Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu các Sở, ngành tham mưu, xử lý dứt điểm việc đầu tư xây dựng, phục hồi công trình chùa Bạch Tượng (xã Nga Giáp, huyện Nga Sơn) không đúng quy định.
Theo đó, ông Phạm Đăng Quyền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Sở Văn hóa, thể thao du lịch phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan khẩn trương tham mưu cho tỉnh chỉ đạo đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện trình tự, thủ tục xử lý, khắc phục dứt điểm vi phạm trong đầu tư xây dựng, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích chùa Bạch Tượng.
Một trong những nội dung chú ý, tỉnh yêu cầu tham mưu việc thu hồi quyết định xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh và xử lý số tiền đã được tỉnh hỗ trợ cho tu bổ, tôn tạo di tích. Đồng thời, xem xét trách nhiệm của ngành, đơn vị, địa phương, tổ chức, cá nhân đã để xảy ra sai phạm tại di tích chùa Bạch Tượng.
Di tích chùa Bạch Tượng. Ảnh: Báo Văn Hóa. |
Dư luận đặt câu hỏi, chùa Bạch Tượng sai phạm gì mà Thanh Hóa rút tiền, rút bằng di tích?
Theo tìm hiểu, trước tình trạng xuống cấp nghiêm trọng một số hạng mục tại di tích chùa Bạch Tượng – một ngôi chùa cổ có niên đại khoảng 500 năm trên địa bàn xã Nga Giáp, ngày 21/9/2018, UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản đồng ý chủ trương đầu tư tôn tạo, tu sửa di tích chùa Bạch Tượng từ nguồn vốn ngân sách xã và các nguồn huy động hợp pháp khác.
Ngày 26/12/2018, Sở VHTTDL Thanh Hóa có văn bản số 4000/ SVH-DSVH về việc thỏa thuận thiết kế tôn tạo di tích chùa Bạch Tượng, hạng mục: Nhà thờ tổ.
Tuy nhiên, trong quá trình tu bổ, tôn tạo tại di tích chùa Bạch Tượng đã xảy ra nhiều sai phạm và vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản văn hóa.
Cụ thể, căn cứ văn bản số 4000 của Sở VHTTDL Thanh Hóa về việc thỏa thuận thiết kế, nhà tổ có kết cấu kiến trúc hình chữ Nhất gồm 3 gian bằng vật liệu bê tông cốt thép, vì kèo cấu trúc “giá chiêng chồng rường con nhị”. Tuy nhiên, quá trình triển khai, UBND xã Nga Giáp – chủ đầu tư dự án đã tự ý thay đổi cấu trúc theo kiểu chữ Nhị gồm 7 gian Tiền đường và 5 gian Hậu cung bằng bê tông cốt thép. Hai nhà này được nối với nhau bởi hai nhà cầu hai bên.
Ngoài ra, hạng mục hai nhà sàn gỗ không có hồ sơ thiết kế kỹ thuật và chưa được các cấp có thẩm quyền thỏa thuận phê duyệt cũng đã được dựng lên. Mặt khác trong mặt bằng tổng thể cũng không có hai hạng mục nhà sàn.
Về hạng mục Cổng tam quan và hạng mục tượng Quan Âm đã được xây dựng hoàn chỉnh nhưng chưa được thỏa thuận, phê duyệt theo quy định. Các hạng mục trên được xây dựng mà chưa có ý kiến của cơ quan có thẩm quyền là vi phạm nghiêm trọng pháp luật về di sản văn hóa.
Cụ thể, điều 34, Luật Di sản Văn hóa quy định: “Việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải bảo đảm giữ gìn tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích... Đối với di tích cấp tỉnh, phải được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch cấp tỉnh. Tổ chức, cá nhân thi công, giám sát thi công dự án bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề đối với tổ chức và chứng chỉ hành nghề đối với cá nhân”.
Điều đáng nói là, toàn bộ các hạng mục trái phép nêu trên đã cơ bản được hoàn thiện thì cơ quan quản lý Nhà nước về di tích mới phát hiện.
