Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu tại buổi Giao ban báo chí với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Ảnh: Tạp chí Mặt trận |
Có thể nói, với người dân, điều quan tâm nhất, thiết thực nhất là những gì ảnh hưởng trực tiếp đến họ, những gì tai nghe, mắt thấy hàng ngày. Đó là vệ sinh môi trường như rác thải, nước sinh hoạt, hay điện, đường, trường, trạm…
Ví dụ như Dự án Nhà máy cấp nước sạch ở xã Phú Thành (Nghệ An) được khởi công từ tháng 6/2013 và dự kiến đi vào hoạt động cuối năm 2014, vậy nhưng, dự án nước sạch nông thôn này hơn 3 năm phải bỏ hoang vì thiếu vốn. Đây là dự án cấp nước sạch nông thôn nằm trong Chương trình Mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2011-2015. Dân khát nước, không có nước sạch dùng, trong khi dự án để hoang.
Người dân ở xã Đông Lĩnh (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) 9 năm qua vẫn mong mỏi con đường từ đê Trà Lý đến QL39 được hoàn thành. Chỉ với hơn 4km đường, được giải ngân với tổng kinh phí đầu tư trên 76 tỷ đồng, kế hoạch thực hiện trong thời hạn 3 năm, thế nhưng, qua hơn 9 năm, con đường vẫn nằm im bất động, ngày càng xuống cấp nghiêm trọng, khiến người dân nơi đây rất khổ sở trong việc đi lại…
Ngôi trường 2 tầng với 8 phòng học khang trang được xây dựng nhiều tỷ đồng mục đích giúp hàng trăm em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số thuộc 6 thôn nghèo xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk đỡ vất vả, giảm tỷ lệ các em bỏ học giữa chừng.
Thế nhưng từ tháng 6/2016, khi hoàn thành đến nay, ngôi trường lại để không và chính quyền các cấp hết sức băn khoăn, nhưng chưa có phương án sử dụng hiệu quả. Đây cũng là tình trạng ở không ít nơi. Như một tỉnh Gia Lai, theo thống kê của cơ quan chức năng, có đến 315 phòng học bỏ hoang...
Những năm qua, trên địa bàn dân cư, cũng có không ít cán bộ cơ sở như cán bộ ở thôn Trung Tiến, xã Xuân Cao (huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hoá) mắc sai phạm. Ông trưởng thôn này vào năm 2009, đã hoán đổi suất hỗ trợ làm nhà của hộ nghèo, hay lại tự ý giao thầu đất công trái thẩm quyền làm người dân bức xúc. Hoặc như một xã Cổ Đô (huyện Ba Vì, TP Hà Nội) chính quyền thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý dẫn đến sai phạm trọng quản lý đất đai, đặc biệt là công tác dồn điền đổi thửa.
Đến Phó Bí thư Đảng ủy xã này từng sở hữu một Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) với tổng diện tích lên tới 87.104 m2 đất nông nghiệp. Và rồi mặc dù những sai phạm đã được kết luận rõ ràng, tuy nhiên không được ngành chức năng xử lý dứt điểm...
Những vụ việc, vụ án, tình trạng kiểu như trên được người dân phản ánh, có ở nhiều nơi, được Báo Đại Đoàn kết nêu ra, chỉ rõ, yêu cầu giải quyết, khắc phục. Đây cũng mới chỉ là một số trong hàng trăm việc, vụ việc được Báo nêu trong năm qua, góp phần vào công cuộc phòng, chống tham nhũng của cả nước nói chung, của MTTQ Việt Nam nói riêng.
Nói về vai trò của MTTQ trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, trong cuộc hội thảo gần đây đã nhấn mạnh: “Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng bộc lộ nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu, mong muốn của nhân dân. Vì vậy, phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ sống còn không riêng một ngành nào, một cơ quan nào mà là của toàn xã hội, trong đó có MTTQ Việt Nam”.
Và như Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực quan tâm “cần phát huy cơ chế giám sát xã hội, giám sát của nhân dân thông qua MTTQ, các đoàn thể, nhất là giám sát cán bộ, đảng viên tại khu dân cư về những biểu hiện không lành mạnh về đạo đức, lối sống, dấu hiệu thu nhập, tài sản, nhà đất bất minh”.
Đúng là vai trò của MTTQ, nhất là việc phòng, chống tham nhũng ngay từ cơ sở, từ khu dân cư là rất quan trọng. Nhiều chuyên gia, nhiều người cũng rất quan tâm đến vấn đề này. Bởi từ khu dân cư, từ cơ sở, việc giám sát của dân, của các Ban Công tác Mặt trận được thể hiện cụ thể nhất, sát thực nhất. Không có gì qua được tai mắt của dân. Và với báo Đại Đoàn Kết đã và sẽ luôn luôn đồng hành, sát cánh cùng người dân trong cuộc chống giặc nội xâm.
Tác giả: Kiên Long
Nguồn tin: Báo Đại Đoàn Kết