Người dân vỡ mộng
Năm 2009, dự án xây dựng nhà máy xi măng Thanh Sơn được triển khai tại xã Thúy Sơn với tổng vốn đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng. Dự án do Công ty Đầu tư và Thương mại Thăng Long Hà Nội làm chủ đầu tư, công suất 2.500 tấn Clinkenr/ngày.
Những dãy nhà xây cho công nhân ở bị bỏ hoang lãng phí. |
Thời điểm đó, có 206 hộ dân sống tại các thôn Vân Sơn, Lương Sơn, Hồng Sơn, Thanh Sơn thuộc diện bị thu hồi đất ở và đất nông nghiệp để hoàn thành việc giải phóng mặt bằng, tổng diện tích đất thu hồi gần 40 ha.
Dự kiến nhà máy đi vào hoạt động sẽ cung cấp sản phẩm xi măng cho thị trường phía Tây Thanh Hóa, Lào, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu cho ngân sách Nhà nước trên địa bàn.
Thế nhưng, hoang tàn, đổ nát là tất cả những gì có thể thấy của một dự án nghìn tỷ hơn 10 năm qua. Để tận dụng mảnh đất bị bỏ hoang, nhiều người dân đã đưa trâu bò vào đây chăn thả.
Tại công trường, đơn vị thi công mới thực hiện được hạng mục san lấp mặt bằng, khoan cọc nhồi và xây tường rào, sau đó ngừng thi công cho đến nay. Toàn bộ diện tích đất để xây dựng nhà máy giờ bỏ không, gây lãng phí quỹ đất, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Đáng nói, dự án về, nhiều hộ dân sau khi nhận tiền đền bù đã dồn hết cho con đi học nghề. Ra trường, thay vì được nhận vào làm ở nhà máy xi măng Thanh Sơn như lời hứa của chủ đầu tư, thì những lao động này phải bươn chải khắp từ Bắc đến Nam để tìm việc vì ở quê đất đã bán, ruộng không còn.
Dân thì không có đất sản xuất nhưng đất thu hồi cho dự án thì bỏ hoang suốt hơn 10 năm qua. |
Ông Phạm Đình Hòa (thôn Ngọc Sơn) chia sẻ: "Khi dự án nhà máy xi măng về quê, người dân Thúy Sơn mừng lắm, chúng tôi hy vọng rồi đây, con em sẽ có công ăn việc làm ổn định, cuộc sống của người dân miền núi sẽ nhanh chóng thoát nghèo.
Thế nhưng, vài năm sau đó thì người dân chúng tôi vỡ mộng, đi học nghề nhưng khi trở về thì không có việc làm. Ruộng không còn, đất cũng không khiến người dân phải bỏ quê đi làm ăn xa. Đặc biệt, một số lao động đã quá tuổi không công ty nào nhận nên không có việc làm".
Ông Hòa cũng mong muốn địa phương tạo điều kiện cho người dân được sử dụng lại quỹ đất đã đền bù để bà con sản xuất, có công ăn việc làm.
Chính quyền đề nghị thu hồi!
Theo ông Lê Phúc Hành, Chủ tịch UBND xã Thúy Sơn, lúc đầu theo đúng chủ trương của Nhà nước là xây dựng nhà máy xi măng, nhưng đến nay người dân xác định khu vực này nếu làm nhà máy xi măng sẽ ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống bà con nhân dân. Do đó, người dân trên địa bàn đã đề nghị với xã và huyện sớm thu hồi đất dự án.
Được biết, UBND xã Thúy Sơn tổ chức lấy ý kiến của các hộ dân thuộc 5 thôn quanh khu vực xây dựng nhà máy. Tổng số 717 hộ tham gia đóng góp ý kiến thì có đến 715 hộ không đồng ý cho tiếp tục xây dựng nhà máy xi măng Thanh Sơn tại đây vì gây ô nhiễm môi trường.
Chính quyền địa phương đề nghị tỉnh sớm thu hồi dự án. |
Theo thông tin từ UBND huyện Ngọc Lặc, dự án xây dựng nhà máy xi măng Thanh Sơn đã ngừng thi công quá lâu nếu tiếp tục được triển khai sẽ ảnh hưởng đến quy hoạch đô thị huyện Ngọc Lặc - là trung tâm khu vực miền núi phía Tây của tỉnh Thanh Hóa.
UBND huyện Ngọc Lặc đã có văn bản gửi UBND tỉnh Thanh Hóa kiến nghị không xem xét điều chỉnh công suất nhà máy xi măng Thanh Sơn và có hướng xử lý, thu hồi dự án. Đồng thời, thu hút đầu tư các dự án khác với công nghệ hiện đại, công nghệ sạch thân thiện với môi trường, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.
Ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng, UBND huyện Ngọc Lặc, cho biết: "Đối với nhà máy xi măng Thanh Sơn không triển khai một thời gian dài, gây lãng phí đất sản xuất trên địa bàn, cũng như gây bức xúc cho nhân dân. Huyện Ngọc Lặc kiến nghị tỉnh, cấp trên nhanh chóng thực hiện thu hồi dự án đầu tư xây dựng nhà máy xi măng Thanh Sơn và kêu gọi đầu tư các dự án phù hợp với quy hoạch chung đô thị và cảnh quan khu vực này".
Tác giả: Bình Minh
Nguồn tin: Báo Tin tức