Ngày 25/9/2019, Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Thanh Hóa (thuộc Sở VHTT&DL Thanh Hóa) đã cử cán bộ đến kiểm tra, đồng thời lập biên bản, đình chỉ việc xây dựng các hạng mục trong khuôn viên di tích chùa Bạch Tượng.
Sau đó 2 ngày, Sở VHTTDL Thanh Hóa có văn bản 3348 đề nghị UBND huyện Nga Sơn chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn có liên quan của huyện và UBND xã Nga Giáp dừng ngay việc xây dựng các hạng mục công trình nhà thờ tổ không đúng với hồ sơ thiết kế, bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Cổng Tam quan, tượng Quan Âm, nhà sàn thuộc di tích chùa Bạch Tượng cũng được chỉ rõ chưa được cấp có thẩm quyền cho phép; làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý việc xây dựng, tu bổ, phục hồi, tôn tạo di tích không tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật hiện hành đối với đơn vị, tổ chức, cá nhân.
Đáng chú ý, dù những sai phạm được Sở VHTTDL Thanh Hóa và UBND huyện Nga Sơn đã chỉ rõ, đồng thời chỉ đạo, ban hành nhiều văn bản yêu cầu dừng thi công xây dựng các hạng mục sai phạm nhưng việc chỉ đạo, quản lý của UBND xã Nga Giáp còn lỏng lẻo, không quyết liệt, các giải pháp đưa ra không cụ thể nên việc thi công không được ngăn chặn.
Tại văn bản số 560/BC-UBND của UBND huyện Nga Sơn tháng 10/2020 nêu rõ, các hạng mục công trình tại di tích chùa Bạch Tượng thuộc xã Nga Giáp đã xây dựng xong phần thô, công trình xây dựng lớn nên việc phá, dỡ gặp nhiều khó khăn và gây lãng phí tiền của đóng góp của nhân dân.
Mặt khác do chưa nắm vững Luật Di sản văn hóa và các quy định của pháp luật hiện hành về di sản văn hóa nên việc quản lý, chỉ đạo của UBND xã Nga Giáp (chủ đầu tư) còn lỏng lẻo để nhân dân tự ý xây dựng không đúng thiết kế, kiến trúc, yếu tố gốc cấu thành di tích không được đảm bảo theo nguyên trạng, không có khả năng khôi phục để đảm bảo tiêu chí trong xếp hạng di tích.
Căn cứ vào những sai phạm trên, UBND huyện Nga Sơn đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét, cho thu hồi quyết định công nhận xếp hạng di tích cấp tỉnh chùa Bạch Tượng.
Ngày 30/10 mới đây, Sở VHTTDL có văn bản báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nêu rõ, đến thời điểm hiện tại, UBND huyện Nga Sơn và UBND xã Nga Giáp (chủ đầu tư) vẫn không chỉ đạo được việc dừng hoạt động xây dựng, tôn tạo tại di tích chùa Bạch Tượng; không đề xuất biện pháp xử lý cụ thể đối với từng hạng mục công trình để báo cáo cấp có thẩm quyền như nội dung chỉ đạo tại các văn bản của UBND tỉnh Thanh Hóa.
Sở VHTTDL đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa thu hồi quyết định xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh chùa Bạch Tượng. Đồng thời, có hình thức xử lý kỷ luật đối với các cá nhân, tập thể có liên quan của UBND huyện Nga Sơn; yêu cầu UBND huyện Nga Sơn xử lý kỷ luật đối với các cá nhân, tập thể có liên quan của UBND xã Nga Giáp theo thẩm quyền.
Dư luận cho rằng, việc thu hồi quyết định xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh và xem xét trách nhiệm của ngành, đơn vị, địa phương, tổ chức, cá nhân đã để xảy ra sai phạm tại di tích chùa Bạch Tượng là rất cần thiết. Bởi chỉ có làm quyết liệt mới từng bước đưa công tác quản lý di tích đi vào nền nếp; để việc trùng tu di tích thực sự giúp các di tích giữ được vốn cổ, vốn là hồn cốt mang nhiều giá trị văn hóa di sản của di tích.
Tác giả: Tâm Đức
Nguồn tin: Báo Kiến thức