Trong tỉnh

Chính quyền phân trần việc đền bù lạ đường nối Nghi Sơn

Có sổ đỏ, nộp thuế đất ở lại xác định là đất nông nghiệp, phi nông nghiệp

Đường Đông Tây 4 là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh Thanh Hóa để thúc đẩy sự phát triển khu kinh tế Nghi Sơn nhưng lại đang trở thành nỗi lo của nhiều người dân xã Hải Thượng, huyện Tĩnh Gia vì sự khác nhau trong việc giải phóng mặt bằng cho các hộ gia đình.

Theo đó, nhiều gia đình chuyển đến xã Hải Thượng ở từ trước năm 1980, khi đó chính lãnh đạo địa phương có chủ trương khai hoang, vận động người dân mở rộng nơi sinh sống.

Sau đó, các khu đất này được chính quyền cấp sổ đỏ nhưng khi tiến hành giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án đường Đông Tây 4 thì lại bị xác định là đất nông nghiệp, phi nông nghiệp.

Chị Nguyễn Thị Nguyệt - nhà tại thôn Bắc Hải, xã Hải Thượng đang đứng trước nguy cơ không biết đi đâu, về đâu.

Nói về nguồn gốc đất trên căn nhà mình đang ở, chị cho biết: "Gia đình mua đất theo diện gia đình có công với cách mạng, được chính quyền cấp sổ đỏ rõ ràng, biên lai đóng thuế hàng năm cũng là đất ở nhưng bỗng nhiên bị xác định thành phần đất khác".

Đối diện nhà ông Thu là khu đất có căn nhà hoang, nộp thuế nhà đất giống nhau nhưng lại được xác định mức đền bù khác nhau.

"Sau khi được cấp sổ đỏ, các hộ gia đình đều nộp thuế đất hàng năm theo diện đất ở. Việc sang nhượng, mua bán đất trên địa bàn trong thời gian này cũng được chính quyền địa phương xác nhận là đất ở lâu dài, cho phép xây dựng nhà ở cao tầng, kiên cố.

Nhưng bỗng nhiên khi giải phóng mặt bằng, chính quyền lại xác đây nhiều hộ gia đình đang ở trên đất nông nghiệp, phi nông nghiệp" - một người dân thôn Làng Chài, xã Hải Thương chia sẻ.

Một trong những vấn đề khiến người dân cảm thấy bức xúc là việc nhiều trường hợp cùng nằm trên một khu đất có lịch sử nguồn gốc đất như nhau, thực hiện nghĩa vụ thuế đất như nhau nhưng có thửa được xác định là đất ở lâu dài, có thửa được xác định là đất nông nghiệp, khai hoang...

Từ đó dẫn đến việc xác định sai thành phần đất khiến nhiều gia đình chỉ được bền bù hơn 10 triệu đồng nhưng có hộ gia đình được đền bù hơn 200 triệu đồng.

Chỉ ra cánh đồng lúa trước mặt, anh Đồng Văn Thu (người dân thôn Bắc Hải, xã Hải Thượng) nói: "Trong đám đó, có thửa được xác định đền bù giá đất ở, có thửa lại được đền bù với giá đất nông nghiệp, chúng chỉ cách nhau bờ đất bằng nắm tay thôi".

Chính gia đình ông Thu cũng đang ở trong tình cảnh "dở khóc, dở cười" với việc xác định nguồn gốc đất để đền bù.

Ông Thu bảo, gia đình ông chuyển đến thôn Bắc Hải, xã Hải Thượng ở đã lâu, xây dựng nhà kiên cố, hàng năm đóng thuế đất theo mức đất ở, có biên lai rõ ràng nhưng khi nhận được thông báo quyết định thu hồi của UBND huyện Tĩnh Gia thì lại xác định không phải là đất ở.

"Trong khi đó, thửa đất đối diện nhà tôi chỉ cách nhau con đường thôn rộng 1m cũng có cùng lịch sử đất giống nhau, diện tích gần bằng nhau, cùng đóng thuế đất như nhau mà lại được xác định là đất ở. Gia đình họ được đền bù gần 230 triệu đồng tiền đất, còn gia đình tôi chỉ được gần 13 triệu đồng" - ông Thu chua chát nói.

Theo thống kê của PV, có hơn 50 hộ dân ở xã Hải Thượng phản đối việc Ban Giải phóng mặt bằng và Tái định cư huyện Tĩnh Gia xác định sai thành phần đất, dẫn việc giải phóng mặt bằng thực hiện đường Đông Tây 4 nối cảng Nghi Sơn có nguy cơ chậm tiến độ.

Nhiều người dân cho rằng, việc xác định sai này khiến người dân lâm vào cảnh mất đất, mất nhà và có nguy cơ gánh thêm một khoản nợ khi chuyển đến nơi ở mới.

Lãnh đạo huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa đối thoại với người dân xã Hải Thượng.

Hướng dẫn người dân khởi kiện ra tòa

Trước thực trạng này, lãnh đạo huyện Nghi Sơn đã tổ chức đối thoại với người dân xã Hải Thượng. Tuy nhiên, những lời giải thích của cơ quan chức năng không khiến người dân thỏa mãn.

Ngày 23/8/2018, nhiều người dân xã Hải Thượng đã đến trực tiếp UBND huyện Tĩnh Gia đối thoại với lãnh đạo, trình bày sự bức xúc trong việc xác định nguồn gốc đất và mức đền bù không đồng đều giữa các hộ gia đình.

Về việc nhiều gia đình có sổ đỏ nhưng vẫn xác định không phải là đất ở, ông Phạm Văn Nhiệm - Phó Chủ tịch huyện Tĩnh Gia cho biết, sau năm 1998 huyện đã ra quyết định thu hồi những trường hợp được cấp sổ đỏ trước đó. Việc này đã được thông báo chính chính quyền xã Hải Thượng nhưng không biết vì lý do gì mà người dân không nắm được điều này.

Tuy nhiên, thông tin này của ông Nhiệm đã được người dân chất vấn lại: Nếu số đỏ cấp trước năm 1998 bị thu hồi thì tại sao những giao dịch mua bán đất những năm 2000 vẫn được chính quyền xã Hải Thượng công nhận là đất ở? Làm thủ tục vay ngân hàng trong những năm sau 1998 vẫn được chấp thuận thế chấp cho vay theo diện đất ở?

Ông Nhiệm thừa nhận, để xảy ra tình trạng này cũng có phần do chính quyền thiếu trách nhiệm. Khi Ban Giải phóng mặt bằng và Tái định cư đến làm việc thì chính quyền xã Hải Thượng không cung cấp được hồ sơ gì ở thời điểm hiện tại để căn cứ thực hiện nghĩa vụ tài chính. Từ đó, dẫn đến việc khó xác định nguồn gốc, thành phần đất trên địa bàn.

"Từ những phản ánh của người dân, sắp tới chúng tôi sẽ thành lập ban thanh tra đi đến từng hộ gia đình để xác minh trường hợp cụ thể.

Ngoài ra, trường hợp nào không thống nhất với mức đền bù thì có thể làm đơn khởi kiện đến TAND tỉnh để tiếp tục giải quyết" - ông Nhiệm cho hay.

Tác giả: Vân Du

Nguồn tin: Báo Đất việt

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok