Cuộc sống

Chồng thấy con cái là 'cục nợ' mỗi khi về nhà bị níu tay, níu chân...

Anh nói anh không chịu nổi sự nhàm chán của đời sống vợ chồng, sự níu kéo khó chịu của mấy đứa con… và cơ bản là do công việc có những trở ngại khiến anh không thể lo nổi phần kinh tế cho gia đình nữa.

- Thấy chưa? Tui đã nói rồi mà… Thấy chưa? Phức tạp! Người đời phức tạp lắm…

Cô gái lẩm bẩm trong miệng rồi đột ngột phá lên cười. Cô cười sằng sặc. Dứt cơn cười cũng là lúc hai hàng nước mắt tuôn rơi. Vừa quẹt tay áo lên lau mắt, cô vừa nói như sợ ai cướp lời: “Tôi sợ lắm, tôi sợ lắm… Sợ người ta bắt tôi…”.

Gương mặt cô nhem nhuốc bụi bẩn và nước mắt. Cái mũ vải trên đầu rách nham nhở, một màu xám dơ dáy. Ngồi lẩm bẩm một lúc nữa, cô gái đứng dậy, đi về hướng bụi tầm vông sau vườn.

Phía bên kia đường, người đàn ông lớn tuổi mặc bộ comple màu xám ngồi trong quán cà phê tần ngần ngó theo. Cô gái vừa khuất bóng, ông cũng đứng dậy, bước lên chiếc xe hơi màu xám bạc. Chiếc xe lướt đi gần như không tiếng động.

Trong quán, cô chủ buông một hơi thở dài.

***

Tím từng có một gia đình êm ấm. Tím có tiệm cà phê bình dân đầu xóm, khá đắt khách. Cũng từ cái tiệm này mà Tím gặp chồng, một khách hàng quen. Chồng Tím là dân xây dựng. Anh đi hết công trình này đến công trình khác, lâu lâu mới về, vài bữa lại đi. Rất nhiều lời ong tiếng ve cho rằng Tím gan cùng mình mới chấp nhận ở nhà cho chồng đi Nam về Bắc.

Giang hồ đồn, dân xây dựng với dân lái xe là loại người dễ sa ngã lắm mà… Tím chỉ cười: “Đèn nhà ai nấy sáng”. Tận đáy lòng, Tím nghĩ rằng mình sống tốt, thương yêu chồng thật lòng, thì sẽ được thương yêu như vậy. Thì hồi mới quen, chồng Tím chẳng từng nói, anh yêu Tím không chỉ vì cô chăm chỉ làm ăn mà còn vì nết đôn hậu thật thà, hết lòng vì người khác hay sao?

Một đứa con rồi hai đứa con sinh năm một. Một tay Tím chăm bẵm, nuôi dạy. Cái quán giúp Tím đỡ cô đơn buồn bã lúc vắng chồng, cũng là nguồn thu nhập để Tím xoay xở những khi chồng chưa kịp “nộp lương” hàng tháng. Nhưng Tím thấy lạ ở chỗ, chồng Tím dường như không quan tâm gì tới con cái và thấy đó là “cục nợ” mỗi khi về nhà bị con níu tay níu chân. Chưa kể, chồng Tím muốn gần gũi vợ cũng không có thời gian…


Vào một đêm mùa hè ngột ngạt, khi Tím đóng cửa quán, chuẩn bị dọn dẹp đi ngủ, chồng Tím kêu vợ ra ngoài sân nói chuyện. Anh nói anh không chịu nổi sự nhàm chán của đời sống vợ chồng, sự níu kéo khó chịu của mấy đứa con… và cơ bản là do công việc có những trở ngại khiến anh không thể lo nổi phần kinh tế cho gia đình nữa.

Tím chưa kịp an ủi chồng thì anh đột ngột đề nghị chia tay. Anh sẽ rời đi khỏi nơi này. Ngôi nhà và những thứ vợ chồng tích cóp mua sắm được, anh sẽ để lại hết cho vợ và các con... Ngồi nghe chồng tha thiết năn nỉ gần như van xin vợ hiểu chuyện mà không làm ầm ĩ lên, Tím chỉ còn biết đơ người như cây cột nhà, không biết nói lời nào cho phải.

Sau đêm đó, chồng Tím đi khi nào Tím cũng không hay. Mọi nỗ lực níu kéo sau đó đều không hiệu quả. Nhiều người quen nói, chắc chắn chồng Tím có một tổ ấm khác ở đây ở kia nên mới bỏ vợ như vậy. Tím đành xuôi tay, chấp nhận số phận.

Một mình lầm lụi nuôi con suốt mười năm. Tưởng chừng trái tim Tím đã nguội lạnh như đống tro trong cái bếp cũ không xài tới. Chẳng dè…

Bữa người đàn ông đó ghé vào quán cà-phê-xóm của Tím, người đàn bà hai mặt con tự dưng thấy tim mình lỗi nhịp trước ông già đáng tuổi cha mình.

Ông già cô đơn, ngồi cà phê để ngó đứa con gái bị tâm thần một vài giờ, rồi rời đi. Ông không thể tiếp cận được con gái, vì mỗi lần thấy bóng ông thấp thoáng là cô ngồi thụp xuống, lẩn vào bụi cây, bò trốn mất. Ông nói con nhỏ bị bệnh nhiều năm nay, gia đình đã đưa đi chữa nhưng vô hiệu. Con nhỏ cứ lang thang, trốn chạy và ông cứ đi tìm, đến thời gian này thì biết nó ngụ cư tại xóm này, sau một căn nhà bỏ hoang và thích ngồi ngoài gốc tre hơn ở trong nhà, thích lẩm bẩm một mình hơn nói chuyện tay đôi. Có khi vài ngày cô gái mới ăn một lần, dù có rất nhiều đồ ăn mà người này người kia cho lúc cô lang thang ngoài chợ.

Tính ra, ông có tới ba bà vợ. Cô gái tâm thần này con của bà thứ nhất. Bà sinh con được bốn mươi ngày thì mất. Khi con gái lên ba tuổi thì ông cưới thêm bà nữa. Cô bé bị trầm cảm, lầm lì không nói chuyện với ai, cho tới khi dậy thì thì căn bệnh phát nặng… Người vợ sau bỏ đi, vì không con cái, và vì không muốn chăm sóc đứa con chồng dở điên dở dại cứ nhè đầu bà mà ném bất cứ thứ gì nó cầm được.

Sau đó ít lâu ông lại có vợ. Cô vợ sau không cưới hỏi, chỉ ở với ông được vài năm, có một đứa con trai. Tưởng đã êm xuôi tuổi già, nhưng khi công việc kinh doanh của ông không còn thuận lợi như trước thì cô này ôm con quảy túi về nhà mẹ. Chỉ năm sau cô tuyên bố lấy chồng. Một anh Việt kiều tình nguyện lo cho cả hai mẹ con, cưới xong làm hồ sơ bảo lãnh cho mẹ con họ đi. Ông còn lại một mình. Không ai trong số hai người vợ được biết, nát giậu vẫn còn bờ tre, số tài sản còn lại của ông đủ để cha con ông sống thoải mái suốt đời.

Từ ngày phát hiện ra chỗ ở mới của con gái gần cái quán cà phê nhỏ bên đường với cô chủ quán có vẻ thật thà, thương người, ông có chỗ ngồi để trút bầu tâm sự. Sẵn tiện, ông nhờ Tím để mắt dòm ngó giùm cô con gái.

***

Ông vào bệnh viện đột ngột. Ông bị tiểu đường 10 năm nay, chữa chạy nhiều nhưng bệnh ngày càng nặng. Hôm nay nhập viện là vì hai ngón chân cái bị nhiễm trùng nghiêm trọng, bác sĩ nói phải tháo khớp. Khi thu xếp nhập viện xong, ông mới liên lạc với Tím.

Tím mếu máo khi vô thăm ông: “Chú nằm đây, một thân một mình, rồi ai lo cho chú?”. Ông cười: “Quen rồi. Chú tự lo được mọi thứ. Phiền Tím mỗi sáng mang cho chú một ít nước sôi và cà phê. Cũng phiền Tím để ý con nhỏ giùm chú!”.

Những ngày ông nằm viện là những ngày giông bão. Tím sấp ngửa vừa lo cho con mình lẫn con người, vừa lo may vá buôn bán, vừa chạy ra vô bệnh viện nuôi ông già. Chỉ một thời gian ngắn mà Tím gầy rạc đi. Cho đến khi ông ra viện thì hai từ chú cháu đã được thay bằng hai tiếng anh em thật ngọt tự khi nào. Họ bắt đầu những cuộc hẹn hò - như những cặp đôi yêu nhau.

Chỉ có điều, Tím không tính tới chuyện phải chịu đựng ánh mắt khinh miệt lẫn tò mò của những người rỗi việc khi thấy chị cùng một ông già vào quán cà phê vườn kín đáo, thậm chí vào khách sạn. Ban đầu Tím cũng khó chịu, nhưng rồi cái tình cảm lẫn cảm giác lạ lùng mà ông già đem đến làm Tím quên hết mọi nỗi. Tím yêu như chưa từng được yêu, bất chấp mọi thứ, kể cả việc chưa bao giờ ông đề nghị sống chung với Tím dưới một mái nhà. Chỉ cần mỗi ngày trò chuyện với ông, nhìn thấy mặt ông, là Tím cảm thấy vui rồi.

Nhưng rồi ông đổ bệnh liên miên. Những bệnh tuổi già cộng với tâm lý không tốt khiến ông nằm bẹp như một chiếc lá ướt. Tiền bạc dành dụm của ông lần lượt chảy vào các bệnh viện. Tím vừa lo duy trì cái quán để nuôi các con ăn học vừa chạy ngược chạy xuôi, lo lắng sợ ông một thân một mình thui thủi với cơn đau. Mỗi cái trở mình khó nhọc của ông là mỗi dòng nước mắt của Tím chảy tưởng như không cạn. Tím không biết mình lấy đâu ra sức lực để có thể chu toàn mọi thứ.

Một buổi chiều đang chuẩn bị làm cơm cho ông thì Tím nghe tiếng xe hơi chạy vào sân. Cửa xe mở, một người đàn bà ăn mặc sang trọng bước vào, đi thẳng xuống bếp ngó xéo Tím một cái. Không để cho Tím kịp hỏi han, bà ta đã quày quả gõ giày lộp cộp lên nhà trên. Tím nghe một giọng the thé:

- Tui tưởng ông ở đây ông kiếm được con nào khá khá, ai mà dè ông đem con nhỏ bán quán đó về thờ hả? Ông già rồi, làm như vậy không thấy mắc cỡ với con cái hay sao? Tui mới về, nghe nói ông bịnh hoạn, nghĩ tình tui tới thăm. Nghe người ta nói đầy lỗ tai, nay mới thấy tận mặt đó. May là thằng con ông nó không theo, chớ ngó thấy cảnh này, sao mà nó sống nổi…

Ông còn ngỡ ngàng thì người đàn bà đã vùng vằng quảy túi đi ra xe, quăng lại cho ông lẫn Tím cái nhìn khinh miệt.

Ba giờ sáng mà Tím vẫn trằn trọc. Tím cứ nhớ lại hình ảnh hồi chiều của ông nơi cửa nhà rồi thở dài. Ở đời, làm đàn bà gãy gánh, muốn có một tình yêu đàng hoàng với ai đó, thật lòng không dễ. Tím nhớ những lần ông ngồi trong quán cà phê của chị hàng giờ, lẩn thẩn kể chuyện đời.

Tím nhớ những lần ngồi bên cạnh ông lúc ông ốm đau, nghe tiếng ông thở dài mà thương đến thắt lòng. Tím nhớ... nhưng Tím thấy không thể nào tiếp tục mối quan hệ yêu đương lâu hơn với ông được. Điều ra tiếng vào, rồi sấp nhỏ sống sao đây trước miệng đời mai mỉa? May là người đàn bà kia không còn yêu chổng cũ, nếu không, bà ta chơi kiểu ăn không được đạp cho hôi, rồi Tím sẽ sống sao? Ông già sẽ sống sao?

Tím nói lời chia tay với ông mà thấy lòng chết điếng. Ông chắc cũng tự ái, không tới thăm Tím, thăm đứa con gái tâm thần vẫn lai vãng nơi bụi tre trước nhà Tím. Cũng không điện thoại hay nhắn tin cho Tím.

Một tháng ròng trôi qua. Đứa con gái đã rời nơi cư ngụ. Bữa nọ không thấy nó, dằn lòng không được, Tím xách xe chạy tới nhà ông.

Ngoài ngã ba đường có cắm lá cờ đen.

Cờ báo người mất.

Xóm làng nói lại, ông bị đột quỵ. Dạo gần đây, ông hay ngồi ngoài hàng hiên chơi cờ tướng một mình. Ông “đi” gần một ngày trời mới có người phát hiện.

Tác giả bài viết: Cẩm Giang

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok