Trong tỉnh

‘Chợ sứa’ trên biển Hải Hòa một buổi sớm mai

Biển Hải Hòa, Tĩnh Gia, Thanh Hóa vốn chưa bị "cơn bão" du lịch tàn phá nên vẫn giữ vẻ hoang sơ và mộc mạc. Người dân Hải Hòa đôn hậu, thân thiện, hàng hóa thuận mua vừa bán, chợ cá buổi sớm vì thế cũng không quá ồn ào, náo động.

Từ khoảng 4h đến 6h sáng, hàng ngày có hàng chục thuyền nhỏ của ngư dân khai thác sứa biển trở về

Trời phú cho biển Hải Hòa có một không gian yên bình, đầy tiềm năng phát triển du lịch nhưng do chưa dược địa phương đẩy mạnh đầu tư nên nhịp sống ở Hải Hòa, Tĩnh Gia vẫn khá yên bình, chân quê. Cuộc sống của người đi biển còn nhiều khó khăn, vất vả. Hầu hết người dân kiếm sống từ nghề đánh bắt hải sản, khai thác sứa.

Những người dân đã ra bãi biển từ sớm để đợi những chiếc thuyền đánh bắt cá về rồi thu mua lại. Sau đó họ sẽ tiêu thụ ở những chợ đầu mối hoặc bán lại cho nhà hàng hoặc khách sạn.

Cô Lê Thị Hoa (1976) - một trong những người đến thu mua hải sản buổi sớm chia sẻ: “Chúng tôi phải ra bờ biển từ 6-7h sáng để đợi thuyền về, mùa sứa thì mua với giá 20 nghìn đồng/kg, sau đó chế biến ngay tại chỗ rồi đem ra chợ huyện bán cho lái buôn với giá 20 – 25 nghìn/kg, tính ra mỗi con sứa cũng lãi được vài nghìn. Đến mùa tôm, cá đa phần lái buôn sẽ đến mua hết nên chúng tôi không mua được nhiều”.

Khoảng 6h sáng, chiếc thuyền đầu tiên trở về sau một ngày dài đánh bắt dài ngoài biển.

Biển Tĩnh Gia vào tháng 3 chủ yếu là sứa, một con sứa nặng khoảng 1kg và được bán với giá 20.000 đồng.

Người dân sơ chế sứa ngay trên bờ biển.

Ông Lê Kiên Hưng (63 tuổi ) chia sẻ : “Mỗi lần đi đánh cá đều phải đi từ chiều ngày hôm trước đến sáng hôm sau mới về. Nhiều bữa ra biển đánh được nhiều, có bữa không được gì và đánh bắt sứa là chủ yếu. Năm nay tuổi tôi đã nhiều, sức khỏe không cho phép nên không đi đánh bắt được nữa. Vào khoảng tháng 3 thì thường đánh bắt sứa, từ tháng 3 trở đi chủ yếu là ngư dân đánh bắt cá. Ở Tĩnh Gia chủ yếu là sống nhờ nghề đánh bắt, nghề này vô cùng vất vả và thất thường, nhất nhất là phải có sức khỏe. Ngoài ra, ở nhà tôi còn chăn nuôi lợn gà, trồng rau để có thể kiếm thêm thu nhập.”

Sứa sau khi được sơ chế, sẽ được cắt thành sợi nhỏ sau đó ngâm nước và được bán lại cho các nhà hàng gần đó.

Vào những ngày bão lũ, người dân ở đây không thể đi đánh bắt thường xuyên, thay vào đó, họ ở nhà chăm ruộng vườn, nuôi lợn gà, trâu bò để có thể trang trải cuộc sống hiện tại.

Nhịp sống thay đổi, nhờ những chuyến tàu cá, kinh tế ngư dân khấm khá hơn. Người dân vùng biển Tĩnh Gia đã có nhà kiên cố hơn trước. Vào những ngày bão to, gió lớn, họ đã bớt đi phần nào nỗi lo tốc mái hay phải đi tránh bão.

Tác giả: PHẠM BÍCH PHƯỢNG

Nguồn tin: ngaynay.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok