Là bóng hồng duy nhất của đội ngũ lái tàu ĐSĐT tuyến Nhổn - Ga Hà Nội, Nguyễn Thị Hải luôn khiến cánh mày râu phải ngả mũ thán phục trước quyết tâm và bầu nhiệt huyết ít ai sánh bằng.
Ước mơ cầm lái
4 giờ sáng, khi mọi người còn đang say giấc, Nguyễn Thị Hải đã sẵn sàng cho hành trình của ngày mới trên chuyến tàu mang số hiệu 02 của tuyến ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội. Sau khi hoàn thành quy trình an toàn bắt buộc, chị bước vào cabin điều khiển tàu, đôi mắt sáng ngời vẻ tự tin lướt trên bàn điều khiển.
Nữ lái tàu Nguyễn Thị Hải trong ca làm việc. Ảnh: Ngọc Trang |
Nguyễn Thị Hải cho biết, chị đã thuộc nằm lòng từng nút bấm, quen tay lập trình từng vị trí. “Để làm được như vậy tôi phải học tập miệt mài trong suốt 3 năm. Từng thao tác kỹ thuật phải được ôn luyện hàng ngày, diễn tập cả nghìn lần. Cho đến hôm nay, dường như giữa tôi và con tàu đã có một sự gắn bó rất dịu dàng mà đầy hứng khởi, khó có thể giải thích bằng lời” - chị Nguyễn Thị Hải nói.
Hành trình đến với ĐSĐT của cô gái 28 tuổi quê Chương Mỹ (Hà Nội) có thể xem như một mối duyên tiền định. Trước khi đến với nghề lái tàu, Nguyễn Thị Hải đã có quãng thời gian gắn bó với nghề giáo. Cô gái nhỏ nhắn đó đã có bằng cử nhân sư phạm, và đang làm trợ giảng tại Trường Đại học Sư phạm 2 (Vĩnh Phúc).
Tình cờ đọc được thông tin tuyển dụng nhân viên lái tàu của Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro), Nguyễn Thị Hải quyết định nộp đơn ứng tuyển và dễ dàng vượt qua các buổi kiểm tra, trở thành người phụ nữ duy nhất được tuyển dụng, đào tạo làm lái tàu ĐSĐT.
Ban đầu những kiến thức chị có được về máy móc, kỹ thuật, đặc biệt với công nghệ vô cùng hiện đại của ĐSĐT chỉ là con số 0. Điều duy nhất giúp chị tự tin là ước mơ cháy bỏng được trở thành một trong những lái tàu tiên phong của ĐSĐT, trở thành mảnh ghép dù nhỏ nhưng thật hữu dụng trong hệ thống giao thông thông minh, hiện đại của Thủ đô.
Nguyễn Thị Hải bồi hồi nhớ lại: “Gia đình, người thân đều lo lắng cho tôi, sợ rằng nữ giới khó mà được tuyển dụng làm lái tàu - nghề vốn vẫn ưu tiên cho nam giới. Ngày dự tuyển, xung quanh toàn các bạn nam cũng khiến tôi khá áp lực, nhưng quyết tâm thì không hề giảm sút. Thật may sao tôi đã trúng tuyển”.
Chị Hải cười hồn nhiên khi nói về may mắn. Nhưng nghề lái tàu ĐSĐT, chịu trách nhiệm với sự an toàn của hàng nghìn hành khách mỗi ngày không có chỗ cho sự may mắn.
Chánh Văn phòng Hanoi Metro Nguyễn Trung Kiên cho hay: “Quy trình tuyển dụng, đào tạo lái tàu ĐSĐT vô cùng chặt chẽ, đòi hỏi những người dự tuyển phải có tố chất nổi trội về trí tuệ, năng lực và đặc biệt là tinh thần trách nhiệm, cống hiến vì cộng đồng”.
Ông Nguyễn Trung Kiên cũng khẳng định, chị Nguyễn Thị Hải hay bất cứ ai trúng tuyển vào vị trí lái tàu đều có thể xem là những tinh anh của Công ty, hơn nữa còn là đội ngũ tiên phong trong ngành vận tải ĐSĐT.
Ngày nhận kết quả trúng tuyển, vỡ òa trong niềm vui và tự hào nhưng chị cũng cảm nhận được mình đã khởi đầu một chặng đường mới đầy thử thách, đòi hỏi bản thân phải nỗ lực không ngừng để song hành với các đồng nghiệp nam vốn có nhiều lợi thế hơn về sức khỏe, cuộc sống.
Chị lao vào học, chắt chiu từng ngày, từng giờ trên giảng đường, nhất là những tiết học thực tế trong buồng lái. 3 năm bền bỉ, vững vàng trước mọi gian nan, thử thách, chị Nguyễn Thị Hải đã được đền đáp xứng đáng, trở thành nữ lái tàu ĐSĐT đầu tiên và duy nhất của Hà Nội.
Hạnh phúc với lựa chọn của mình
Chị Nguyễn Thị Hải khẳng định: “Tôi hạnh phúc với lựa chọn của mình!”. Với đặc thù cả về công việc và giới tính, không thể tránh khỏi những khó khăn nhất định. Nhưng chị Hải luôn nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ từ các đồng nghiệp. “Mình như em út trong một đại gia đình với nét văn hóa xuyên suốt là sẻ chia, lành mạnh, tươi vui”.
Chị Nguyễn Thị Hải hạnh phúc với sự lựa chọn nghề nghiệp của mình. |
Không chỉ quan tâm, hướng dẫn về công việc mà tập thể lãnh đạo, cán bộ, đồng nghiệp trong Công ty còn chăm lo cho nhau đủ đầy cả về đời sống vật chất và tinh thần. Vốn là nữ giới nên những ngày lễ trong năm, chị Hải cùng các đồng nghiệp nữ đều nhận được sự quan tâm trân trọng, thiết thực từ Công ty và nửa kia của “đại gia đình”.
Với những ngày làm việc bình thường, Công ty chủ động bố trí nơi ăn, chốn nghỉ tươm tất như ở nhà. “Công ty còn thường xuyên tổ chức các sự kiện văn hóa, văn nghệ, thể thao, tạo sân chơi cho mỗi người được tự thể hiện bản thân, vun đắp một môi trường làm việc hòa đồng, tươi trẻ. Tôi thật sự hãnh diện vì được khoác lên mình bộ đồng phục của Hanoi Metro” - chị Nguyễn Thị Hải chia sẻ.
Bên cạnh niềm vui, nữ lái tàu đầu tiên của ĐSĐT Hà Nội cũng có những khoảnh khắc trầm lắng, lo toan rất riêng của một người phụ nữ. Đầu tiên là nỗi lo khi lập gia đình, sinh nở sẽ phải rời xa buồng lái, khó có thể duy trì sự tập trung liên tục.
Hơn nữa, với đặc thù “đi sớm về khuya” của nghề lái tàu, chị sẽ cần sự cảm thông, ủng hộ, chia sẻ rất lớn mà không phải người đàn ông nào cũng có được. “Nhất là khi có con, sẽ không dễ để cân đối thời gian, chia sẻ tình cảm, sự quan tâm cho cả gia đình lẫn công việc” - chị Nguyễn Thị Hải nói.
Không phải ngẫu nhiên mà nghề lái tàu được coi là nặng nhọc, vất vả, khó phù hợp với nữ giới. Khi cầm lái con tàu, trách nhiệm phải bảo đảm an toàn cho hàng nghìn hành khách là một áp lực không hề nhỏ.
Mỗi chuyến tàu phải đúng giờ đến từng giây, mỗi thao tác phải tuyệt đối chính xác, không thể phân tâm. Đó là quy tắc nằm lòng của mỗi lái tàu ĐSĐT. Thể trạng của nữ giới vốn có phần yếu hơn nam giới. Để bảo đảm công tác tốt, một nữ lái tàu sẽ cần nhiều hơn sự nỗ lực so với cánh mày râu.
Những lo toan ấy chỉ thoáng qua trong chốc lát, rồi đôi mắt cô gái 28 tuổi lại ánh lên khí chất tự tin rạng ngời.
Từ khoảnh khắc đầu tiên bước vào buồng lái của con tàu cho đến ngày hôm nay, niềm vui và sự tự hào của tôi đã thật sự lớn lên thành một tình yêu với ĐSĐT. Mỗi âm thanh chuyển động khi đoàn tàu lăn bánh, mỗi tia sáng trên bàn điều khiển đều gợi lên trong tôi một xúc cảm mãnh liệt. Tôi vẫn luôn mơ về ngày được điều khiển con tàu chở hàng nghìn hành khách, ngắm nhìn Thủ đô tươi đẹp qua ô kính lái. Ước mơ ấy đã rất gần ngay trước mắt - Nữ lái tàu của Hanoi Metro Nguyễn Thị Hải |
Tác giả: Ngọc Trang
Nguồn tin: kinhtedothi.vn