Thế giới

Chuyến thăm của ông Trump tạo xung lực cho quan hệ Việt - Mỹ

Các chuyên gia cho rằng hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ sẽ thực chất hơn dưới thời Tổng thống Trump.

Tổng thống Mỹ Trump và Chủ tịch nước Trần Đại Quang họp báo tại Hà Nội. Ảnh: Giang Huy.

"Quan hệ Việt - Mỹ sau chuyến thăm của Tổng thống Trump tiếp tục có xung lực mạnh mẽ, được thúc đẩy bởi sự song trùng lợi ích ngày càng lớn giữa hai nước, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà còn trong chiến lược - quân sự, một lĩnh vực ngày càng quan trọng", Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS), Singapore, dự báo về quan hệ hai nước sau khi Tổng thống Mỹ vừa có chuyến thăm hai ngày ở Việt Nam.

Ông Trump đã dừng chân tại hai điểm Đà Nẵng và Hà Nội, trong chuyến công du châu Á kéo dài 12 ngày. Sau hội đàm với Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống Mỹ cho biết "mục đích chung và lợi ích chung" là hai yếu tố quan trọng gắn kết Việt - Mỹ. Ông cũng nhấn mạnh Mỹ vẫn giữ vững cam kết vì một châu Á - Thái Bình Dương tự do và cởi mở, mong muốn các quốc gia trong khu vực tôn trọng chủ quyền của nhau, tuân thủ pháp luật và thúc đẩy thương mại có trách nhiệm.

Tiến sĩ Hiệp lưu ý các nội dung đa dạng về hợp tác an ninh - quốc phòng trong bản Tuyên bố chung sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ cho thấy rõ lợi ích chung gia tăng giữa hai nước.

Tổng thống Trump và Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã khẳng định cam kết chung làm sâu sắc hơn nữa hợp tác quốc phòng, quyết tâm chung đối phó với các thách thức an ninh khu vực. Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh kế hoạch việc một tàu sân bay Mỹ lần đầu tiên thăm một cảng của Việt Nam trong năm 2018.

Lãnh đạo hai nước cũng tái khẳng định lập trường về Biển Đông được nêu trong các tuyên bố chung Việt Nam - Mỹ và Mỹ - ASEAN trước đây, bao gồm việc kêu gọi các bên không có những hành động làm leo thang căng thẳng, quân sự hóa các cấu trúc đang tranh chấp, và hạn chế một cách phi pháp các quyền tự do trên biển; tái khẳng định cam kết chung đối với việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, bao gồm việc tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý.

Tổng thống Mỹ và Chủ tịch nước Việt Nam kêu gọi thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), và sớm hoàn tất một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, có tính ràng buộc về mặt pháp lý.

Trên những cơ sở này, chuyên gia của ISEAS đánh giá hợp tác quốc phòng Việt - Mỹ sẽ được đẩy mạnh và trở nên thực chất hơn.

"Xu thế này sẽ trở nên chắc chắn nếu một vài sáng kiến được hiện thực hóa, như việc các chuyến thăm của tàu hải quân Mỹ đến Cam Ranh trở nên thường xuyên hơn, hoặc Việt Nam mua vũ khí từ Mỹ", ông Hiệp nói.

Hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Mỹ vẫn gia tăng, nhưng có thể một số trở ngại do các chính sách bảo hộ của Chính quyền Trump, cũng như việc Mỹ rút ra khỏi TPP. Việt Nam có thể phải nhập khẩu nhiều hơn từ Mỹ, đồng thời cởi mở hơn với đầu tư từ nước này. Quan hệ kinh tế giữa hai nước có thể cân bằng hơn, Việt Nam có thể không được hưởng lợi nhiều như trước đây nhưng nền tảng quan hệ song phương sẽ vững chắc hơn. Thêm nữa, một số vấn đề gây trở ngại cho quan hệ song phương, như vấn đề nhân quyền hay khác biệt ý thức hệ, sẽ có thể trở nên ít gai góc hơn trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump.

Bà Bonnie Glaser, Cố vấn cao cấp về châu Á tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS), đánh giá Mỹ sẽ không tham gia các thoả thuận thương mại đa phương khi Tổng thống Trump tại nhiệm.

"Các nước sẽ phải quyết định là mình muốn đàm phán các Hiệp định tự do thương mại song phương với Mỹ hay không không. Hy vọng TPP11 sẽ thành hiện thực và Mỹ sẽ trở lại trong vài năm tới", bà Glaser nói.

Cảnh báo về xung đột Mỹ - Trung

Theo Tiến sĩ Hồng Hiệp, những phát biểu của Tổng thống Mỹ tại Trung Quốc và Việt Nam, cũng như những động thái của hai bên trong thời gian qua cho thấy xu hướng của quan hệ Mỹ - Trung không có nhiều khác biệt so với dưới thời kỳ chính quyền của Tổng thống Obama.

Trước và ngay sau khi ông Trump đắc cử, có hai dòng quan điểm chính nhận định về quan hệ Trung - Mỹ. Một quan điểm cho rằng ông Trump sẽ cứng rắn với Trung Quốc, thể hiện qua các phát biểu của ông về các hành vi thương mại không công bằng của Bắc Kinh, hay việc đe dọa điều tra và trừng phạt thương mại nước này, cũng như các phát biểu cứng rắn của ông về Biển Đông.

Dòng quan điểm thứ hai cho rằng chính quyền Trump sẽ mềm mỏng, xoa dịu Trung Quốc, do Mỹ cần sự hợp tác của Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên, và vì các lợi ích thương mại của gia đình ông với Trung Quốc. Thậm chí còn có ý kiến lo ngại Mỹ sẽ hy sinh lợi ích ở Biển Đông để làm vừa lòng Trung Quốc, để Trung Quốc sẽ tích cực giúp kiềm chế Triều Tiên. Tuy nhiên, ông Hiệp cho rằng cả hai dòng quan điểm trên đều quá cực đoan.

"Quan hệ Mỹ - Trung dưới thời của Trump vẫn xen kẽ các yếu tố mâu thuẫn và hợp tác ở các tầng nấc khác nhau. Hai bên cần nhau trong vấn đề thương mại, đầu tư, trong khi vẫn mâu thuẫn với nhau về các lợi ích chiến lược khác như vấn đề Biển Đông, Triều Tiên, Đài Loan, hay sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa hai bên ở nhiều nơi trên thế giới", ông Hiệp nói.

Trong khi đầu tư thương mại là nơi xu hướng hợp tác vẫn mạnh mẽ thì các mâu thuẫn về bảo hộ thương mại, quyền sở hữu trí tuệ, hay việc Mỹ chịu thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc, vẫn đang gây ra những chia rẽ song phương. Vì thế, Tiến sĩ Hiệp cho rằng các quốc gia trong khu vực không nên qua lo lắng về xu hướng ngắn hạn của quan hệ Mỹ - Trung, vì không có nhiều thay đổi lớn.

Mặc dù vậy, về dài hạn, xu thế cạnh tranh chiến lược và mâu thuẫn lẫn nhau do sự trỗi dậy của Trung Quốc và sự suy yếu tương đối của Mỹ nhiều khả năng vẫn tiếp diễn. Các quốc gia trong khu vực cần tìm được cho mình một vị thế cân bằng và an toàn trong cục diện đó, ông Hiệp khuyến cáo.

"Va chạm trong quan hệ Mỹ - Trung sẽ gia tăng", bà Glaser nói, đồng tình về xu hướng cạnh tranh quan hệ Mỹ - Trung.

Tác giả: Việt Anh

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok