Giải trí

Chuyện gì đang xảy ra với MV của Sơn Tùng?

Các bằng chứng cho thấy kênh Sơn Tùng dù dùng "chùa" đoạn beat nhưng vẫn đăng ký bản quyền trước với YouTube, khiến tác giả phải báo cáo thủ công để giải quyết vấn đề.

Ngày 22/2, MV "Chúng ta của hiện tại" đã biến mất khỏi kênh YouTube chính thức của ca sĩ Sơn Tùng.

Nguyên nhân dẫn đến việc MV Chúng ta của hiện tại được cho là giai điệu của bài hát giống video Bruno Mars Type Beat ''IS YOU MINE" của GC. Bruno Mars Type Beat ''IS YOU MINE" được đăng trên kênh GC từ tháng 9/2020.

"Chúng ta của hiện tại" có thể bị báo cáo bản quyền thủ công

Theo góc nhìn của các chuyên gia trong lĩnh vực sản xuất nội dung, video của Sơn Tùng đã bị report (báo cáo) bản quyền thủ công.

"Dễ thấy nhất là các video có chứa đoạn nhạc trong bài 'Chúng ta của hiện tại' vẫn xuất hiện trong bản karaoke trên kênh Sơn Tùng và clip hậu trường ở kênh Hải Tú", Quan Dũng, người sáng lập nhóm những người làm nội dung YouTube với hơn 200.000 thành viên cho biết.

YouTube thông báo video "Chúng ta của hiện tại" không khả dụng do khiếu nại bản quyền từ GC. Ảnh: MTP Entertainment.

Theo ông Dũng, YouTube quản lý bản quyền bằng hai cách là Content ID (tệp tham chiếu bản quyền) và nhận báo cáo vi phạm thủ công. Ở trường hợp Sơn Tùng, ông Dũng khẳng định video "Chúng ta của hiện tại" bị báo cáo thủ công.

Theo YouTube công bố, Content ID được cung cấp cho những chủ sở hữu bản quyền có nhu cầu quản lý bản quyền phức tạp, chẳng hạn như hãng thu âm hoặc hãng phim.

"Để đủ điều kiện sử dụng Content ID, bên cạnh các tiêu chí khác, chủ sở hữu bản quyền phải từng gửi nhiều yêu cầu gỡ bỏ hợp lệ và có nguồn lực để quản lý Content ID", YouTube cho biết.

Content ID là một hệ thống so khớp có thể tự động phát hiện nội dung có khả năng vi phạm. Khi video được tải lên YouTube, hệ thống sẽ đối chiếu những video này với cơ sở dữ liệu bao gồm do các chủ sở hữu bản quyền gửi đến gồm âm thanh, hình ảnh. Theo YouTube, hệ thống này có thể nhận diện được giai điệu, hình ảnh, nhịp trống...

Nếu một video được đối chiếu khớp với một phần hoặc toàn bộ nội dung đã có trong cơ sở Content ID, YouTube sẽ thông báo đến bên vi phạm và chủ sở hữu.

Chủ sở hữu bản quyền có thể chọn chặn người xem, chia sẻ doanh thu quảng cáo và theo dõi số liệu người xem của video vi phạm.

Trên thực tế, từ lâu chức năng Content ID của YouTube đã bị lạm dụng. Những nội dung được lấy từ mạng xã hội tương tự TikTok ở Trung Quốc được giới reup (đăng lại video) Việt khai thác rất nhiều.

"Cùng là đi lấy video từ nước ngoài về đăng lên YouTube, ai có Content ID trước là của người đó thôi. Phía chủ sở hữu nội dung ở Trung Quốc không báo cáo thì chẳng ai bắt được", Hoàng Tùng, một YouTuber làm nội dung TikTok tổng hợp rồi đăng lên YouTube cho biết.

Kênh của Sơn Tùng đăng ký Content ID vẫn có thể bị tác giả khiếu nại

Hiện phần nhạc trong bài "Chúng ta của hiện tại" vẫn thuộc sở hữu của Pops Worldwide; BMI Broadcast Music Inc, theo phần thông báo bản quyền của YouTube trên video hậu trường của kênh Hải Tú ngày 23/2.

"Điều này có nghĩa phía Sơn Tùng đã đăng ký bản quyền Content ID trên hệ thống của YouTube cho bài 'Chúng ta của hiện tại' và vẫn đang sở hữu bản quyền này", ông Dũng phân tích.

Video "Chúng ta của hiện tại" có thể đã bị báo cáo bản quyền thủ công. Ảnh: MTP Entertainment.

Tuy vậy, ngay cả khi sở hữu quyền Content ID, phần nhạc "Chúng ta của hiện tại" vẫn có thể bị "đánh bản quyền" nếu bị chủ sở hữu thật sự báo cáo theo cách thủ công.

"Phía kênh GC sẽ gửi toàn bộ bằng chứng cho thấy họ có đầy đủ quyền pháp lý, bản phối đầu tiên. YouTube sẽ dựa vào những dữ kiện này để gửi thông báo đến kênh của Sơn Tùng với thời hạn giải quyết là 30 ngày. Trong trường hợp này kênh GC có lợi thế hơn bởi họ đã đăng nội dung này lên YouTube trước thời điểm Sơn Tùng ra mắt MV", ông Dũng cho biết.

Thế nhưng, theo nhiều chuyên gia, trong những trường hợp báo cáo thủ công, YouTube sẽ dựa vào phán quyết của tòa án và các giấy tờ chứng minh bản quyền thay vì đứng ra là bên phân xử ai đạo nhạc.

"Trong trường hợp producer phía GC đã bán bản phối nhưng vẫn làm lại bản khác tương tự rồi đăng lên để đánh bản quyền Sơn Tùng thì việc ai đăng trước không còn quan trọng. Lúc này chỉ có thể dựa vào luật pháp phân xử", DJ Tibb cho biết.

Theo quy trình của YouTube, bên khiếu nại sẽ gửi nhiều bằng chứng có lợi nhất. Sau đó mạng xã hội video này sẽ gửi thông báo khiếu nại đến phía Sơn Tùng với thời hạn 30 ngày. Trong thời gian này, phía Sơn Tùng cần gửi các bằng chứng như bản phối đầu tiên, chứng nhận tác quyền hoặc thương lượng riêng với phía GC để gỡ khiếu nại.

"Dựa trên việc video đã bị xóa khỏi kênh cùng thông báo khiếu nại từ GC cho thấy phía Sơn Tùng có thể đã chấp nhận phán quyết vi phạm bản quyền sau thời gian thương lượng giải quyết", H. Trần, nhân viên chịu trách nhiệm khiếu nại bản quyền của một mạng đa kênh lớn tại Việt Nam cho biết.

Tác giả: Đoạn Lãng

Nguồn tin: zingnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok