Trong tỉnh

Chủ động ngăn chặn tình trạng xuất khẩu lao động “chui” đầu năm

Những năm gần đây, các ngành chức năng của tỉnh Thanh Hóa đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, cảnh báo những hệ lụy, đồng thời phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp xuất khẩu lao động “chui”, tuy nhiên cứ vào thời điểm sau Tết Nguyên đán tình trạng này lại “nóng” lên.

Theo báo cáo từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và qua tìm hiểu thực tế, những năm gần đây, tình trạng xuất khẩu lao động “chui” vào dịp sau Tết Nguyên đán lại “nở rộ” tại các vùng quê. Đây cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng bất ổn về tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội tại các địa phương. Từ năm 2000 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có trên 10.000 công dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc để tìm kiếm việc làm. Trong số đó có hàng trăm trường hợp bị phía Trung Quốc bắt, phạt tiền và trục xuất về nước; nhiều trường hợp bị bắt và đưa ra xét xử, nhiều trường hợp phụ nữ sang lao động bị mất tích và có cả trường hợp tử vong. Hầu hết số lao động “chui” sang Trung Quốc làm ăn đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, trình độ văn hóa thấp, thiếu hiểu biết, không có việc làm hoặc nghề nghiệp không ổn định. Sau Tết Nguyên đán là thời điểm nông nhàn, thêm vào đó số lao động này lại được một số đối tượng môi giới, hoặc lao động “chui” từ Trung Quốc về quê ăn Tết rủ rê, lôi kéo. Để sang được Trung Quốc, mỗi người dân phải đóng một khoản tiền cho người trung gian được gọi là các “cò lao động”. Sau khi nhận tiền, người môi giới sẽ dẫn “con mồi” sang Trung Quốc bằng đường bộ, sau đó đưa vào các vùng sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp, may mặc, giúp việc gia đình... để làm việc.

Với mức lương hấp dẫn mà “cò” hứa hẹn, nhiều người bất chấp nguy hiểm, rủi ro, ra đi tìm miền đất hứa. Thời gian trong năm, đa phần các lao động “chui” làm việc tại Trung Quốc rất ít khi về, chỉ vào dịp cuối năm họ mới trở về quê ăn tết. Khi về, nhiều lao động còn mang theo các tệ nạn xã hội, thói côn đồ, gây ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình an ninh, trật tự địa phương. Việc công dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc không chỉ ảnh hưởng tới việc tổ chức sản xuất và thực hiện các chính sách tại địa phương, mà quan trọng hơn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro đe dọa trực tiếp tới quyền lợi, sức khỏe và tính mạng của người lao động. Điều đáng lo ngại là mặc dù đã có nhiều trường hợp bị lực lượng chức năng bắt giữ, hoặc sang Trung Quốc làm việc, song đã bị trả về nước, sức khỏe tổn hại nhưng nhiều người dân, đặc biệt là tại các địa phương ven biển vẫn “lao đầu” theo lời dụ dỗ của các đối tượng.

Ông Lê Xuân H. ở huyện Quảng Xương cho biết: Đầu năm 2017, vì nghe theo lời giới thiệu của một người quen, tôi đã cho hai đứa con (1 trai, 1 gái) sang Trung Quốc lao động, với số tiền nộp gần 3 chục triệu đồng. Những tưởng sang Trung Quốc sẽ có việc làm, thu nhập ổn định và có tiền trả nợ cho gia đình, nhưng tháng 6-2017, cả hai đứa con phải trở về nhà tay trắng vì không có việc làm... Đã nghèo, nay lại kèm thêm khoản nợ khó thanh toán, cuộc sống gia đình ngày càng khó khăn. Những trường hợp cho con đi xuất khẩu “chui” khi trở về tay trắng như ông Lê Xuân H. là không hiếm ở các địa phương hiện nay.

Với các đối tượng “cò lao động”, sau khi lôi kéo, dụ dỗ thành công, thay vì tổ chức thuê xe để chở tập trung các công dân tới biên giới như trước kia, nay chuyển sang hình thức “xé lẻ”, gửi gắm lên các tuyến xe khách từ Thanh Hóa đi các tỉnh phía Bắc như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai... Thủ đoạn khá tinh vi này là để đối phó với cơ quan công an, các lực lượng chức năng, đồng thời bảo đảm việc đưa người trót lọt sang Trung Quốc lao động trái phép. Gần đây, các đối tượng còn lên một số huyện miền núi như Quan Hóa, Mường Lát lôi kéo các công dân nữ trong độ tuổi lao động sang Trung Quốc làm việc. Gia đình nào đồng ý cho con em đi lao động thì được trả chi phí đi xe khách xuống TP Thanh Hóa, sau đó có người liên lạc đón và tiếp tục đưa đi các tỉnh biên giới phía Bắc. Việc phát hiện của các cơ quan chức năng là rất khó do bản thân các công dân vì muốn có việc làm nên đã không báo cho cơ quan chức năng. Đã có không ít trường hợp đi sang Trung Quốc làm việc 2-3 năm nay nhưng vẫn chưa một lần về nhà.

Rút kinh nghiệm từ những năm trước, ngay từ tháng 12-2017, UBND tỉnh, Công an tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường việc ngăn chặn tình trạng xuất khẩu lao động trái phép tại 27 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, trong đó chú trọng vào các điểm nóng trong nhiều năm qua cũng như ở các địa phương khác. Các địa phương bằng nhiều hình thức phù hợp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, các quy định về xuất khẩu lao động nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác cho người dân. Công tác tuyên truyền, vận động được triển khai tới từng khu dân cư, tới các gia đình. Với những địa phương có nhiều người đi lao động bất hợp pháp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã giới thiệu các đơn vị tuyển dụng có uy tín về tuyển dụng theo các đơn hàng đã ký để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người lao động, đồng thời có những chính sách hỗ trợ cho người đi xuất khẩu lao động bằng con đường chính ngạch, đúng quy định của pháp luật.

Việc tiếp nhận thông tin tố giác của người dân ngay từ cơ sở được các địa phương chú trọng, công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm theo pháp luật đối với các đối tượng tổ chức đưa người đi lao động trái phép được triển khai quyết liệt. Ghi nhận từ các “điểm nóng” như Quảng Xương, Hậu Lộc, Tĩnh Gia, TP Sầm Sơn là khá tích cực. Điển hình là ngày 1-2-2018, Công an huyện Tĩnh Gia đã khởi tố vụ án và bắt giữ đối tượng Nguyễn Văn Hoằng (sinh năm 1968, trú xã Hải Châu, huyện Tĩnh Gia) về hành vi đưa người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc. Từ năm 2014 đến nay, Hoằng đã tổ chức và đưa được 5 công dân ở xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương và xã Hải Châu, huyện Tĩnh Gia đi xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động. Đầu năm 2018, Hoằng đã tìm kiếm và lôi kéo thêm một số công dân khác chuẩn bị xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc thì bị công an bắt giữ.

Sự chủ động là cần thiết song các cơ quan chức năng, các địa phương vẫn cần phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa nhằm ngăn chặn tối đa tình trạng xuất khẩu lao động chui đầu năm mới, góp phần ổn định tình hình kinh tế - xã hội cho các địa phương, cũng như bảo đảm quyền lợi cho các công dân, tránh những hệ lụy, gây hậu quả xấu cho các gia đình.

Tác giả: Mạnh Cường

Nguồn tin: Báo Thanh Hóa điện tử

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok