Trong tỉnh

Chuyện ở làng buôn chó xuyên quốc gia

Từng một thời “hái ra tiền” với nghề buôn chó, nghề giúp nhiều người nông dân chân lấm tay bùn trở thành “đại gia”, nhưng làng buôn chó xuyên quốc gia ở xã Thành Lộc (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) cũng nhanh chóng lụi nghề...

Nhắc đến làng buôn chó xuyên quốc gia, giới buôn bán không ai là không biết đến làng Sơn Đông (xã Thành Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa). Ngôi làng nhỏ một thời được xem là “đại bản doanh” tập kết chó từ phía Nam và một số nước trong khu vực Đông Nam Á sau đó xuất bán ra thị trường phía Bắc và xuất sang Trung Quốc. Cái nghề “chẳng giống ai” này có thời điểm phát triển rầm rộ nhưng cũng nhanh chóng lụi tàn theo năm tháng với nhiều nguyên do.

Phất lên nhờ buôn chó

Cách quốc lộ 1A khoảng 2 km, Sơn Đông là ngôi làng có nhiều ngôi nhà cao đẹp, khang trang hơn những làng khác trong xã Thành Lộc. Đó là thành quả những năm tháng buôn bán chó mang lại cho bà con làng Sơn Đông. Về làng này, nhắc đến “ông tổ” của nghề buôn, không ai là không biết đến ông Lê Văn Tiến - người đầu tiên du nhập nghề buôn chó về làng và kéo theo hàng chục hộ tham gia buôn bán, biến vùng quê này trở thành “thủ phủ” tập kết chó có tiếng một thời.

Theo người dân làng Sơn Đông, khoảng đầu năm 2.000, ông Tiến vào Nam đưa chó về nhà tập kết rồi sau đó bán ra các tỉnh Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên… Sau nhiều chuyến hàng thấy buôn bán có lời cao, ông Tiến tiếp tục đầu tư mạnh hơn khi thu gom chó với số lượng lớn từ phía Nam mang về Bắc tiêu thụ và nhanh chóng trở thành “đại gia” buôn chó có tiếng khắp nơi.

Khu "công nghiệp chó" giờ đìu hiu, hoang vắng

Thấy ông Tiến “hái ra tiền” từ nghề này nên nhiều người dân làng Sơn Đông cũng đổ xô theo ông Tiến đi buôn chó. Sau vài năm theo “ông tổ nghề”, nhiều người đã có chút vốn liếng và đặc biệt là biết được các mánh lới trong làm ăn nên đã tự tách ra lập trại chó riêng để hoạt động. Từ đó, “thủ phủ” buôn chó Sơn Đông có thêm nhiều “đại gia” nổi lên.

Khi nghề buôn chó ở Sơn Đông phát triển rầm rộ, người ăn thịt chó ngày càng nhiều, nguồn cung cấp chó ở các tỉnh phía Nam dần khan hiếm, để có đủ chó cung cấp cho thị trường, những tay buôn có tiếng ở Sơn Đông đã bắt đầu vươn với sang các nước láng giềng như Thái Lan, Lào, Indonesia… để thu gom chó. Đây cũng là thời điểm mà những người buôn chó thắng lớn vì nguồn cung bên các nước này dồi dào, dân bản địa lại không ăn thịt chó nên giá chó rất rẻ. Mỗi chuyến người buôn trừ hết chi phí vẫn có thể bỏ túi khoảng 5-7 triệu đồng/10 tấn chó.

Để thuận tiện cho việc buôn bán và đảm bảo môi trường, chính quyền xã Thành Lộc đã cho quy hoạch hẳn 1 khu vực để người dân ra thuê đất lập khu chuồng trại nuôi nhốt chó. Hàng chục khu chuồng trại đã mọc lên như thế, tạo thành một “khu công nghiệp” chó.

Làng buôn chó hết thời

Đang phát triển rầm rộ, nghề buôn chó ở Sơn Đông bỗng rẽ sang 1 hướng khác khiến nhiều người buôn chó lao đao, có người sập tiệm, nợ nần chồng chất phải bỏ nghề hoặc chuyển sang nghề khác kiếm sống.

Chúng tôi về Sơn Đông vào những ngày cuối năm 2017, đi vào “khu công nghiệp” chó thấy vắng lặng lạ thường. Không còn cảnh xe ra vào tấp nập, cảnh người đưa chó vào lồng, hay tiếng chó sủa râm ran như trước, thay vào đó là hình ảnh những chiếc lồng sắt (trước dùng để nhốt chó) xếp từng đống, vứt chỏng chơ khắp nơi. Đi dọc khu tập kết chó này thấy khoảng 30 trang trại nhưng hầu hết các nhà nhốt chó đều bỏ hoang, khóa trái cửa. Chỉ duy nhất có khoảng 5-7 hộ đầu đường vào vẫn còn mở cửa, đây là những hộ cố bám trụ với nghề buôn chó vì chẳng còn nghề gì để làm.

Những chiếc lồng sắt nằm chỏng chơ khi nghề buôn chó đã hết thời

Là người chứng kiến làng buôn chó từ lúc hưng thịnh nhất cho đến thời điểm đìu hiu như hiện nay, ông Nguyễn Văn Bảy cho biết, nghề buôn này bắt đầu “hết thời” từ khi Thái Lan chính thức cấm xuất bán chó sang Việt Nam.

“Năm 2012, Chính phủ Thái Lan ra lệnh cấm buôn bán chó thì nguồn cung chính này đã không còn, thị trường chó trong nước thì khan hiếm nên việc buôn bán bắt đầu đi xuống do thường xuyên thua lỗ. Thậm chí, có nhiều gia đình đầu tư tiền tỉ đặt hàng, làm trang trại, mua xe thu gom chó bên Thái đều mất hết khi công an nước này thu sạch chó, thả về rừng, tịch thu xe cộ, trang trại nên hầu hết những người đi buôn đều bỏ nghề hoặc chuyển sang nghề khác”- ông Bảy kể.

Kể từ khi nguồn cung cấp chính bị chặn lại, việc tập kết hàng trở nên khó khăn, nguồn chó đưa về Sơn Đông ngày một ít và không rõ ràng. Theo ông Trương Văn Long, Phạm Duy Giáp… (là những người còn buôn chó) thì nguồn hàng giờ rất khan hiếm, mỗi tuần 5-7 hộ gom lại mới đủ được 1 xe hàng vài tấn.

Ông Phạm Duy Tấn, Chủ tịch UBND xã Thành Lộc cho biết nghề buôn chó du nhập vào địa phương từ khoảng năm 2000 và phát triển rầm rộ đến năm 2012 thì bắt đầu đi xuống khi Thái Lan và các nước láng riềng cấm buôn bán chó.

“Thời điểm cao nhất, làng Sơn Đông có khoảng 40 hộ buôn bán chó, tạo công ăn việc làm cho khoảng 100 lao động. Còn giờ đây, làng chỉ còn khoảng 7 hộ theo nghề này, hầu hết những “ông trùm” buôn chó trước kia giờ chẳng còn ai theo nghề”- ông Tấn nói.

Cũng theo ông Tấn, nghề buôn chó đã mang lại nhiều đổi thay cho địa phương, giúp nhiều gia đình nghèo khó trở nên giàu có, tuy nhiên cái nghề “chẳng giống ai” này cũng để lại nhiều hậu quả nặng nề về ô nhiễm môi trường, làm tệ nạn nghiện ngập, ma túy bùng phát.

Không thể phủ nhận làng quê Sơn Đông đã đổi thay nhiều khi cái nghề “chẳng giống ai” du nhập về địa phương, tuy nhiên đó chỉ là cái bề nổi hào nhoáng của một số gia đình, nó không thể khỏa lấp được một thực tế mà địa phương này đang phải gánh chịu.

Tác giả: Nguyễn Thùy

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok