Du lịch

"Chưa gặp Văn Sóng, coi như chưa đến Hạ Long"

Một cuốn sách hướng dẫn du lịch dành cho người Pháp, xuất bản tại Pháp, từ nhiều năm nay luôn khuyên du khách Pháp khi đến Hạ Long nên gặp ông Nguyễn Văn Sóng, để biết tường tận và đặc biệt là những chi tiết không có trong sách vở về Đất mỏ Quảng Ninh. Cuốn sách như “khiêu khích” du khách khi nói rằng: “Chưa gặp Văn Sóng, coi như chưa đến Hạ Long”.

Ông Nguyễn Văn Sóng và các du khách Pháp tại Hạ Long.

Điểm hẹn của khách Pháp

Ông Nguyễn Văn Sóng, trú tại ngõ 6, phường Cao Xanh, TP Hạ Long, năm nay đã ngoài 60 tuổi và có lẽ là hướng dẫn viên tiếng Pháp tự do thuộc diện cao tuổi nhất tại Quảng Ninh.

Ông đang háo hức chuẩn bị cho chuyến viếng thăm Hạ Long của một du khách Pháp đặc biệt, dự kiến vào tháng 9 tới. Đặc biệt là bởi, bố đẻ của vị khách này được sinh ra và lớn lên tại Hòn Gai, vào thời kỳ thuộc Pháp, khi ông nội của vị khách đó là ông chủ nhất, cai quản nhiều mỏ than lớn ở Quảng Ninh.

“Họ nói với tôi là từ lâu đã mong muốn được một lần trở về “nơi chôn rau, cắt rốn” của cha” - ông Sóng cho biết.

Cuốn cẩm nang du lịch về Việt Nam dành cho du khách Pháp.

Trước đó, vào đầu năm nay, ông Sóng cũng đón hai vợ chồng người Pháp, từ Nante đến Hạ Long, cũng với nhiệm vụ tương tự: Thăm lại nơi ông bà nội từng làm việc và nơi sinh, trưởng thành của cha.

Trong chuyến đi này, hai vợ chồng người Pháp, cuối cùng đã thực hiện được tâm nguyện của người cha quá cố: Thả một phần hài cốt của ông xuống Vịnh Hạ Long, để hồn ông được siêu thoát ở nơi ông được sinh ra và lớn lên.

Đó là những vị khách đặc biệt. Còn với khách thông thường, ông Sóng cho biết, mỗi tháng ông đón và làm hướng dẫn viên cho vài đoàn, mỗi đoàn chỉ từ 2-10 người.

Ông Sóng bén duyên với nghề làm hướng dẫn viên du lịch tiếng Pháp kể từ sau khi đại gia đình ông, gồm 5 người, làm phiên dịch cho đoàn làm phim “Đông Dương” (Indochine) nổi tiếng được quay tại Việt Nam, trong đó phần lớn thực hiện trên Vịnh Hạ Long.

Sau khi phim được công chiếu, lượng khách Mỹ, Âu, trong đó nhiều nhất là khách Pháp ồ ạt đến Hạ Long.
Nắm bắt nhu cầu của du khách, ông và các anh chị em trong gia đình đã mở các nhà hàng, khách sạn… nhằm phục vụ du khách Pháp.

Với vốn tiếng Pháp như người bản xứ, bởi sinh ra và lớn lên ở Pháp, khoảng 20 tuổi, ông và các anh chị em mới theo bố mẹ về Hạ Long, cùng sự hiểu biết những góc cạnh văn hoá, lịch sử… địa phương, nên không khó để ông trở thành một hướng dẫn viên có uy tín với du khách Pháp.

Nhà hàng của ông mang tên Văn Sóng, gần cảng tàu du lịch Bãi Cháy cũ, một thời là điểm tụ tập của du khách Pháp, bởi không chỉ có các món ăn ngon, giá cả phải chăng, mà đến đây, khách và chủ còn có cơ hội hàn huyên về đủ mọi chuyện, trong đó có cả chuyện hậu cần phục vụ đoàn làm phim “Đông Dương”…

Nhà hàng đó giờ không còn, do khách ít bởi toàn bộ tàu du lịch chuyển về cảng Tuần Châu, nhưng ngôi nhà nhỏ của ông ở phường Cao Xanh gần đây trở thành điểm hẹn của du khách Pháp.

“Chưa gặp Văn Sóng, coi như chưa đến Hạ Long”

Một buổi chiều, trong quán cà phê dưới chân núi Bài Thơ - một điểm leo núi ưa thích của khách quốc tế tại TP Hạ Long - một số du khách Pháp cho tôi xem cuốn cẩm nang du lịch về Việt Nam bằng tiếng Pháp.

Ông Nguyễn Văn Sóng cùng tấm pano quảng cáo phim Đông Dương có chữ ký của nữ diễn viên chính.

Phần về Hạ Long, sau khi giới thiệu một số nét cơ bản về vùng đất này, cuốn cẩm nang khuyên du khách nếu muốn có một tour hoàn hảo thì nên tìm gặp Văn Sóng - một hướng dẫn viên già, nhưng có trình độ tiếng Pháp siêu đẳng cùng vốn kiến thức bản địa khó có hướng dẫn viên nào có thể sánh được.

Một con số thống kê không chính thức nhưng rất chính xác: Khách Âu, Mỹ đi thăm Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long thường chọn tour du lịch bắt đầu từ Hòn Gai, chứ ít khi từ bến tàu Bãi Cháy trước đây và Tuần Châu hiện nay. Lý do: Họ thích những tour khám phá, tìm hiểu sâu cả văn hoá, lịch sử và thiên nhiên, chứ ít lên tàu 3-5 tiếng ngắm cảnh trên vịnh rồi về.

Một trang giới thiệu về Hạ Long, trong đó có viết “Chưa gặp Văn Sóng, coi như chưa đến Hạ Long”.

Ở góc độ này, hướng dẫn viên Văn Sóng là vô đối, với những câu chuyện được kể lại bằng vốn sống của một người dân bản địa từng làm than, đánh bắt cá…, kết hợp với sử sách, nên luôn sống động và đầy cuốn hút.

Thông qua điện thoại, địa chỉ email đăng trên cuốn cẩm nang, có ngày ông nhận được vài cú điện thoại, hoặc email của du khách nhờ tư vấn hoặc đặt tour du lịch tham quan Hạ Long.

“Ai gọi điện hoặc email chỉ với mục đích tham khảo giá, lựa chọn dịch vụ… để rồi sau đó họ không thuê mình mà tự đi hoặc chọn công ty khác tôi biết ngay, nhưng mình vẫn cứ vô tư tư vấn cặn kẽ cho khách. Giúp được họ, giới thiệu để họ đến với Hạ Long cũng là một niềm vui” - ông Sóng chia sẻ.

Thỉnh thoảng, có dịp đi ngang qua Cảng tàu du lịch Bãi Cháy cũ, ông bắt gặp du khách Pháp ngơ ngác với cuốn cẩm nang du lịch trên tay. Hỏi ra mới biết, du khách đang sử dụng cuốn cẩm nang cũ.

Ông Sóng cho biết, cuốn cẩm nang du lịch này thường được cập nhật, bổ sung hàng năm, nhưng đôi khi không kịp so với sự thay đổi quá nhanh ở Hạ Long, dù mỗi năm, ban biên tập đều cử người sang gặp ông để kiểm tra, bổ sung thông tin trước khi xuất bản. Vì thế, nhiều khách Pháp sang vẫn tìm ông ở địa chỉ nhà hàng cũ, hoặc vẫn tìm đến Cảng tàu du lịch Bãi Cháy cũ để thuê tàu thăm Vịnh.

Năm nay đã ngoài 60 tuổi, ông Nguyễn Văn Sóng có lẽ là hướng dẫn viên nói tiếng Pháp cao tuổi nhất hoạt động trên Vịnh Hạ Long hiện nay và chắc chắn là hướng dẫn viên am hiểu nhất về mảnh đất này, bởi ông là người Hạ Long từ năm 1963 đến nay.

Công việc chính của ông hiện nay: Ngoài làm hướng dẫn viên, còn là tài xế của mấy đứa cháu nội, ngoại. Nhiều khi đang ngồi cà phê với du khách, nhìn đồng hồ, ông dặn du khách: “Cứ ngồi đây nhé, tớ phải đi đón cháu đã. Lát quay lại”, rồi vội vã vù xe đi…

Tác giả bài viết: Nguyễn Hùng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok