Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chủ trì hội thảo về Chính phủ số (ảnh: VGP) |
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, đây là một trong 5 nhiệm vụ Chính phủ sẽ thực hiện trong năm 2018 nhằm triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong điều hành.
Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ cũng cho biết, giai đoạn tiếp theo sẽ có sự chuyển biến, chuyển sang xây dựng Chính phủ số, trên cơ sở kế thừa từ giai đoạn xây dựng Chính phủ điện tử. Trong đó, các dịch vụ số sẽ tạo nền tảng chính cho các dịch vụ của Chính phủ.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, để thực hiện được điều này, Văn phòng Chính phủ đang hợp tác với Ngân hàng Thế giới đánh giá mức độ sẵn sàng cho Chính phủ số tại Việt Nam, tập trung vào 8 lĩnh vực như đánh giá mức độ sẵn sàng của đội ngũ lãnh đạo; chính sách, khung pháp lý và cấu trúc thể chế; nhu cầu và mức độ tham gia của người dân, hệ sinh thái dữ liệu mở, hạ tầng dữ liệu…
Tại hội thảo, điều phối Chương trình Dữ liệu sáng tạo của Ngân hàng Thế giới Alla Morrison nhìn nhận, thế giới số mang đến nhiều cơ hội to lớn, nhưng đồng thời cũng đặt ra những thách thức lớn bao gồm rủi ro tạo ra sự phân hóa số ngày càng tăng, khiến cho người nghèo bị bỏ lại phía sau xa hơn.
Như vậy, Chính phủ có vai trò quan trọng là tạo một môi trường thuận lợi cho nền kinh tế mới, một môi trường tạo điều kiện cho khu vực tư nhân có thể đổi mới sáng tạo và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ số mới, nhằm cải thiện cuộc sống của người dân, tạo điều kiện để hoạt động kinh doanh trở nên dễ dàng hơn cho các doanh nghiệp. Khi người dân đã quen với hiệu quả và tính thuận tiện của dịch vụ số ở khu vực công, họ kỳ vọng Chính phủ cũng đảm bảo hiệu quả và thuận tiện.
Chính phủ ngoài việc cung cấp dịch vụ một cách thuận tiện, hiệu quả cho người dân, cũng có trách nhiệm phải đảm bảo tiếp cận internet một cách bình đẳng và sự cạnh tranh trên thị trường, bảo vệ quyền riêng tư của công dân cũng như quyền của người tiêu dùng. Đây chính là tiền đề cho Chính phủ số.
Dẫn chứng về những câu chuyện thành công trong thực hiện Chính phủ số, ông Seunghyun Kim, chuyên gia cao cấp Ngân hàng Thế giới cho biết, trong khuôn khổ dự án do Ngân hàng Thế giới hỗ trợ (70 triệu USD), Bangladesh đã xây dựng được nền tảng cơ sở hạ tầng dịch vụ Chính phủ điện tử, cho phép hiện đại hóa khu vực công và chuyển đổi toàn bộ Chính phủ thông qua sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông. Theo đó, nền tảng số hóa cho phép tất cả cơ quan của Chính phủ sử dụng trung tâm dữ liệu quốc gia và đã góp phần tiết kiệm khoảng 80% chi tiêu cho công nghệ thông tin.
Bà Trần Thị Lan Hương, chuyên gia cao cấp Ngân hàng Thế giới nêu dẫn chứng, ở các nước tiên phong như Mỹ, Anh, Đan Mạch, Australia… hàng trăm công ty mới thành lập và hàng ngàn việc làm mới được tạo ra từ các dữ liệu mở. Chẳng hạn, hệ thống định vụ toàn cầu (GPS) đã đóng góp 122 tỷ USD/năm cho nền kinh tế Mỹ. Một nghiên cứu ở Tây Ban Nha cho thấy dữ liệu mở đóng góp hơn 600 triệu Euro với hơn 5.000 việc làm.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhận định, xây dựng Chính phủ số là xu hướng tất yếu. Đây là quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, hướng tới phục vụ người dân và doanh nghiệp. Chúng tôi thể hiện quan điểm nhất quán, đã sẵn sàng và đang làm, vì đây là nhu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay.
Cho biết, khó khăn nhất của Chính phủ Việt Nam là xây dựng cơ sở dữ liệu, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng mong muốn đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới gợi mở các định hướng, đưa ra khuyến nghị, ủng hộ Việt Nam xây dựng thành công Chính phủ số và dữ liệu mở, qua đó giúp Chính phủ quyết tâm thực hiện Chính phủ kiến tạo, hành động, phát triển. Bộ trưởng đề nghị các bộ, ngành, địa phương hợp tác với đoàn công tác trong quá trình khảo sát đánh giá.
Tác giả: P.Thảo
Nguồn tin: Báo Dân trí