Trong tỉnh

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa

Chiều nay, tại Thanh Hóa, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Dự cuộc làm việc có các Ủy viên BCH Trung ương Đảng: Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên;Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng…Về phía tỉnh Thanh Hóa có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Đỗ Trọng Hưng, cùng các thành viên trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh Thanh Hóa…

Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch COVID-19, năm 2021, kinh tế của tỉnh vẫn tăng trưởng khá, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2021 đạt mức 8,85% thuộc nhóm cao của cả nước. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đều tăng so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp vẫn giữ vai trò chủ đạo, nông nghiệp được đẩy mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, dịch vụ tiếp tục tăng trưởng và đóng góp quan trọng vào giá trị xuất khẩu của tỉnh (giá trị xuất khẩu đạt gần 5,34 tỷ USD, vượt 33,5% so với kế hoạch), xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực. Đặc biệt, thu ngân sách nhà nước đạt cao nhất từ trước đến nay, đạt 39.519 tỷ đồng, vượt 49% dự toán, tăng 25% so với năm 2020; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 92,7% cao hơn bình quân chung cả nước.

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị tiếp tục được đầu tư nâng cấp, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển và góp phần tạo ra diện mạo mới về đô thị của tỉnh. Trong năm 2021, số doanh nghiệp thành lập mới vượt 24,3% kế hoạch, nhiều dự án quy mô lớn trong các lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi công nghệ cao, công nghiệp, du lịch, giao thông, đô thị đã được khởi công trong năm.

Văn hóa, xã hội được chú trọng; an sinh xã hội được đảm bảo; quốc phòng, an ninh tiếp tục được củng cố vững chắc. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả nổi bật. Công tác kiểm tra, giám sát, phòng, chống tham nhũng được tăng cường…

Hoạt động của Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được thực hiện chủ động, tích cực, trong đó có nhiều đóng góp trong công tác lập pháp, tổ chức các cuộc giám sát, khảo sát, tiếp xúc cử tri, giải đáp, giải quyết các kiến nghị của cử tri.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chúc mừng và biểu dương những kết quả, thành tích mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đạt được trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho rằng, tỉnh còn một số khó khăn, tồn tại, hạn chế, có 5 chỉ tiêu không đạt so với Kế hoạch đề ra và đây là những chỉ tiêu quan trọng; chất lượng tăng trưởng kinh tế, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, các sản phẩm còn chưa cao; kết cấu hạ tầng còn thiếu, nhất là hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và khu vực miền núi phía Tây; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh có mặt còn hạn chế; năng lực hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng còn bất cập; tình trạng ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh an toàn thực phẩm còn xảy ra; công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí kết quả chưa cao.


Bên cạnh những yếu tố khách quan như ảnh hưởng của dịch COVID-19, còn có cả những nguyên nhân chủ quan như: năng lực, hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, quản lý, điều hành của chính quyền một số đơn vị còn hạn chế; chất lượng cán bộ ở một số lĩnh vực, ngành, địa phương chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; tính tiên phong, gương mẫu, tinh thần trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn yếu… Vì thế, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị lãnh đạo tỉnh nhìn thẳng những hạn chế để có các giải pháp quyết liệt để khắc phục những hạn chế để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững hơn trong thời gian tới.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân trong tỉnh phát huy mạnh mẽ truyền thống cách mạng vẻ vang, tinh thần đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo. Đặc biệt cần tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh. Làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tăng cường các công tác tư tưởng, dân vận, kiểm tra, giám sát, giữ nghiêm kỷ luật đảng; đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, chống lãng phí, tiêu cực.

Nhắc lại những con số được nêu ra tại Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị “Về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, tham vọng đặt ra rất lớn, nhưng đó cũng chính là thách thức vô cùng khó khăn và điều quan trọng là ngoài ngoại lực được Đảng, Nhà nước hỗ trợ thì nội lực là quan trong. Đó chính là trách nhiệm của toàn Đảng bộ Thanh Hóa.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý “không phải cứ có nghị quyết là thành hiện thực ngay”, mà phải tuyên truyền, quán triệt, “thấm đến từng người dân, từng cán bộ, từng đảng viên, từng tổ chức, từng cơ quan, từng địa phương để ai cảm thấy cũng phải có trách nhiệm, “góp gió thành bão”, mỗi người đều phấn đấu, đều thi đua thì mới được; phải có khát vọng để phát triển. Như Bác Hồ đã căn dặn, Thanh Hóa phải trở thành “một tỉnh kiểu mẫu”, và “muốn trở thành một tỉnh kiểu mẫu, nhất định được, vì người đông, đất rộng, của nhiều, chỉ còn thiếu sự điều khiển sắp đặt”. Về “sự điều khiển sắp đặt”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, bây giờ cơ chế, chính sách cho Thanh Hóa đã có, vấn đề là phải quản lý, nâng cao năng lực quản trị, tiếp tục quán triệt sâu sắc, tổ chức triển khai thực hiện tốt các nghị quyết của Bộ Chính trị, của Quốc hội. Đẩy nhanh việc cụ thể hóa và triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết 37 Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa.

Xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ hiệu quả người dân và doanh nghiệp. Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế, - xã hội và duy trì các động lực tăng trưởng trong dài hạn. Phát huy những kết quả đạt được trong những năm qua để đạt nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững hơn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng và triển khai hiệu quả quy hoạch tỉnh Thanh Hoá phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ. Trong đó, cần chú ý quy hoạch đô thị tỉnh Thanh Hoá phải theo hướng phân bổ hợp lý giữa các vùng, kết nối thuận lợi với các đô thị vùng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ theo định hướng phát triển kinh tế đô thị, kết hợp giữa hiện đại và truyền thống, thân thiện với môi trường, dẫn dắt đổi mới sáng tạo và là động lực tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, chú trọng phát triển kinh tế phải gắn với phát triển đô thị. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt, tránh chồng chéo, phát huy các tiềm năng, lợi thế của Thanh Hóa trong tương quan chung của cả Vùng.

Chủ tịch Quốc hội nói: "Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo chuyển biến về chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của các ngành kinh tế. Chú trọng phát triển công nghiệp theo chiều sâu, mở rộng quy mô sản xuất các ngành công nghiệp có thế mạnh, đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung bộ và cả nước về công nghiệp năng lượng và công nghiệp chế biến, chế tạo. Trước mắt là phối hợp với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, EVN, Bộ Công thương và các bộ, ngành có liên quan để tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho Dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn và cũng nên đánh giá tác động của khó khăn này liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội và thu ngân sách của tỉnh. Cần đánh giá kỹ, nếu 42.000 tỷ kia thì bao nhiêu là thuế môi trường, bao nhiêu thuế tiêu thụ đặc biệt thu được từ dự án này. Nếu mà chỉ sản xuất công suất rất thấp thì lập tức ảnh hưởng rất lớn đến nguồn thu".

Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghệ cao theo chuỗi giá trị, xác định rõ các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh để tập trung phát triển; chú trọng công tác xây dựng thương hiệu hàng nông sản, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại mở rộng thị trường tiêu thụ. Phát triển nhanh các ngành dịch vụ có lợi thế, như: dịch vụ, vận tải biển, vận tải hàng không, logistics; nâng cao giá trị xuất khẩu. Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tạo sức hấp dẫn mới để đẩy mạnh thu hút đầu tư, huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; tập trung bảo đảm an sinh xã hội, nguồn nhân lực. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp.

Đối với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh, đại diện các cơ quan cũng đã có ý kiến trao đổi, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết sẽ ghi nhận và đề nghị giao Văn phòng Quốc hội tổng hợp các đề xuất, kiến nghị gửi các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét, giải quyết theo thẩm quyền./.

Tác giả: Lê Tuyết

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok