Chia sẻ tại hội thảo Dự báo kinh tế Việt Nam và triển vọng đầu tư năm 2018 diễn ra mới đây, ông Lu Hui Hung – Giám đốc Phân tích và tự doanh Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng cho rằng, chứng khoán đang trở thành một trong những kênh đầu tư hấp dẫn hàng đầu về khả năng sinh lời. Trong hai tháng đầu năm, Việt Nam là thị trường có mức tăng mạnh nhất thế giới, đứng trên Brazil, Nga, Argentina và gấp gần ba lần mức tăng của chỉ số Nasdaq (Mỹ).
Ông Lu nhận định, chứng khoán đang trong giai đoạn cuối chu kỳ tăng trưởng nên tăng trưởng đột phá trong ngắn hạn không đồng nghĩa với hiện tượng bong bóng căng lên. Mặt bằng giá cổ phiếu đã không còn rẻ so với trước đây, cũng như tương quan với các nước trong khu vực. Do đó, chỉ số VN-Index cuối năm nay qua một vài đợt điều chỉnh ngắn hạn đan xen sẽ dao động +/- 20% so với mức tham chiếu đầu năm, tức không vượt qua mức 1.200 điểm và cũng không xuống thấp hơn 800 điểm.
“Thị trường đang được những yếu tố hỗ trợ lẫn kìm hãm, giúp nhà đầu tư yên tâm không xảy ra một sự sụp đổ như khủng hoảng tài chính cách đây 11 năm”, chuyên gia này nói và phân tích bốn yếu tố tác động trực tiếp đến chứng khoán Việt Nam năm nay.
Chứng khoán Phú Hưng dự báo VN-Index sẽ dao động +/- 20% so với mức chốt phiên năm ngoái. |
Thứ nhất, dư âm đến từ sự bùng nổ của thị trường chứng khoán năm 2017 khi kinh tế vĩ mô tăng trưởng ổn định, công tác cổ phần hóa thu về 125.400 tỷ đồng thúc đẩy dòng vốn ngoại chảy mạnh vào thị trường… Tình hình kinh doanh của phần lớn các doanh nghiệp trên sàn được cải thiện nhờ thu gia tăng thu nhập bình đầu người, điển hình như nhóm ngành hàng tiêu dùng, chăm sóc sức khỏe, hàng không, bất động sản.
Thứ hai, năm nay dự kiến có đến 64 doanh nghiệp nhà nước sẽ cổ phần hóa. Các đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) cung cấp nguồn hàng dồi dào cho thị trường, nhưng cũng mang đến hệ quả là một lượng cổ phiếu sẽ rơi xuống nhóm dưới, các quỹ đầu tư tái cấu trúc danh mục dẫn đến nguy cơ bán tháo.
Thứ ba, triển vọng Morgan Stanley Capital International (MSCI) nâng hạng thị trường chứng khoán vẫn còn hiện hữu. Dù thể chế được đánh giá tương đối ổn định, nhưng quá trình nâng hạng sẽ còn kéo dài do thị trường cần phải giải quyết nhiều vấn đề tồn đọng như công bố thông tin, giới hạn tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài… nên sớm nhất phải đến 2019.
Thứ tư, Chính phủ đang cố gắng hạ nhiệt thị trường thông qua động thái giảm mục tiêu tăng trưởng tín dụng còn 17%, trong khi năm ngoái hơn 18%. Chính sách tiền tệ được điều chỉnh nhằm mục tiêu ổn định thị trường, kiểm soát lạm phát và giảm lãi vay cho phù hợp với điều kiện kinh tế… có thể khiến dòng tiền bị rút khỏi thị trường chứng khoán.
Hồi đầu năm, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng dự kiến đưa tỷ lệ ký quỹ ban đầu đối với hoạt động giao dịch ký quỹ trở về tỷ lệ trước đây, tức do công ty chứng khoán quy định nhưng không được thấp hơn 60%.
Tác giả: Phương Đông
Nguồn tin: Báo VnExpress