà nội và người chú. Ngoài đi học, hai chị em về nhà còn se lanh dệt vải, chăn nuôi lợn, gà, phụ chú kiếm sống.
Từ khi được các nhà từ thiện và thầy cô giáo, bạn bè quan tâm, Xuân đã khỏe mạnh và tươi vui trở lại. Học hết cấp 2, Xuân đã được lên cấp 3 huyện Đồng Văn học tiếp. Cũng từ ngày thoát khỏi nỗi đau bệnh tật, Xuân học hành chăm chỉ và khá thông minh. Xuân tích cực học tiếng phổ thông, giờ đã nghe nói tiếng Kinh tốt hơn nhiều. Con bảo cố gắng học là bởi “con rất biết ơn những người tốt đã giúp con chữa bệnh trở về đi học”.
17 tuổi, Xuân vẫn bé nhỏ, nhưng nhanh nhẹn hoạt bát hơn, đôi mắt sáng và khuôn mặt xinh xắn toát lên vẻ tự lập của cô con gái thiếu sự quan tâm của mẹ. Được cộng đồng giúp đỡ nên cuộc sống của Xuân đỡ khó khăn hơn, Xuân đang thực hiện lời hứa với các nhà hảo tâm là học hành tốt, sau này làm nghề y giúp bà con dân tộc chữa bệnh.
Vừ Thịnh Xuân mùa hè năm 2018 đã thành thiếu nữ, đang rất lo lắng vì đột ngột "bị" đi lấy chồng. Ảnh: H.G |
Một mùa hè quá nhiều lo lắng
Nhưng không ai ngờ biến cố lại đến với Vừ Thịnh Xuân, con đường đi học có thể đóng lại vì Xuân phải đi lấy chồng. Xuân bảo, ở miền núi đang đi học mà bỏ về lấy chồng là không bao giờ được trở lại trường học nữa.
Do bị mất số điện thoại của anh Hoàng Hải - thành viên của Nhóm từ thiện Thiện Tâm ở TP Hà Giang, người trực tiếp đưa Xuân đi chữa bệnh và nhận cô làm con gái nuôi - nên Xuân liên hệ với Báo Gia đình & Xã hội. Ngay lập tức phóng viên "Vòng tay Nhân ái" đã liên lạc với anh Hải để thông tin về sự việc.
Anh Hoàng Hải kể, 4 năm trước anh em trong Nhóm Thiện Tâm đã lo tất cả thủ tục từ kêu gọi ủng hộ, làm việc với chính quyền địa phương để làm thẻ bảo hiểm chữa bệnh, đưa đón Xuân đi chữa bệnh tới khi khỏi mới trở về nhà. Ngày đưa con về với gia đình, con thỏ thẻ nguyện vọng được làm con nuôi của anh và anh đã vui lòng nhận Xuân làm con gái nuôi.
2 năm sau đó, khi Xuân học cấp 2, hàng tháng anh Hải vẫn gửi hỗ trợ con 200 ngàn đồng hoặc thùng mì tôm. Mùa khai giảng thì anh lại mua quần áo, cặp sách… cho Xuân. Nhờ vậy, cuộc sống của Xuân ở trường bán trú khá ổn định.
Tới khi Xuân vào lớp 10, nhóm từ thiện của chị Hồng Hạnh đã trao cho Xuân suất học bổng 500 ngàn đồng/tháng. Từ đó, anh Hải không phải lo hỗ trợ tiền học cho Xuân. Năm Xuân học lớp 11, suất học bổng không còn, anh Hải lại tiếp tục hỗ trợ cho con ăn học.
Thời gian này gia đình Xuân xảy ra nhiều chuyện. Khi Xuân có bệnh thì người chú chưa lấy vợ nên hai chị em Xuân cũng được chú chăm lo. Sau khi Xuân chữa khỏi bệnh trở về, người chú lấy vợ, sinh được hai em bé nên thời gian chăm lo cho cháu cũng không nhiều. Khi Xuân học cấp 3 ở trường nội trú huyện thì cô em gái đang học dở cấp 2 ở nhà phải thôi học, sang Trung Quốc làm thuê.
Lâu không thấy Xuân liên lạc, anh Hải cứ tưởng con bận thi, bận học. Tới khi phóng viên Báo Gia đình & Xã hội thông tin, anh mới biết Xuân có nguy cơ phải bỏ học để đi lấy chồng.
Chia sẻ với báo Gia đình và Xã hội, anh Hoàng Hải bày tỏ sự xót xa vì Xuân tuy đã là thiếu nữ nhưng còi cọc như trẻ 13 tuổi dưới xuôi. Xuân kể, vừa rồi, khi em rời trường nội trú ở Đồng Văn về nhà nghỉ hè thì nghe bà và chú bảo đi lấy chồng – một người đàn ông Xuân chưa hề biết mặt. Bên nhà chồng cũng đã mang mấy con gà và ít sính lễ sang nhà Xuân làm lễ ăn hỏi, rồi đón Xuân về nhà chồng luôn. Tuy nhiên, sau một ngày đêm về nhà chồng, Xuân đã trốn đi tìm người giúp đỡ và gọi cho báo nhờ giúp đỡ.
Anh Hải cho biết, Xuân đã không còn bố, mẹ thì bỏ đi. Anh đã cùng vợ là chị Đỗ Thị Thủy (Trưởng khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Hà Giang) đã chăm lo, hỗ trợ Xuân suốt 4 năm qua. Giờ vợ chồng anh cũng muốn giúp con thêm chút nữa. Anh chị nói nhà mình là ngôi nhà thứ hai để Xuân muốn là có thể đến lúc nào cũng được. Nếu Xuân muốn, anh chị có thể đón con về ở với gia đình thời gian hè để Xuân lấy lại tinh thần và tránh sức ép phải đi lấy chồng cho tới khi trở lại trường.
Các nhà từ thiện ở Hà Giang cũng động viên anh Hoàng Hải lên Sủng Là nói chuyện với gia đình Xuân, để cho Xuân tiếp tục đi học. Các nhà hảo tâm cũng sẵn sàng hỗ trợ Xuân học hết lớp 12, học thêm một cái nghề, đợi sức khỏe tốt hơn rồi mới đi lấy chồng. Tất cả mọi người đều mong cái tên Vừ Thịnh Xuân sẽ đem lại cho cô bé một “mùa xuân hạnh phúc” sau tất cả những gian khổ đã qua.
Tác giả: Uyển Hương
Nguồn tin: Báo Gia đình và Xã hội