Thói quen tiêu dùng của nhiều người đang cản trở sự phát triển của chuỗi cung ứng thịt sạch, gây khó khăn cho cơ quan quản lý trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.
Nhiễm vi sinh tràn lan
Đầu tháng 12-2017, Viện Pasteur TP HCM công bố kết quả đáng giật mình là 150/150 mẫu thịt heo, gà, vịt nhiễm vi khuẩn E.coli vượt ngưỡng cho phép rất cao. Mẫu được lấy từ 8 đến 9 giờ sáng tại các điểm bán lẻ trong chợ ở 5 tỉnh, thành phía Nam.
Thịt heo bán ở chợ rất dễ nhiễm vi sinh Ảnh: Tấn Thạnh |
Về công bố này, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM, cho rằng số lượng mẫu của nghiên cứu chưa mang tính đại diện nhưng là hồi chuông cảnh báo về tình trạng mất vệ sinh tại chợ hiện nay.
"Tôi đồng thuận với kết luận của nhóm nghiên cứu về nguyên nhân thịt nhiễm vi sinh là do khâu giết mổ, điều kiện nơi kinh doanh thịt chưa bảo đảm và cơ quan quản lý đang tập trung khắc phục. Về lò mổ, TP HCM đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy công nghiệp hiện đại, sẽ khắc phục được tình trạng nhiễm vi sinh. Về bán lẻ, qua thẩm định cấp phép ở các chợ truyền thống, chúng tôi nhận thấy điều kiện bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm rất hạn chế, cần phải đầu tư nâng cấp cho sạch sẽ hơn.
Tôi cho rằng đã đến lúc vì an toàn thực phẩm cho người dân mà kiên quyết dẹp những điểm bán không đáp ứng các điều kiện, không vì cớ "sinh nhai" mà để những điểm bán này tồn tại. Đối với chợ cóc, chợ tạm, điều kiện vệ sinh rất kém, UBND TP HCM đã chỉ đạo 24 quận - huyện lên lộ trình chấm dứt hoạt động. Đó là thực trạng đã tồn tại từ lâu và cơ quan quản lý đang từng bước giải quyết. Về phía người dân cũng phải tự cứu mình bằng cách tuân thủ "ăn chín, uống sôi" và ủng hộ mô hình phân phối hiện đại vì được kiểm soát tốt hơn, sạch hơn" - bà Lan nhấn mạnh.
Tổ chức giết mổ công nghiệp hiện đại là giải pháp khắc phục tình trạng nhiễm vi sinh do giết mổ thủ công nhưng nghịch lý là các nhà máy giết mổ công nghiệp tuy ít song lại đang ế. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện các cơ sở giết mổ, chế biến thịt quy mô công nghiệp chỉ khai thác khoảng 30% công suất. Hiện tại những nhà máy này phải tăng cường liên kết chuỗi để xuất khẩu thịt và sản phẩm chế biến từ thịt nhằm gia tăng công suất do việc mở rộng thị trường trong nước khá chậm.
Thịt sạch bị chê
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, nhìn nhận thông tin thịt nhiễm vi sinh khiến người chăn nuôi khốn đốn hơn vì khó tiêu thụ nhưng đây cũng là cơ hội để người tiêu dùng thay đổi thói quen, hướng đến tiêu dùng thịt sạch.
"Do sức đề kháng của dân ta khá tốt, thịt lại được nấu chín trước khi ăn nên chưa bị ngộ độc nên mọi người ít chú ý đến vấn đề vệ sinh. Chúng tôi phối hợp với HTX Đồng Hiệp mở điểm bán thịt sạch đạt chuẩn nhưng người tiêu dùng vẫn chưa quen. Họ muốn chúng tôi đem heo ra xe lạnh bán trên vỉa hè như thời "giải cứu" để tiện mua.
Họ sờ vào miếng thịt mát đạt tiêu chuẩn nhưng không hài lòng vì thích thịt nóng. Chúng tôi phải kiên trì giải thích về quy trình giết mổ, điều kiện bảo quản để có thịt sạch nhưng hiệu quả lại không như mong muốn. Chúng tôi đang cố gắng duy trì kinh doanh ở mức huề vốn để dần dần thay đổi thói quen người tiêu dùng nhưng không đơn giản" - ông Công thừa nhận.
Sắp tới, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai sẽ mở một điểm bán thịt sạch đúng chuẩn tại TP HCM để quảng bá sản phẩm an toàn. Theo ông Công, đã đến lúc cơ quan quản lý phải siết điều kiện bán lẻ thịt vì đây là khâu mấu chốt để người tiêu dùng có thịt sạch. Bởi hiện nay, việc kiểm soát thịt chỉ mới dừng ở chợ đầu mối.
Theo Công ty Quản lý chợ đầu mối Hóc Môn, chợ sỉ thịt heo lớn nhất TP HCM, chiếm trên 50% thị phần, vấn đề vệ sinh cải thiện qua các năm khi thực hiện thí điểm chợ thực phẩm an toàn. Cụ thể, năm 2016, kiểm tra 175 mẫu về vi sinh, kết quả 150/175 mẫu đạt yêu cầu, chiếm tỉ lệ 86%, cải thiện hơn 7% so với năm 2015 (79%). 11 tháng đầu năm 2017, kiểm 88 mẫu vi sinh, kết quả 87/88 mẫu đạt yêu cầu (99%).
Ông Trầm Quốc Thắng, Phó Giám đốc HTX Chăn nuôi heo an toàn Tiên Phong (huyện Củ Chi, TP HCM), cho rằng với thịt "phơi" ngoài chợ như hiện nay, việc nhiễm vi sinh là dễ hiểu bởi chỉ cần một con ruồi đậu lên hoặc người bán tay cầm tiền rồi chạm thịt là có thể gây nhiễm ngay. Vì vậy, để hướng đến việc HTX chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm đến người tiêu dùng, thịt phải được đóng gói, có nhãn mác và đặt trong tủ lạnh với nhiệt độ thích hợp.
Chậm phát triển trong kênh phân phối hiện đại Theo quy hoạch giết mổ năm 2005, thị phần thực tế thịt tiêu thụ ở kênh phân phối hiện đại chiếm 3%-5% vào thời điểm đó. Đến năm 2017, thị phần thịt trong kênh phân phối hiện đại cũng chỉ mới chiếm 10% (trước thời điểm xảy ra sự cố lò Xuyên Á) và 20% như hiện nay. Ngay ở kênh phân phối hiện đại, người tiêu dùng vẫn ít chuộng thịt đóng gói sẵn mà thích chọn thịt không đóng gói và cắt tại chỗ. Điều này cản trở nhiều đến việc phát triển chuỗi cung cấp thịt sạch, truy xuất được nguồn gốc qua bao bì. |
Tác giả: VƯƠNG NGỌC
Nguồn tin: Báo Người lao động