Sơ chế chuối trước khi đóng thùng ẢNH: LÂM VIÊN |
Laba là giống chuối đặc biệt do người Pháp đưa qua vùng Phú Sơn, H.Lâm Hà (Lâm Đồng) trồng cách đây ngót 100 năm. Chuối trái lớn, hình thức đẹp, có vị ngọt thơm đặc trưng, dẻo, xưa kia từng được cung cấp cho hoàng triều Bảo Đại nên còn có tên gọi là chuối “Tiến vua”.
Người tiên phong ở Đạ K’Nàng
Người đi đầu trong việc chuyển đổi cây cà phê bằng cây chuối Laba ở xã Đạ K’Nàng là vợ chồng ông Nguyễn Huy Phương và Võ Thị Thu. Ông Phương cho biết, gia đình đến lập nghiệp tại vùng đất này từ năm 2000, chủ yếu trồng cà phê và buôn bán nông sản. Những năm gần đây cà phê mất mùa và giá cả bấp bênh nên ông tìm hướng đi mới. Năm 2017, khi biết Hợp tác xã thương mại dịch vụ Laba Phú Sơn (HTX Laba Phú Sơn, H.Lâm Hà) xúc tiến việc trồng chuối Laba để xuất khẩu qua Nhật, ông xin tham gia và tích cực học hỏi kinh nghiệm canh tác chuối. Tháng 4.2017, vợ chồng ông Phương cùng 3 hộ khác ở Đạ K’Nàng chuyển đổi 5 ha cà phê đầu tiên sang trồng chuối Laba với số lượng trên 10.000 cây.
Chuối giống Laba sạch bệnh được nuôi cấy mô sau đó chuyển ra vườn ươm. Từ khi xuống giống đến khi chuối cho thu hoạch đúng 1 năm. Trung bình một gốc chuối bón 20 kg phân chuồng, mỗi tháng bón NPK một lần, 3 tháng xịt thuốc trừ sâu sinh học 1 lần nên không gây độc hại. Vào mùa nắng, cứ 4 ngày tưới nước 1 lần, đặc biệt giai đoạn chuối trổ buồng rất cần nước và phân bón. Để chuối đạt quy chuẩn do phía Nhật yêu cầu, mỗi bụi chuối chỉ để 3 - 4 cây và có thời gian sinh trưởng cách nhau từ 4 - 5 tháng. Khi buồng chuối lớn thì dùng cây có chạc chữ V để chống đỡ, tránh gãy đổ và được bọc ni lông nhằm phòng côn trùng chích.
Các chuyên gia Nhật Bản kiểm tra trước khi xuất khẩu Xuất khẩu chuối qua Nhật |
Tháng 7.2018, lô chuối Laba đầu tiên của HTX Laba Phú Sơn và người dân Đạ K’Nàng xuất khẩu qua Nhật thông qua Công ty Chuối Việt ở TP.HCM và được thị trường ưa thích. Trước khi xuất, các chuyên gia Nhật Bản đến tận vườn hướng dẫn cách thu hoạch chuối. Các buồng chuối được bọc lớp vải dày từ khi chặt khỏi cây và suốt quá trình vận chuyển từ trang trại về xưởng sơ chế để tránh bị dập, xước vỏ. Buồng chuối được treo cao, rửa sạch trước khi cắt từng nhánh bỏ vào bể rửa lại lần hai. Tiếp đó, chuối được phân loại quy cách và trọng lượng (theo yêu cầu từng lô hàng) rồi làm khô ráo bằng quạt gió trước khi bao gói và đóng thùng, vận chuyển đi TP.HCM bằng xe lạnh chuyên dụng để xuất khẩu.
Bà Võ Thị Thu cho biết, trồng chuối xuất qua Nhật kỳ công hơn so với cách truyền thống, vì phải đảm bảo những yêu cầu khắt khe của đối tác về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kích thước, trọng lượng trái, thời gian cắt… nhưng lại bán được với giá ổn định 8.000 - 9.000 đồng/kg, cho thu nhập rất tốt. Theo bà Thu, 1 ha trồng 2.200 gốc chuối, mỗi năm cho thu hoạch trên 6.000 buồng, mỗi buồng trung bình 30 kg, sản lượng 180 tấn/ha. Sau khi trừ chi phí đầu tư, nhân công còn lãi 500 - 600 triệu đồng, cao gấp 3 lần trồng cà phê.
Đến nay, ông Phương đã xuất khẩu trên 40 tấn chuối Laba sang Nhật Bản, phía Nhật đặt hàng cứ mỗi tuần từ 20 - 30 tấn. Sau thành công bước đầu, hiện ông Phương liên kết với một số hộ dân khác xuống giống thêm 10 ha. Theo tính toán của ông, để đáp ứng nhu cầu của phía Nhật Bản phải mở rộng diện tích lên 20 ha.
Ông Hay Ashi Yohei, chuyên gia Nhật Bản, đánh giá: “Khí hậu ở Đạ K’Nàng rất khác so với các vùng mà chúng tôi từng khảo sát. Chuối trồng ở đây có hương vị thơm ngon hơn và khá phù hợp với khẩu vị của người Nhật. Hy vọng đây là bước đầu tiên để người dân phát triển được số lượng chuối nhiều hơn cho thị trường Nhật Bản”.
Xây dựng chuỗi liên kết nông sản
Theo ông Nguyễn Tấn Chơi, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Laba Phú Sơn, sau hơn 1 năm phát triển, toàn HTX có khoảng 200 ha chuối Laba, phân bố tại các xã trên địa bàn H.Lâm Hà và xã Đạ K’Nàng (Đam Rông); trong đó diện tích đã cho thu hoạch khoảng 100 ha. HTX làm cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp và thị trường nước Nhật, định hướng xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ trong và ngoài nước để nâng cao giá trị cây chuối Laba.
Tác giả: Lâm Viên
Nguồn tin: Báo Thanh Niên