Kinh tế

Chưa chốt được phương án lương tối thiểu vùng 2018

Ngày 27-6, tại Hải Phòng Hội đồng tiền lương Quốc gia đã họp phiên thứ nhất để bàn về phương án tăng lương tối thiểu vùng 2018. Phiên họp diễn ra rất căng thẳng khi đại diện người sử dụng lao động và đại diện giới doanh nghiệp đã đưa ra những con số rất chênh lệch.

Trước khi phiên họp diễn ra, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) dự kiến sẽ đề xuất mức tăng từ 14-18%. Trong khi đó, phía Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lại chỉ đề xuất mức tăng khoảng 2%. Với 2 mức đề xuất cách xa nhau quá nhiều, không ít ý kiến cho rằng, kỳ họp Hội đồng tiền lương Quốc gia năm nay thậm chí sẽ còn căng thẳng hơn những năm trước.

Tại phiên họp này, đại diện các bên đã đưa ra quan điểm, nguyên tắc, phương án đề xuất tiền lương tối thiểu vùng năm 2018, cùng với đó là các vấn đề xoay quanh việc đánh giá tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, mức sống của người dân, người lao động, đưa ra dự báo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ…

Phiên họp thứ nhất vẫn chưa chốt mức tăng lương tối thiểu vùng 2018 cho người lao động.

Đại diện Tổng LĐLĐVN, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đã đề xuất phương án tăng lương tối thiểu ở mức tuyệt đối từ 370.000 đồng lên 450.000 đồng với mức tăng bình quân 13,3%. Theo đánh giá của Tổng LĐLĐVN, mức sống của người lao động đang rất khó khăn do liên quan đến mức lương tối thiểu.

“Theo Điều 90, Điều 91 Bộ Luật Lao động thì mức lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.

Trên thực tế, vào thời điểm hiện nay, mức lương tối thiểu mới chỉ đạt được khoảng 80% nhu cầu sống tối thiểu. Do đó, phía Tổng LĐLĐVN cũng mong muốn cuộc sống của người lao động được cải thiện, từ đó giúp họ yên tâm gắn bó với doanh nghiệp.

Tổng LĐLĐVN xác định, doanh nghiệp với người lao động phải là một. Doanh nghiệp có điều kiện phát triển thì người lao động mới có điều kiện thu nhập; ngược lại chủ sử dụng lao động cũng phải coi người lao động như là một phần không thể tách rời của mình, phải quan tâm đến người lao động thì họ mới gắn bó với doanh nghiệp và hăng hái sản xuất, nâng cao tay nghề, năng suất lao động”, đại diện Tổng LĐLĐVN lập luận.

Trong khi đó, đại diện giới sử dụng lao động đề xuất xem xét chỉ tăng bằng chỉ số trượt giá CPI, khoảng dưới 5%. Theo lập luận từ phía VCCI, nếu mức lương tối thiểu đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu thì chỉ xem xét điều chỉnh do các điều kiện khác như điều kiện kinh tế - xã hội, CPI (chỉ số trượt giá)…, mà không phải điều chỉnh lớn về mức sống tối thiểu hằng năm nữa.

Tại cuộc họp này, Bộ phận Kỹ thuật Hội đồng tiền lương Quốc gia đưa ra 3 phương án tăng mức lương tối thiểu vùng năm tới. Phương án thứ nhất tăng từ 130.000 đồng lên 180.000 đồng, tỉ lệ tăng bình quân 5%; phương án thứ hai tăng từ 160.000 đồng lên 220.000 đồng, tỉ lệ tăng bình quân tăng 6%; phương án thứ ba tăng từ 180.000 đồng lên 250.000 đồng, với mức tăng bình quân 6,8%. Như vậy, những con số của Bộ phận kỹ thuật, Tổng LĐLĐVN, VCCI đưa ra vẫn có nhiều khác biệt.

Kết thúc phiên họp lần thứ nhất, Hội đồng tiền lương Quốc gia yêu câu các bên xem xét để đảm bảo lợi ích hài hoà giữa người lao động và doanh nghiệp.

Tác giả: Phan Hoạt

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok