Trong tỉnh

Chuyện phúc khảo 1 điểm lên 9 điểm ở Thanh Hóa: 'Cái dại Con mang tiếng'

Tôi muốn đảo chiều câu tục ngữ 'Con dại Cái mang' thành 'Cái dại Con mang tiếng' để nói về câu chuyện kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Trường Trung học phổ thông chuyên Lam Sơn Thanh Hóa có học sinh thi môn Toán được 1 điểm, khi phúc khảo kết quả lên 9 điểm.

Câu chuyện được các phương tiện truyền thông loan tin và hầu như cả tỉnh Thanh Hóa đi đến đâu cũng nghe bàn tán xôn xao làm cho thầy cô, học sinh, các bậc phụ huynh ở ngôi trường rất nổi tiếng này bị tổn thương.

Nào là sao láo nháo thế? Người ta gọi thày trò là quân, đám, thậm chí có người mỉa mai: Lam Sơn mà cũng thế à!

Phúc khảo bài thi Toán từ 1 điểm tăng lên 9 điểm - trường hợp hiếm

Đây là kỳ thi đầu cấp vào Trường trung học phổ thông chuyên Lam Sơn.

Gần như thành thông lệ, trước khi Hội đồng thi tuyển vào lớp 10 tiến hành đợt thi tuyển toàn tỉnh, Thanh Hóa tổ chức thi vào lớp 10 Trường trung học phổ thông chuyên Lam Sơn trước để tìm, chọn được những thí sinh có năng lực thực sự để vào học các lớp chuyên của trường này.

Xác định Trường trung học phổ thông chuyên Lam Sơn là trường chuyên biệt, cái nôi của những học sinh thực sự có tài năng, do vậy từ việc thành lập hội đồng, chọn giáo viên coi thi, chấm thi được quan tâm đặc biệt để cuộc "chạy đua" vào Lam Sơn có kết quả tốt nhất và chọn được những thí sinh giỏi thật sự xứng đáng với truyền thống rất vẻ vang của nhà trường và cũng là đại diện ưu tú nhất cho vùng đất ham học, hiếu học.

Trở lại với trường hợp thí sinh (tôi không muốn nêu tên vì nêu rõ tên thêm một lần làm em học sinh này tổn thương) thi vào Trường trung học phổ thông chuyên Lam Sơn vừa qua, cả tỉnh Thanh Hóa, học sinh các cấp nói chung, trung học phổ thông nói riêng vào tốp nhiều nhất cả nước.

Những chỉ có 1.706 thí sinh "dám" đăng ký thi vào các lớp chuyên Lam Sơn để tuyển chọn 420 học sinh theo học ở 12 lớp.

Khách quan mà nói số thí sinh ghi tên đăng ký thi vào các lớp chuyên của trường này, không dám nói là tất cả, nhưng phần lớn các em có năng lực vượt trội so với hàng vạn học sinh lớp 9 đang chuẩn bị thi vào lớp 10.

Tôi khẳng định thí sinh thi chuyên Toán mà bộ phận chấm thi cho 1 điểm để rồi khi phúc khảo tăng thêm 8 điểm, thì bài thi của em học sinh này không xứng đáng mang 1 điểm. Vì, phân tích theo lý lẽ, đề thi môn toán chuyên có 5 câu với nhiều nội dung. Chỉ cần ghi đầy đủ các câu của đề thi với tinh thần "vở sạch, chữ đẹp" có thể cho em 1 điểm được rồi!

Câu hỏi ở đây là, bộ phận chấm hay bộ phận lên điểm làm việc không cẩn thận, cẩu thả để xảy ra hậu quả đáng tiếc. Nên nhớ quy trình ráp phách lên điểm ít nhất phải có 3 người: người đọc, người ghi, người kiểm soát. Các lỗi có thể mắc phải khi lên điểm: đọc nhầm điểm tổng của bài thi với điểm thành phần (điểm của mỗi câu); người chấm cộng nhầm điểm tổng của bài thi; người chấm sót tờ giấy thi; người ghi lệch dòng sang điểm của người khác…

Tóm lại chỉ cần thiếu tập trung một chút là dẫn đến sai sót. Việc sai sót trong trường hợp từ 1 điểm phúc khảo tăng thêm 8 điểm nữa có lẽ là trường hợp "độc đắc" từ trước đến nay ở Thanh Hóa và cũng có thể nói đối với cả nước.

Chỉ còn khoảng 5 ngày nữa trên 40 ngàn thí sinh ở Thanh Hóa bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2024-2025. Với địa bàn rộng gồm 27 huyện, thị, thành trong đó có 11 huyện miền núi, có trên 100 trường trung học phổ thông, chắc chắn kỳ thi có nhiều áp lực đối với hội đồng thi tuyển của Thanh Hóa và các em học sinh cũng như các bậc phụ huynh.

Từ kinh nghiệm chỉ đạo trong các kỳ thi tuyển các cấp học, nhất là những sai sót nghiêm trọng trong vụ việc vừa qua ở Hội đồng thi tuyển lớp 10 Trường trung học phổ thông chuyên Lam Sơn, hy vọng đợt thi tuyển vào lớp 10 năm học 2024-2025 của Thanh Hóa sẽ hạn chế thấp nhất nhưng sai sót để đem lại sự công bằng, minh bạch và quyền lợi chính đáng của từng học sinh.

Sai sót ít hay nhiều, nghiêm trọng hay chưa nghiêm trọng đều làm tổn thương đến phụ huynh, học sinh. Như phần đầu bài viết này đã đề cập, hầu như người dân khi nói đến thi vào Trường trung học phổ thông chuyên Lam Sơn có chuyện sai sót sau khi phúc khảo, liền lên tiếng chỉ trích, chế giễu ngôi trường nổi tiếng này.

Những người chế giễu (trừ những người trong ngành giáo dục) lại không biết rằng sai sót trên do từ Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa chứ không phải từ ngôi trường chuyên Lam Sơn. Vì thế mới có chuyện "Cái dại con mang tiếng".

Tác giả: Hiếu Minh

Nguồn tin: Công dân & Khuyến học

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok