Chiều 23/3, với 100% phiếu thuận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12/2022.
Từ 1/4/2022, thuế bảo vệ môi trường của xăng, dầu được giảm tối đa 50% |
Theo đề xuất của Chính phủ, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành (1/4/2022) đến hết ngày 31/12 /2022 như sau:
Đối với xăng là 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg; dầu hỏa là 700 đồng/lít.
Với mức thuế này thì xăng, trừ ethanol, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, đều giảm 50% so với các mức thuế hiện hành, còn dầu hỏa mức thuế giảm 70% so với mức thuế hiện hành.
Tờ trình của Chính phủ nêu ba mục đích, quan điểm xây dựng nghị quyết.
Một, góp phần kiềm chế lạm phát, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và bình ổn thị trường xăng dầu trước bối cảnh giá dầu thô tăng cao.
Hai, góp phần hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau dịch Covid-19 và phù hợp với bối cảnh chung của đất nước trong việc đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Ba, đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và nhà nước trên cơ sở phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nhà nước.
Thay mặt Chính phủ trình bày Tờ trình trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chiều nay, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ, trong thời gian tới, dự báo diễn biến giá xăng dầu vẫn ở mức cao và còn diễn biến phức tạp, trong bối cảnh số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đang ở mức thấp (thậm chí số dư Quỹ Bình ổn giá tại nhiều doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đang ở mức âm) thì cần sử dụng công cụ thuế để bình ổn giá xăng dầu trong nước.
Xăng dầu vừa là mặt hàng chiến lược, quan trọng, vừa là mặt hàng thiết yếu có tác động mạnh đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô.
Việc giá xăng dầu tăng cao sẽ gây áp lực lớn đến chi phí sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như chi tiêu tiêu dùng của người dân; trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp thì cần có giải pháp điều hành để ổn định thị trường xăng dầu trong nước.
Từ cơ cấu các chính sách thuế đối với xăng dầu như báo cáo nêu trên thì giải pháp nghiên cứu điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn là giải pháp phù hợp và cần thiết, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc trình bày.
Tác giả: Phùng Tuệ An
Nguồn tin: Báo Giao thông