Xe

Chính thức miễn kiểm định lần đầu, nới chu kỳ kiểm định một số loại xe

Bộ GTVT vừa ban hành Thông tư mới quy định về hoạt động đăng kiểm với nhiều điểm đổi mới và có hiệu lực thi hành ngay từ ngày 22/3.

Bộ GTVT vừa chính thức ban hành Thông tư 02/2023 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 16 ngày 12/8/2021 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Thông tư mới sẽ có hiệu lực thi hành ngay từ 0h ngày 22/3, trong đó sửa đổi 7 điều và 5 phụ lục trên 18 điều và 19 phụ lục so với Thông tư cũ.

Nới chu kỳ kiểm định một số loại xe

Đáng chú ý, Thông tư mới đã quy định việc miễn kiểm định lần đầu đối với xe cơ giới chưa qua sử dụng và có năm sản xuất đến năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận kiểm định dưới 2 năm (năm sản xuất cộng 1 năm) và có đủ hồ sơ hợp lệ; được cấp tem và giấy chứng nhận tại các trung tâm đăng kiểm mà không phải mang xe đến trình diện.

Bên cạnh đó, Thông tư mới cũng điều chỉnh chu kỳ kiểm định đối với một số loại xe cơ giới.

Thông tư mới được kỳ vọng sẽ góp phần tháo gỡ những khó khăn, tồn tại của lĩnh vực đăng kiểm trong thời gian qua (Ảnh: Hữu Thắng).

Cụ thể, với ô tô chở người các loại đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải thì chu kỳ đầu tiên miễn kiểm định và tăng từ 30 tháng lên 36 tháng;

Thời gian sản xuất đến 7 năm thì chu kỳ tăng từ 18 tháng lên 24 tháng;

Thời gian sản xuất trên 7 năm đến 20 năm (trước đây là 12 năm) thì chu kỳ giữ nguyên 12 tháng;

Thời gian sản xuất trên 20 năm thì chu kỳ kiểm định giữ nguyên 06 tháng;

Đối với ô tô chở người các loại trên 9 chỗ thì chu kỳ đầu tiên miễn kiểm định và tăng từ 18 tháng lên 24 tháng;

Thời gian sản xuất đến 5 năm thì chu kỳ tăng từ 06 tháng lên 12 tháng;

Thời gian sản xuất trên 5 năm thì chu kỳ giữ nguyên 06 tháng;

Nhóm ô tô tải các loại, ô tô đầu kéo có thời gian sản xuất từ 20 năm trở lên (kể cả ô tô tải, ô tô đầu kéo đã cải tạo thành ô tô chuyên dùng), ô tô tải được cải tạo chuyển đổi công năng từ ô tô chở người có thời gian sản xuất từ 15 năm trở lên được kéo dài chu kỳ kiểm định từ 3 tháng lên 6 tháng

Bên cạnh đó, Thông tư cũng điều chỉnh một số nội dung nhằm giảm thiểu thủ tục, chi phí và thời gian cho người dân và doanh nghiệp.

Mở rộng đơn vị cung cấp dịch vụ đăng kiểm

Theo Bộ GTVT, thời gian qua, trong quá trình triển khai áp dụng Thông tư 16, một số nội dung đã bộc lộ bất cập như yêu cầu kiểm định đối với phương tiện mới, chu kỳ kiểm định chưa thực sự phù hợp với điều kiện thực tiễn, đặc biệt đối với phương tiện cá nhân (xe không kinh doanh vận tải)…; trên cơ sở đó, Bộ GTVT đã rà soát, nghiên cứu, đề xuất Chính phủ và được chấp thuận cho phép sửa đổi Thông tư 16 theo trình tự rút gọn.

"Đến nay, sau 1 tháng khẩn trương, tập trung triển khai, Thông tư sửa đổi Thông tư 16 đã hoàn thành và có hiệu lực bắt đầu từ ngày 22/3/2023”, Bộ GTVT báo cáo.

Bộ GTVT cũng cho biết việc xây dựng Thông tư mới đã dựa trên việc tiếp thu những ý kiến, nguyện vọng chính đáng của người dân, doanh nghiệp và các chuyên gia;

Nghiên cứu sâu sắc những kinh nghiệm quốc tế; căn cứ tốc độ phát triển phương tiện ô tô cá nhân cũng như tốc độ hoàn thiện, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng của đất nước; với tinh thần thúc đẩy ý thức trách nhiệm của người dân đối với chính tài sản và sự an toàn sức khỏe, tính mạng của bản thân.

Đặc biệt trong việc xây dựng Thông tư mới đã chú trọng đến kinh nghiệm của các quốc gia có điều kiện tương đồng với Việt Nam và các quốc gia có thương hiệu ô tô lưu hành phổ biến tại nước ta (thương hiệu ô tô Nhật Bản và Hàn Quốc hiện chiếm khoảng trên 70% tổng số lượng phương tiện).

Về lâu dài, Bộ GTVT sẽ đề xuất sửa đổi Nghị định 139 theo hướng sẽ tách bạch công tác quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công của lĩnh vực đăng kiểm (Ảnh: Hữu Thắng).

Về giải pháp lâu dài, Bộ GTVT cũng cho biết nhằm củng cố, kiện toàn và đổi mới hoạt động của lĩnh vực Đăng kiểm, Bộ đang chỉ đạo các cơ quan đơn vị tập trung, khẩn trương sửa đổi Nghị định số 139/2018 của Chính phủ quy định về Kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới (theo trình tự, thủ tục rút gọn).

Trong đó tách bạch công tác quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công của lĩnh vực đăng kiểm; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đăng kiểm gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương và tăng cường thanh tra, kiểm tra, phòng ngừa các hành vi tiêu cực; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo công khai, minh bạch, chất lượng và cạnh tranh lành mạnh của các đơn vị cung cấp dịch vụ đăng kiểm.

Trong đó sẽ ưu tiên nghiên cứu một số nội dung như cho phép các trung đăng kiểm của lực lượng công an, quân đội và các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng chính hãng của các nhà sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô đáp ứng quy định về cơ sở bảo hành, bảo dưỡng được phép cung cấp dịch vụ kiểm định xe ô tô; nâng cao ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ đăng kiểm….

Tác giả: Lê Mạnh Quốc

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok